Xung đột Nga – Ukraine: Hãy để Nagasaki là nơi hứng chịu quả bom hạt nhân cuối cùng!
Ngày 6 và 9/8 vừa qua, chính quyền thành phố Nagasaki và Hirosima đã tổ chức Lễ kỷ niệm 77 năm ngày Mỹ ném bom nguyên tử xuống hai thành phố này. Kể từ đó đến nay, nỗi ám ảnh từ chiến tranh hạt nhân vẫn không thôi bám lấy mọi người dân trên toàn thế giới. Tuy nhiên, gần đây, cơn ác mộng đó có dấu hiệu xuất hiện lại một lần nữa khi xung đột giữa Nga và Ukraine đang rất căng thẳng.
Đến tháng 8/1945, chiến tranh thế giới thứ hai đã bước vào giai đoạn kết thúc. Tuy nhiên, ở chiến trường châu Á – Thái Bình Dương, phát xít Nhật chưa cho thấy dấu hiệu đầu hàng. Họ vẫn ngoan cường chiến đấu, bất chấp thương vong. Điều này gây nên những lo ngại cho Mỹ. Chưa kể, sau khi Hồng quân Liên Xô đánh bại phát xít Đức ở châu Âu, phía Mỹ càng muốn định hình rõ hơn vai trò quan trọng của mình trong việc kết thúc Thế chiến 2 tại châu Á. Vì thế, nước này quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân. Mỹ tin rằng nó không chỉ giúp đánh bại Nhật mà còn phô diễn với cả thế giới biết tới thứ vũ khí hủy diệt kinh hoàng mà nước này đang sở hữu. Kế hoạch của Mỹ, về cơ bản đã thành công. Họ đã bẻ gãy ý chí chiến đấu của người Nhật và chấm dứt chiến tranh. Nhưng, cái giá phải trả cho hòa bình thật sự quá đắt. Hơn 200.000 người bỏ mạng ngay tức khắc, hơn 90% cơ sở vật chất bị thiệt hại và nỗi đau phóng xạ còn di chứng đến tận hôm nay.
77 năm đã trôi qua nhưng dư âm của cuộc chiến ấy như vừa mới hôm qua. Xung đột Nga – Ukraine thời gian gần đây, với những lời cảnh báo từ Tổng thống V. Putin, càng khiến nhiều người không khỏi nghĩ về “lằn ranh” hạt nhân có nguy cơ bị xâm phạm. Trước và sau ngày 9/8, Bộ ngoại giao Nga liên tục đăng bài viết về sự kiện này, về những thương vong và thảm họa nhân đạo do hành động trên của phía Mỹ. Hơn hết, họ cố gắng xoáy sâu vào luận điểm “Mỹ là quốc gia duy nhất từng sử dụng vũ khí hạt nhân nhằm vào thường dân trong lịch sử nhân loại”. Việc Nga liên tục khắc họa hình ảnh “kẻ ác” cho Mỹ có thể hiểu với nhiều cách. Trước hết, nước này đang cảnh báo với phương Tây và thế giới rằng họ hoàn toàn có thể sử dụng các biện pháp hạt nhân khi xung đột ở Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Vì Mỹ đã từng dùng chúng để đánh bại phát xít Nhật, thì giờ đây, Nga dùng chúng để loại bỏ “phát xít” ở Ukraine. Ngoài ra, chính quyền Moscow cũng muốn thông qua sự kiện lần này mà nói về quá khứ và để chỉ trích hiện tại, rằng Mỹ không phải chịu sự trừng phạt nào từ tội ác chiến tranh, cớ sao nước Nga lại phải chịu những phản bác “bất công” từ nhiều phía. Ở đây, có thể thấy, Nga đang tận dụng sự kiện ngày 9/8 để công kích Mỹ, phương Tây, Ukraine và xây dựng hình tượng cho mình.
Diễn giải lại lịch sử và sử dụng quá khứ cho những toan tính chính trị không hề mới, trái lại, là một việc làm thường xuyên và liên tục trong suốt quá trình kiến tạo và củng cố trật tự quyền lực của các quốc gia, các thể chế chính trị. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, chưa bao giờ lời đe dọa hạt nhân được sử dụng nhiều như những tháng gần đây, xung đột Nga – Ukraine ngày càng khốc liệt và luôn cho thấy khả năng vũ khí hạt nhân sẽ được triển khai để quyết định kết cục của cuộc chiến. Vừa hay kỷ niệm 77 năm ngày Mỹ thả bom hạt nhân xuống hai thành phố Nhật Bản, nhiều người có dịp nhìn lại bản chất và những bi kịch, hậu quả của chiến tranh.
Bài viết này không công kích Nga của hiện tại hay nước Mỹ trong quá khứ, trên hết là một lời cảnh báo về sự khủng khiếp của chiến tranh, rằng mọi lý do bao biện cho vũ khí hủy diệt đều đáng bị lên án. Như chính Sumiteru Taniguchi, người may mắn sống sót sau khi quả bom nguyên tử của Mỹ được thả xuống Nagasaki đã từng viết trong cuốn hồi ký của mình là: “Hãy để Nagasaki là nơi hứng chịu quả bom hạt nhân cuối cùng, hãy để chúng tôi là những nạn nhân cuối cùng của vũ khí hạt nhân. Hãy để tiếng nói đòi xóa bỏ vũ khí hạt nhân lan tỏa khắp toàn cầu”.
Đăng Võ