+
Aa
-
like
comment

Ý nghĩa của hệ thống giao thông tỷ USD giúp kết nối TP.HCM với ĐBSCL

Bích Vân - 07/08/2023 15:10

Cao tốc Bắc – Nam, đường sắt TP. HCM – Cần Thơ, tuyến đường bộ ven biển và hệ thống đường thuỷ là các dự án tạo động lực để thúc đẩy kinh tế – xã hôi của TP.HCM và ĐBSCL.

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vựa lúa lớn nhất cả nước, đóng góp tới 95% lượng gạo xuất khẩu. Đây cũng là đồng bằng lớn nhất Việt Nam với diện tích 39.700 km2, hiếm 12,2 % diện tích cả nước, dân số hơn 17 triệu người (2019). Việc kết nối ĐBSCL với đầu tàu kinh tế TP. HCM sẽ giúp bức tranh kinh tế – xã hội của vùng phía Nam nói riêng và cả nước nói chung trở nên khởi sắc. ‏

‏Hiện nay, ĐBSCL có 4 phương thức vận tải chủ yếu đến TP. HCM là đường bộ, đường thủy nội địa, đường biển, đường hàng không, trong đó phương thức vận tải chính là đường bộ và đường thủy nội địa. Riêng giao thông đường bộ được phê duyệt qua 5 trục dọc. Trong đó, trục dọc 3 (cao tốc TP. HCM – Trung Lương – Cần Thơ – Cà Mau) hiện khai thác nhiều km cao tốc nhất, gồm TP. HCM – Trung Lương (40 km, 4 làn xe) và đoạn Trung Lương – Mỹ Thuận (51 km, 4 làn xe). Trong ảnh là đường dẫn lên cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận (đường Võ Trần Chí, huyện Bình Chánh, TP. HCM). ‏

‏Dự án Mỹ Thuận – Cần Thơ là đoạn cuối cùng giúp hoàn thiện hệ thống cao tốc nối TP. HCM và thành phố trực thuộc Trung ương duy nhất ở miền Tây, hình thành trục dọc xuyên suốt hơn 130 km, giúp rút ngắn thời gian đoạn TP. HCM đi Cần Thơ từ 4 còn 2 tiếng. Dự án đi qua địa phận tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp do Ban quản lý Mỹ Thuận (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư. Công trình thuộc đại dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông, được khởi công đầu năm 2021, tổng vốn đầu tư hơn 4.800 tỷ đồng, có chiều dài 23 km. ‏

Bên cạnh đó, trục dọc 2 – tuyến N2 cũng là một trục có nhu cầu vận tải cao, đặc biệt là đoạn từ Cao Lãnh (Đồng Tháp) đến TP. HCM. Tuyến này dài 440 km, thuộc dự án cao tốc Bắc Nam phía Tây, nối từ Châu Thành (Bình Phước) đến Rạch Sỏi (Kiên Giang) và kết thúc tại mũi Cà Mau. Khi hoàn thành, tuyến này sẽ tạo thêm một trục dọc ở nam bộ, bên cạnh quốc lộ 1 và cao tốc Bắc – Nam phía đông. Hiện đoạn Cao Lãnh – Lộ Tẻ và Lộ Tẻ – Rạch Sỏi dự kiến sẽ được nâng cấp, khai thác theo tiêu chuẩn cao tốc với tổng vốn đầu tư lần lượt là 950 tỷ đồng và 750 tỷ đồng.‏

Sở GTVT TP. HCM cũng đã đề xuất đưa cao tốc kết nối TP. HCM với cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) thành dự án trọng điểm quốc gia. Tuyến cao tốc này dài 50 km, được quy hoạch nhằm “chia lửa” với quốc lộ 22 hiện quá tải. Tổng đầu tư tư giai đoạn 1 đường cao tốc TP.HCM – Mộc Bài gần 21.000 tỷ đồng. Không chỉ đóng vai trò liên kết vùng, cao tốc TP. HCM – Mộc Bài cũng sẽ góp phần thúc đẩy giao thương giữa Việt Nam với Campuchia và cả khu vực ASEAN.‏

Ngoài ra, ĐBSCL còn phát triển hệ thống đường bộ ven biển dài khoảng 941 km từ TP. HCM qua các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau đến Kiên Giang. Qua đó, mở rộng không gian phát triển, tạo quỹ đất cho đầu tư sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả tài nguyên biển… Trong ảnh là đoạn qua tỉnh Kiên Giang được đầu tư xây dựng với chiều dài 231 km, từ huyện An Minh (giáp ranh Cà Mau) đến thị xã Hà Tiên. ‏

‏Mặt khác, để tăng cường kết nối giữa TP.HCM – ĐBSCL, phía Sở GTVT TP. HCM đề xuất một số tuyến đường thủy để khai thác vận chuyển hàng hóa cũng như đẩy mạnh du lịch cho các tỉnh ĐBSCL. Trong đó, tuyến phà biển từ huyện Cần Giờ (TP. HCM) đi Vàm Láng (huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) và ngược lại dự kiến sẽ được khai thác vào quý II/2024. Dự án không sử dụng ngân sách nhà nước, với tổng số vốn khoảng 120 tỷ đồng. Khi hoàn thành, việc đi lại của người dân 2 địa phương thuận tiện hơn khi rút ngắn khoảng 130 km đi lại so với đường bộ. ‏

‏ Năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Dự án “Phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam” trị giá 3.900 tỷ đồng, qua 8 tỉnh, thành. Trong đó tập trung nâng cấp, cải tạo các sông, kênh qua Cần Thơ và các tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang, Long An. Mục tiêu là rút ngắn quãng đường và chi phí vận chuyển từ ĐBSCL đến các cảng biển ở TP. HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai. Hiện 70% lượng hàng hóa ở đây chuyển tải về các cảng biển TP.HCM và Cái Mép – Thị Vải (Bà Rịa – Vũng Tàu) thông qua đường bộ. Trong khi chi phí cho việc vận tải đường bộ lại cao hơn 10-60% so với đường thủy.‏

Qua đó có thể thấy việc kết nối giao thông giữa Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long có ý nghĩa rất quan trọng trong phát triển kinh tế và xã hội của khu vực và cả nước.

Đầu tiên phải kể đến là vấn đề thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực: Việc kết nối giao thông giữa Tp. Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tạo ra một hệ thống giao thông hiệu quả và thuận lợi, giúp đẩy mạnh thương mại và giao lưu giữa các địa phương. Điều này sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của cả nước.

Ngoài ra, hệ thống giao thông trên còn giúp hỗ trợ phát triển nông nghiệp và nông thôn. Bởi Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những khu vực trọng điểm về sản xuất nông nghiệp và chế biến thực phẩm của Việt Nam. Kết nối giao thông giữa Tp. Hồ Chí Minh và khu vực này sẽ giúp hỗ trợ việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, chuyển giao công nghệ, và nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông nghiệp, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân nông thôn tiếp cận các dịch vụ, thị trường và cơ hội phát triển.

Tiếp đến chính là giúp xây dựng, hỗ trợ du lịch và phát triển ngành dịch vụ. Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long xưa nay được xem là có tiềm năng du lịch lớn với các điểm đến hấp dẫn như Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang, và nhiều cảnh quan thiên nhiên độc đáo. Việc kết nối giao thông sẽ thuận lợi cho việc du lịch và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các ngành dịch vụ phát triển, góp phần vào tăng trưởng kinh tế khu vực.

Việc kết nối hệ thống giao thông còn giúp tăng cường hợp tác kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Bởi việc kết nối giao thông giữa Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc hợp tác kinh tế, đầu tư và phát triển công nghiệp giữa các địa phương. Sự kết nối này sẽ mở rộng thị trường tiêu thụ và tăng cường cạnh tranh trong khu vực, góp phần vào sự phát triển bền vững của khu vực.

Bích Vân

Bài mới
Đọc nhiều