+
Aa
-
like
comment

Xuyên tạc thành tựu của Cách mạng Tháng Tám là có tội với dân tộc

15/08/2019 07:06

Cách đây 74 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, cả dân tộc Việt Nam triệu người như một nhất tề vùng lên tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám, đập tan ách thống trị của thực dân, phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân. Hào khí, tinh thần bất diệt của Cách mạng Tháng Tám đã hun đúc tinh thần quật khởi của dân tộc trong hơn 7 thập kỷ qua, đưa dân tộc Việt Nam vượt qua bao khó khăn thách thức, giành được từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Đó là sự thật hiển nhiên. Thế mà, hiện nay vẫn còn có kẻ tung ra luận điệu xuyên tạc, phủ nhận thành quả đó.

Với ai từng sống trước Cách mạng Tháng Tám, hoặc sinh ra sau Cách mạng Tháng Tám nhưng từng xem những thước phim tư liệu, đọc sách lịch sử hoặc các tác phẩm văn học đều hình dung ra cuộc sống cơ cực của người dân Việt Nam dưới hai tròng áp bức, bóc lột là thực dân và phong kiến. Những chị Dậu, cái Tý, cái Bần, Chí Phèo, Thị Nở, lão Hạc, anh Pha… trong các tác phẩm của Ngô Tất Tố, Nam Cao… từng là nỗi ám ảnh của không ít người dân Việt Nam và cộng đồng quốc tế. Nếu không có Đảng Cộng sản Việt Nam, không có Cách mạng Tháng Tám thì không biết những tháng ngày cùng cực ấy sẽ đeo bám người dân Việt Nam đến bao giờ? Vậy mà mới đây, vẫn có người phát biểu trên mạng xã hội rằng: “Nếu không có Cách mạng Tháng Tám, nước ta đã giàu mạnh từ lâu và không mất dân chủ như bây giờ”. Thật là trơ trẽn! Có lẽ, họ không biết hoặc cố tình không biết rằng, vào chính năm diễn ra cuộc Cách mạng Tháng Tám, nạn đói khủng khiếp đã cướp đi sinh mạng của hơn hai triệu người, bằng khoảng 10% dân số của cả nước vào thời điểm ấy. Trong ký ức của nhiều người vẫn còn giữ lại hình ảnh những chiếc xe bò chở xác người, người chết đói la liệt ở khắp nơi… 95% dân số Việt Nam lúc đó không biết chữ…

Chỉ một ngày sau khi nước nhà tuyên bố độc lập, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ (ngày 3-9-1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu 6 vấn đề cấp bách, trong đó cứu đói là một trong 6 nhiệm vụ hàng đầu và phong trào “diệt giặc đói” được triển khai ngay. Đến đầu năm 1946, tức là chỉ 4 tháng sau Cách mạng Tháng Tám, công tác đê điều đã hoàn thành. Đồng thời, với việc đắp đê, với khẩu hiệu “tấc đất, tấc vàng”, chính quyền và nhân dân cả nước ra sức cải tạo đất công cộng còn trống, như sân bãi, vỉa hè, bờ đê… để trồng trọt. Kết quả sản lượng hoa màu tăng gấp 4 lần so với thời kỳ Pháp thuộc. Giặc đói bị đẩy lùi. Cũng chỉ một năm sau ngày nước nhà độc lập, phong trào “diệt giặc dốt” đã xóa nạn mù chữ cho hơn 2,5 triệu người. Thử hỏi, nếu không có Cách mạng Tháng Tám, không có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh thì “giặc đói”, “giặc dốt” có bị đẩy lùi chỉ trong thời gian ngắn?

74 năm sau Cách mạng Tháng Tám, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, dân tộc Việt Nam tiếp tục viết nên những trang chói lọi nhất. Chúng ta đã đánh thắng thực dân Pháp, đế quốc Mỹ với những chiến công lừng lẫy ghi vào lịch sử thế giới, như: Điện Biên Phủ, Chiến dịch Hồ Chí Minh… Chúng ta còn làm nhiệm vụ quốc tế cao cả, giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng.

Về lĩnh vực kinh tế-xã hội, từ một đất nước bị tàn phá nặng nề do chiến tranh, Việt Nam đã nhanh chóng khôi phục cơ sở hạ tầng, ổn định đời sống nhân dân. Đặc biệt, trong hơn 30 năm qua, thực hiện đường lối đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, đất nước đã ra khỏi nhóm quốc gia kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Kinh tế tăng trưởng cao hơn với mức bình quân của thế giới, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) từng bước hình thành, phát triển. Chính trị-xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường. Văn hóa-xã hội có bước phát triển; bộ mặt đất nước và đời sống của nhân dân có nhiều thay đổi. Dân chủ XHCN được phát huy và ngày càng mở rộng. Đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN và hệ thống chính trị được đẩy mạnh. Sức mạnh về mọi mặt của đất nước được nâng lên. Quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu; vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao.

Những tháng đầu năm nay, trong bối cảnh kinh tế thế giới có xu hướng tăng trưởng chậm lại với các yếu tố rủi ro, thách thức gia tăng, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, kinh tế Việt Nam vẫn duy trì đà tăng trưởng khá cao. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II-2019 tăng 6,71% so với cùng kỳ năm trước. Sản xuất công nghiệp 7 tháng năm 2019 đạt mức tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,7%; 7 tháng năm nay, cả nước đã có 79,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 999,4 nghìn tỷ đồng, tăng 4,6% về số doanh nghiệp và tăng 29,6% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018. Bên cạnh đó, còn có 24,3 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 29,9% so với cùng kỳ năm trước. Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong 7 tháng năm nay là 743,9 nghìn người, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm trước…

Tại cuộc hội kiến giữa Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Takehiko Nakao và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20, đại diện của ADB đánh giá cao thành quả phát triển kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã được giữ vững trong những năm gần đây, với tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội thực đạt 6,76% trong nửa đầu năm 2019 và 7,1% trong năm 2018-tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong hơn một thập kỷ. Đại diện ADB nhận định, Việt Nam tiếp tục chứng tỏ tiềm năng mạnh mẽ trong duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, trong bối cảnh quản lý tài khóa thận trọng, lạm phát ổn định, cán cân tài khoản vãng lai lành mạnh và dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài mạnh mẽ. Việt Nam cũng đang khẳng định vị trí của mình một cách hiệu quả trong các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu đang thay đổi.

Những con số biết nói trên đây khẳng định thành tựu của dân tộc Việt Nam sau 74 năm sống trong chế độ mới; đồng thời cũng là những bằng chứng không thể chối cãi được cho những người cố tình xuyên tạc thành quả cách mạng của Việt Nam.

Cũng như nhiều năm trước, năm nay, gần đến ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám-Ngày hội của dân tộc, một số người lại “đem chuyện cũ kể lại”, nhưng thực chất là xuyên tạc lịch sử. Họ cho rằng, Việt Nam giành được chính quyền là do “ăn may”, “Đảng Cộng sản Việt Nam đã tranh công, đổ tội”… Về vấn đề này, đã có nhiều học giả trong nước và nước ngoài phân tích, chứng minh thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám là kết quả của quá trình đấu tranh, hy sinh xương máu của toàn thể dân tộc Việt Nam suốt 15 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó còn là kết quả hơn 30 năm tìm đường cứu nước của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc-Chủ tịch Hồ Chí Minh. Để cuộc Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi, Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và toàn dân Việt Nam đã phải chuẩn bị toàn diện thực lực cách mạng từ nhiều năm trước, chứ không phải là “ăn may” hay “tranh công” từ lực lượng khác.

Lịch sử đã ghi nhận, ngày 9-3-1945, phát xít Nhật đảo chính lật đổ chính quyền thực dân Pháp ở Việt Nam. Ngay tối hôm đó, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp và ngày 12-3-1945 ra Chỉ thị lịch sử “Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Hội nghị quyết định phát động một cao trào kháng Nhật, cứu nước trong toàn quốc làm tiền đề cho cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền.

Ngày 13-8-1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào, nhận định thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền đã tới; Ủy ban khởi nghĩa ra Quân lệnh số 1. Ngày 16-8-1945, “Quốc dân Đại hội Tân Trào” thông qua “10 Chính sách lớn của Việt Minh”; quyết định Quốc kỳ, Quốc ca và bầu Chính phủ lâm thời do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Cuộc khởi nghĩa bắt đầu từ ngày 14-8 và đã giành thắng lợi trên cả nước, với ngày 19-8 ở Hà Nội, ngày 23-8 ở Huế, ngày 25-8 ở Sài Gòn… Như vậy, chỉ trong 15 ngày, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân Việt Nam đã làm nên cuộc cách mạng “long trời, lở đất”.

Đó là sự thật lịch sử! Chính Đảng Cộng sản Việt Nam, với đường lối đúng đắn, phương pháp cách mạng sáng tạo đã nắm chắc, tận dụng thời cơ, biết tổ chức và tập hợp lực lượng, động viên được toàn dân tộc làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám. Đó còn là vai trò tiền phong, gương mẫu, bất chấp mọi hy sinh, gian khổ, quyết chiến đấu vì quyền lợi của Tổ quốc và nhân dân của hơn 5.000 đảng viên cộng sản. Họ là những chiến sĩ cách mạng kiên trung, bất khuất, một lòng một dạ vì nước, vì dân, kiên quyết lãnh đạo cách mạng giành chính quyền về tay nhân dân để xây dựng nhà nước kiểu mới, nhà nước của dân, do dân và vì dân.

Những thành tựu to lớn của Việt Nam trong hơn 7 thập kỷ qua kể từ ngày Cách mạng Tháng Tám đang tạo ra những tiền đề quan trọng để Việt Nam tiếp tục đổi mới và phát triển. Nhân dân Việt Nam từng chịu đựng biết bao mất mát, đau thương trong chiến tranh, trong thiên tai và đã chịu đựng nỗi khổ đến tận cùng khi bị giặc ngoại xâm đô hộ. Dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách”. Nhưng, chúng ta cũng không thể làm ngơ trước hành động của một số ít người xuyên tạc lịch sử, “đổi trắng thay đen”, với những dã tâm thâm độc nhằm phủ nhận thành quả của cuộc cách mạng của dân tộc. Xuyên tạc thành tựu Cách mạng Tháng Tám mang lại là có tội với lịch sử, có tội với dân tộc, với nhân dân, với tổ tiên.

ĐỖ PHÚ THỌ/ QĐND 

Bài mới
Đọc nhiều