+
Aa
-
like
comment

Bảo vệ an ninh trật tự những ngày đầu nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời

Bảo An - 01/09/2020 09:05

Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, ngày 02/9/1945, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà được ra đời. Ngay sau đó, chúng ta phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thách thức; tình hình đất nước đứng trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, chúng ta đã vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, xây dựng một đất nước Việt Nam hòa bình, ổn định và phát triển. Trong bối cảnh cả nước đang hân hoan chào mừng kỷ niệm 75 năm Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 – 02/9/2020), chúng ta cùng nhìn lại những khó khăn, gian khổ trong hành trình giữ gìn an ninh, trật tự những ngày đầu đất nước mới thành lập để thêm quý trọng những giá trị hòa bình hiện tại.

Ngày 2/9/1945, Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Với thắng lợi của Cách mạng Tháng 8/1945, chúng ta đã mở ra bước ngoặt lớn của cách mạng, đưa dân tộc Việt Nam bước sang kỷ nguyên mới – kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình.

Ngày 25/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng và Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam từ Tân Trào (Tuyên Quang) về Hà Nội. Theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam được cải tổ thành Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Trên mặt trận bảo vệ an ninh trật tự, với vai trò nòng cốt trong bảo vệ trị an xã hội mới, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, lực lượng Công an nhân dân đã tổ chức thành lập lực lượng “Cảnh sát danh dự không lương”, “Việt Dũng thanh niên đoàn”, “Việt nữ đoàn” ở Hà Nội; “Đoàn Cảnh sát xung phong” ở Hải Phòng, lực lượng Cảnh sát xung phong ở Hà Đông, Thanh Hóa…; công an trật tự, đội điều tra, đội cảm tử ở các địa bàn chiến sự; phát huy vai trò của quần chúng nhân dân, sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ, trinh sát bí mật, quản lý công khai, khám nghiệm hiện trường, điều tra xét hỏi, truy tìm căn cước, đối chiếu hồ sơ… Qua đó, đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Một trong những nhiệm vụ đầu tiên của lực lượng Công an là bảo vệ Chính phủ Lâm thời và bảo vệ lễ Quốc khánh 2/9/1945. Lực lượng Liêm phóng đã lập kế hoạch cụ thể và triển khai kế hoạch bảo vệ lãnh tụ, bảo vệ cuộc mít tinh. Ngay trong đêm 1/9/1945, lực lượng bảo vệ đã triển khai tại khu vực Vườn hoa Ba Đình và các điểm chốt dọc đường Phan Đình Phùng đến Bắc Bộ Phủ (nay là Nhà khách Chính phủ), tăng cường nắm tình hình hoạt động của đối phương để đảm bảo cho Chính phủ lâm thời ra mắt quốc dân đồng bào đúng ngày dự kiến. Toàn bộ khu vực lễ đài được lực lượng Liêm phóng bảo vệ nghiêm ngặt.

Trong thời gian diễn ra buổi lễ mít-tinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh được ông Chu Đình Xương, Giám đốc Sở Liêm phóng Bắc Bộ trực tiếp bảo vệ. Nhiệm vụ bảo vệ Lễ đài do tổ của ông Hoàng Mai (sau này là Thứ trưởng Bộ Công an) và ông Chu Đức Minh đảm nhiệm. Đơn vị Giải phóng quân của ông Đàm Quang Trung từ chiến khu về được giao phối hợp với tự vệ cứu quốc Hoàng Diệu, lực lượng vũ trang bảo vệ thủ đô để đảm bảo cho cuộc mít tinh tại quảng trường diễn ra an toàn. Một số cảnh sát Cứu quốc được giao nhiệm vụ giữ gìn trật tự đường phố.

Các chiến sĩ cảnh sát xếp thành hàng rào rải suốt từ vườn hoa Paul Bert (nay là vườn hoa Lý Thái Tổ) đến tận trung tâm Vườn hoa Ba Đình. Hộ tống xe của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên Chính phủ có 2 tiểu đội được chọn trong Cảnh sát cứu quốc và Thanh niên cứu quốc ưu tú.

Tại miền Nam, ngày 02/9/1945, Ủy ban Hành Chính Lâm thời tiến hành tổ chức mít tinh. Các đối tượng phản động ẩn núp trên lầu cao xả súng vào đoàn mít tinh. Sau đó, đoàn biểu tình, dẫn đầu là lực lượng Quốc gia Tự vệ cuộc đã tiến hành bao vây, bắt giữ và tước vũ khí của bọn phản động.

Tại các địa phương khác, các cuộc mít tinh nhân ngày 02/9 được lực lượng Liêm phóng, Cảnh sát, Trinh sát, Quốc gia tự vệ cuộc bảo vệ an toàn.

Từ ngày 23/9/1945 được sự giúp đỡ của quân Anh, thực dân Pháp đã nổ súng gây hấn xâm lược, tìm cách mở rộng đánh chiếm Nam Bộ và Nam Trung Bộ, đưa quân ra Bắc Bộ. Hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ và quyết tâm “thà chết tự do còn hơn sống nô lệ”, ngay từ những ngày đầu, lực lượng Quốc gia Tự vệ cuộc Nam Bộ và Sài Gòn – Chợ Lớn tuy vừa mới thành lập, với lực lượng ít ỏi, trang bị vũ khí thô sơ nhưng đã nhanh chóng cùng với quân và dân Nam Bộ triển khai lực lượng, trực tiếp chiến đấu, phối hợp chiến đấu, lập nên những chiến công oanh liệt như treo cờ đỏ sao vàng trên đỉnh tháp canh của Sở Chữa lửa Sài Gòn, bắt gọn Bộ Chỉ huy Tổ chức Chính phủ quốc gia liên hiệp, bắt Trương Văn Giáo cầm đầu chính phủ dân quốc; tổ chức trấn áp bọn phản cách mạng, bọn phản động lợi dụng tôn giáo, số phần tử tờ-rốt-kít, tiễu trừ Việt gian, mật thám, chỉ điểm làm tay sai cho địch; tiến hành xây dựng cơ sở bí mật trong lòng địch, củng cố, xây dựng lực lượng.

Ngày 23/9/1945, Quốc gia Tự vệ cuộc Cần Thơ và Sóc Trăng đã bảo vệ chuyến tàu chở các chiến sĩ cách mạng từ Côn Đảo trở về lãnh đạo cuộc kháng chiến ở Nam Bộ, trong đó có các đồng chí Lê Duẩn, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Văn Linh, Phạm Hùng. Ngày 12/11/1945, Quốc gia Tự vệ cuộc Cần Thơ bí mật tập kích vào sở chỉ huy của quân Pháp tại thị trấn Cái Răng, tiêu diệt 20 tên. Tháng 12/1945, lực lượng trinh sát Khánh Hòa đột nhập vào sân bay Nha Trang đốt cháy và phá hỏng 3 máy bay, tiêu hủy 5.000 lít xăng của địch.

Trên địa bàn Trung Bộ, với nhiệm vụ chủ yếu là tích cực chặn đánh tiêu hao sinh lực địch, bảo toàn lực lượng ta, cố giữ vững cho được một số vùng tự do để xây dựng thành căn cứ địa, thực hiện tiêu thổ kháng chiến, lực lượng trinh sát công an đã phối hợp với quân và dân các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, đặc biệt là quân và dân Nha Trang, Khánh Hòa tiến hành phá hoại, bố trí phòng tuyến, dựng chướng ngại vật trên đường quốc lộ, tổ chức sơ tán người già, trẻ em và kho tàng vào các căn cứ trong rừng núi.

Một số cán bộ trinh sát được bố trí ở lại hoạt động hợp pháp trong các đô thị theo phương thức đơn tuyến, bí mật; một số tổ trinh sát vũ trang đột nhập vào các mục tiêu quan trọng của địch tổ chức đánh phá các cơ sở hậu cần như đột nhập sân bay Nha Trang đốt cháy hai máy bay và 5.000 lít xăng của địch; làm hỏng nhà máy thủy điện AngKsoet; đánh phá nhà máy thủy điện trên suối Ea Nao (Đắk Lắk); tổ chức vây bắt và trừng trị một số tên tay sai nguy hiểm; nắm tình hình, cách thức di chuyển quân, bố phòng và các cơ sở nội gián của địch để phục vụ đắc lực cho Ban Chỉ huy các mặt trận trong công tác đánh địch.

Trong thư “Gửi các chiến sĩ Nam Bộ và Nam phần Trung Bộ” (tháng 12-1945), Bác Hồ đã ghi nhận: “Từ ba tháng nay, các anh chị em đã đem xương máu ra để giữ lấy từng tấc đất của Tổ quốc. Tôi, và tất cả đồng bào ở Bắc Bộ, và phía Bắc Trung Bộ, đã bao nhiêu lần tức giận khi nghe bọn thực dân Pháp đạp lên lãnh thổ của ông cha ta, giết hại nòi giống ta. Đã bao nhiêu lần phấn khởi khi nghe những chiến công oanh liệt do những vị vô danh và hữu danh anh hùng của dân tộc tạo nên, đã bao nhiều lần hồi hộp cảm động trước những gương hy sinh vô cùng dũng cảm của những người con yêu của Tổ quốc.”

Với những cố gắng và nỗ lực hết mình, Đảng, Nhà nước và nhân dân đã kiên quyết đấu tranh với kẻ địch, tạo điều kiện cho những thắng lợi sau này.

Bảo An

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Bài mới
Đọc nhiều