+
Aa
-
like
comment

Bất ngờ một quốc gia vô cùng giàu có lại khủng hoảng vì “một con sông”

Lan Hoa - 25/08/2022 12:27

Trang CNN cho biết, sông Rhine khô cạn đang làm rối loạn chuỗi cung ứng và gây thêm thách thức cho kinh tế Đức vốn đang đối mặt nhiều rắc rối.

Sông Rhine khô hạn.

Sông Rhine – con sông dài thứ hai ở Trung và Tây Âu (hơn 1.230km), bắt nguồn từ Thụy Sĩ, chảy qua Áo, Đức, Pháp và Hà Lan, là tuyến đường thủy quan trọng vận chuyển hàng chục triệu tấn hàng hóa các loại mỗi năm giữa các quốc gia châu Âu. Đối với Đức, vai trò của sông Rhine càng quan trọng hơn từ khi Đức rục rịch tìm cách giảm phụ thuộc vào năng lượng Nga do tình hình ở Ukraine, bởi đây là tuyến trung chuyển than, dầu mỏ phục vụ nhiều cơ sở hạ tầng công nghiệp trọng yếu.

Theo CNN, hồi tháng trước, Viện Thủy văn Liên bang Đức đã đưa ra cảnh báo khẩn cấp rằng mực nước tại trạm đo Kaub phía Tây Frankfurt chỉ bằng 1/5 mức cần thiết để các tàu vận tải có thể chuyên chở hàng hóa hết công suất. Phí vận chuyển vì thế cũng đắt đỏ hơn. Nhiều tàu hiện chỉ hoạt động cầm chừng, trong khi một số khác phải ngừng hoạt động vì không đủ hiệu quả về mặt kinh tế.

Ông Alexander Von Gersdorff – Phát ngôn viên Cơ quan vận động hành lang ngành năng lượng Đức cho biết: “Mực nước sông Rhine và các con sông khác giảm xuống thấp, đồng nghĩa với việc hoạt động vận chuyển các sản phẩm dầu mỏ như xăng, dầu diesel, dầu sưởi ấm không thể thực hiện được như bình thường”.

Từ lâu, vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy nội địa ở Đức đã quan trọng hơn nhiều so với nước Tây Âu khác. Sở dĩ Đức chọn đường thủy vì các lựa chọn khác thường đắt và mất nhiều thời gian hơn, nên nếu tình trạng này kéo dài có thể gây đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa năng lượng của Đức. Chi phí cao sẽ đẩy giá hàng hóa tăng, gây khó khăn cho nền kinh tế nói chung. Dĩ nhiên sẽ có các cách chuyển đổi trong ngắn hạn, nhưng nếu tình trạng của sông Rhine kéo dài đến tháng 12 thì cùng với lạm phát vốn đã cao sẽ kéo sản xuất công nghiệp giảm.

Ông Alexander Von Gersdorff – Phát ngôn viên Cơ quan vận động hành lang ngành năng lượng Đức

Mới đây, Đức đã phải tái khởi động các nhà máy điện than để bù đắp nguồn cung khí đốt thiếu hụt từ Nga. Tuy nhiên, phần lớn lượng than cần thiết này lại được vận chuyển từ các cảng của Hà Lan tới Đức theo đường sông Rhine. Do vậy, việc con sông này cạn nước sẽ càng khiến cuộc khủng hoảng năng lượng trở nên trầm trọng hơn.

“Rất nhiều than đá đang được chuyển từ Hà Lan đến các nhà máy điện tại Đức thông qua sông Rhine. Và điều này đang gặp vấn đề lớn bởi những con tàu chỉ có thể đi qua nút thắt cổ chai này với chỉ 1/4 hoặc 1/3 sức tải hàng hóa”, ông Marc Schattenberg – chuyên gia kinh tế, Deutsche Bank Research nói.

Trong một báo cáo tuần này, Capital Economics cho biết so với khủng hoảng khí đốt, các rắc rối từ sông Rhine “chỉ là một vấn đề nhỏ với ngành công nghiệp Đức”. Tuy nhiên, tình hình có thể nghiêm trọng hơn trong năm nay, bởi lĩnh vực sản xuất vốn đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với kinh tế Đức có thể sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng.

Kinh tế Đức bị đe dọa vì sông cạn nước

Có nhận định cho rằng, chỉ cần 1 tháng cạn nước, sản lượng công nghiệp của Đức có thể sụt giảm khoảng 1%. Nếu mực nước “duy trì ở mức thấp cho đến tháng 12, GDP Đức có thể mất 0,2%” trong nửa cuối năm và lạm phát cũng sẽ tăng lên

Đến nay, cơ quan vận tải biển Đức vẫn chưa áp đặt các lệnh hạn chế đối với giao thông trên sông Rhine, tuy nhiên, đại diện cơ quan này cho biết trong một số trường hợp, vận chuyển thương mại có thể sẽ không khả thi nếu các con tàu phải giảm tải trọng quá nhiều.

Hiện phần lớn châu Âu đang phải hứng chịu đợt nắng nóng khắc nghiệt chưa từng có. Con sông Thames mang tính biểu tượng của London cũng đã cạn khô. Trong khi đó ở Pháp, nhiệt độ nước sông tăng cao khiến hoạt động tại một số nhà máy điện hạt nhân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tại miền bắc Italy, nông dân cũng đang phải vật lộn với đợt hạn hán tồi tệ nhất trong lịch sử 70 năm.

Lan Hoa

Bài mới
Đọc nhiều