Báo chí tạo sự đồng thuận xã hội, khơi dậy niềm tin trong nhân dân
Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ Võ Văn Thưởng yêu cầu báo chí tạo sự đồng thuận trong xã hội, khơi dậy niềm tin, động lực tinh thần trong nhân dân để hoàn thành tốt mục tiêu phát triển đất nước.
Quy tụ lòng dân, cùng vượt khó vươn lên
Trong đợt cao điểm phòng chống dịch Covid-19 vừa qua, báo chí Việt Nam đã rất đồng điệu cùng với Chính phủ và nhân dân trong nỗ lực cao độ không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.
Các phóng viên, biên tập viên ở các tòa soạn báo chí thuộc mọi thể loại khác nhau đã luôn nỗ lực kiên trì và bền bỉ trong việc đưa tin, bình luận, phóng sự để hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng “chống dịch như chống giặc”, “đi từng ngõ, gõ từng nhà” và đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân.
Nỗ lực đó đã được nhìn nhận tại cuộc giao ban báo chí trực tuyến ngày 10/4 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19) gây ra với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT&TT và Bộ Y tế.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh: Báo chí góp một phần rất quan trọng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, bởi chưa bao giờ thông tin về tình hình dịch bệnh đầy đủ, minh bạch, đồng loạt như lần này. Bên cạnh việc đưa tin, báo chí còn có nhiều bài phân tích sâu sắc, nhiều phóng sự đi vào lòng người.
Theo Phó Thủ tướng, trong việc thế giới ghi nhận người dân tín nhiệm rất cao công tác phòng, chống dịch của Việt Nam, bên cạnh sự chỉ đạo điều hành đúng đắn của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, các bộ, ngành… thì có đóng góp lớn của những người làm công tác thông tin truyền thông.
Cách báo chí trong nước tuyên truyền về dịch bệnh đã góp phần rất lớn nâng cao nhận thức và sự cảnh giác của người dân trong chống đại dịch Covid-19 ở Việt Nam, điều làm truyền thông quốc tế ca ngợi suốt từ đó đến nay.
Tuyên truyền về dịch Covid-19 chỉ là một ví dụ. Trong nhiều năm qua, các phóng viên, biên tập viên đã góp phần phổ biến, định hướng thông tin, để lòng dân quy tụ cùng Đảng, Chính phủ vượt qua khó khăn, khơi dậy niềm tin, ý chí, tinh thần tự hào, tự cường, đưa đất nước vươn lên. Báo chí sẽ tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ vượt khó khăn, góp phần vào công cuộc xây dựng, phát triển của đất nước với thành tích tốt nhất.
Tích cực, khẩn trương triển khai quy hoạch báo chí
Tuy nhiên, vẫn có những lúc, những nơi, báo chí chưa thực sự đồng hành với Chính phủ, người dân và doanh nghiệp. Hiện tượng báo chí ‘đếm tầng’ không phải là hiếm; hiện tượng mượn danh báo chí đang trở nên phổ biến.
Tại Hội nghị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng chỉ ra thực tế là Việt Nam không thừa nhận báo chí tư nhân nhưng lại cho doanh nghiệp tư nhân hợp tác với các cơ quan báo chí trong một số khâu. Chính sự hợp tác này dẫn đến sự tác động của các cá nhân, tổ chức, đơn vị vào các cơ quan báo chí. Ở một số tạp chí, trang thông tin điện tử, công ty kinh doanh cung cấp công nghệ cũng làm nội dung, cung cấp thông tin.
Việc xử lý tình trạng “báo hóa” tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp chưa nghiêm, thậm chí còn có biểu hiện buông lỏng, chậm ban hành tiêu chí cụ thể về tạp chí, nhất là tạp chí điện tử; một số quy định liên quan đến hoạt động báo chí lạc hậu, không còn phù hợp, gây khó khăn cho công tác quản lý. Công tác xây dựng Đảng trong cơ quan báo chí chưa được chú trọng, đặc biệt là công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiếm tra, giám sát; vai trò nêu gương của Đảng viên là phóng viên, biên tập viên, lãnh đạo cơ quan báo chí chưa thể hiện rõ nét. Có hiện tượng buông lỏng công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng đối với hoạt động của cơ quan báo chí.
Cách thức này đã làm các cơ quan quản lý thụ động giống như “thả bầy ngựa ra chúng ta đuổi”. “Bầy ngựa này chúng ta nhốt vào chuồng được thôi nhưng cần thời gian. Nhưng trước khi đưa bầy ngựa vào chuồng thì bầy ngựa đã kịp cầy nát cánh đồng”, ông Võ Văn Thưởng nêu vấn đề tại hội nghị.
Ông dẫn chứng, chúng ta có khoảng 1.000 tờ báo, nhưng quy định pháp luật về quản lý báo chí, đặc biệt là văn bản dưới luật còn rất lỏng lẻo, bất cập. Ví dụ, việc phân biệt giữa báo và tạp chí chưa có quy định cụ thể để hướng dẫn Luật Báo chí nên khi các tạp chí được cấp giấy phép thì hoạt động như 1 tờ báo mà không có biện pháp nào để xử. Trong khi đó, việc xử phạt thì như “gãi ghẻ”.
“Báo chí mà xử phạt 5 10 15 triệu đồng thì không đủ sức răn đe, thậm chí quy định xử phạt không có quy định tước giấy phép và thu hồi giấy phép hoạt động”, ông Thưởng nói và chỉ ra: “Để kỷ luật được một ông tổng biên tập, phó tổng biên tập không liên quan tới vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm thì khó vô cùng”.
Tại Hội nghị Báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020 tổ chức ngày 28/12 tại thành phố Hải Phòng, Trưởng Ban Tuyên giáo Võ Văn Thưởng cho biết, Quy hoạch Phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025 đã được Ban Chấp hành TƯ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho ý kiến; được Thủ tướng ký phê duyệt. Đây là việc khó vì có tác động mạnh mẽ đến hoạt động của nhiều cơ quan báo chí, đến người làm báo cả nước. Đến nay, qua thực hiện nghiêm phương án sắp xếp, lộ trình đề ra, việc triển khai Quy hoạch đã đạt được một số kết quả ban đầu: Nhận thức của cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí về việc thực hiện Quy hoạch báo chí được nâng lên; cơ quan báo thuộc diện chuyển thành tạp chí đã có nhận thức đúng đắn về Quy hoạch, có bài viết phân tích sâu sắc, kỹ lưỡng về xu hướng “tạp chí hóa” báo, về “thời của tạp chí”…
Ông Thưởng tiếp tục lưu ý, tình trạng thông tin sai sự thật, thiếu cơ sở, suy diễn, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của công dân vẫn tiếp diễn. Một số cơ quan báo chí có dấu hiệu bị tác động, chi phối bởi lợi ích, cho đăng các bài viết thiếu khách quan, sai sự thật, một chiều, thiếu kiểm chứng. Một số cơ quan báo chí chưa quan tâm đến việc quản lý văn phòng đại diện, phóng viên thường trú, tuyển dụng người không đủ tiêu chuẩn làm lãnh đạo văn phòng đại diện, phóng viên thường trú, dẫn đến sai phạm, một số trường hợp bị bắt, xử lý hình sự do lợi dụng hoạt động báo chí để trục lợi. Cơ chế giám sát, kiểm soát “quyền lực truyền thông” đối với cơ quan báo chí, phóng viên, người làm báo chưa hiệu quả. Tình trạng khiếu kiện nội dung thông tin ngày càng nhiều; nhưng việc giải trình của các cơ quan báo chí còn hình thức, không cầu thị, thiếu thuyết phục, thậm chí còn thể hiện sự “kẻ cả”, “cửa quyền”, “khệnh khạng”, “bề trên”.
Năm 2020 cần nâng cao năng lực hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động báo chí, khẩn trương thực hiện nghiêm Quy hoạch Phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025; rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp với thực tiễn.
Yêu cầu của Trưởng Ban Tuyên giáo đã nhanh chóng được các cơ quan quản lý thực hiện. Tháng Ba năm nay, có tổng cộng 18 cơ quan báo chí của các tổ chức, hội được trao giấy phép mới sau khi chuyển đổi mô hình, sắp xếp lại các cơ quan báo chí.
Tháng 5 vừa rồi, UBND TP.HCM cũng ban hành quyết định phê duyệt Đề án Sắp xếp, phát triển và quản lý báo chí thành phố đến năm 2025. Theo đó, sau khi sắp xếp, TP.HCM còn 19 cơ quan báo chí gồm 7 báo in, gồm: Sài Gòn giải phóng, Tuổi trẻ, Người lao động, Phụ nữ TP.HCM, Pháp luật TP.HCM, Công giáo và Dân tộc, Giác ngộ. Ngoài ra có 1 đài phát thanh, 1 đài truyền hình và 10 tạp chí. So với trước khi sắp xếp, giảm 8 cơ quan báo chí (chuyển thành 6 ấn phẩm phụ và 2 bản tin). Các cơ quan báo chí vừa có báo in vừa có báo điện tử, tạp chí in và tạp chí điện tử sắp xếp theo lộ trình của báo in, tạp chí in.
Thủ đô Hà Nội thực hiện sắp xếp sớm hơn cả. Theo đó, trong giai đoạn 1, thực hiện sắp xếp còn 5 cơ quan báo chí đến hết năm 2020. Có 9 cơ quan báo và tạp chí dừng hoạt động (3 cơ quan báo, 6 tạp chí) được giao cho các cơ quan chủ quản xây dựng đề án, kế hoạch dừng hoạt động các cơ quan báo chí trực thuộc trước ngày 31/12/2020.
Cần duy trì dòng chủ lưu là thông tin tích cực
Cũng tại hội nghị báo chí ở Hải Phòng, Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ yêu cầu báo chí kiên trì thực hiện chỉ đạo, định hướng thông tin theo phương châm chủ động, kịp thời, hiệu quả, giữ vững kỷ luật, kỷ cương trong việc chấp hành chỉ đạo, định hướng các vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm; bảo đảm, thực hiện nghiêm nguyên tắc một đầu mối trong chỉ đạo định hướng thông tin.
Các cơ quan báo chí cần đẩy mạnh thông tin tuyên truyền các sự kiện lớn, vấn đề quan trọng của đất nước; nêu bật những thành quả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh, đối ngoại, xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong nhiệm kỳ Đại hội 12 của Đảng; xây dựng môi trường thông tin lành mạnh, tiến bộ với dòng chủ lưu là thông tin tích cực, góp phần tạo không khí tin cậy, phấn khởi, nỗ lực hoàn thành tốt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 20152020 và Nghị quyết Đại hội 12 của Đảng, tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, tiến tới Đại hội 13 của Đảng.
Ông đề nghị các cơ quan chỉ đạo, quản lý, cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí phải coi trọng công tác thông tin tuyên truyền đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội 13 của Đảng, làm rõ những thành quả quan trọng mà các ngành, địa phương, đơn vị đã đạt được trong thực hiện Nghị quyết Đại hội 12 của Đảng. Báo chí phải tăng cường các tuyến bài bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch một cách sắc sảo và thuyết phục, đồng thời phải hết sức tỉnh táo trước những việc lợi dụng báo chí để “đấu đá nội bộ”, “cạnh tranh phe cánh”, PR hình ảnh mang mầu sắc dân túy, mị dân…
Các cơ quan báo chí và những người làm báo cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, bám sát nhiệm vụ chính trị và thực tiễn đất nước, thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của báo chí. Thông tin trên báo chí góp phần tạo sự nhất trí cao trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội, khơi dậy niềm tin, động lực tinh thần để hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước.
Vũ Lâm/VNN