Xuất hiện tâm lý chủ quan, cảnh báo 4 nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19
Ban Chỉ đạo quốc gia thống nhất nhận định nguy cơ lây nhiễm lớn nhất từ đối tượng nhập cảnh hợp pháp, không thực hiện nghiêm các biện pháp cách ly, giám sát y tế.
Chiều 24-9, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 đã họp dưới sự chủ trì của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, trưởng ban chỉ đạo.
Nguy cơ lây nhiễm lớn nhất từ người nhập cảnh
Đánh giá tình hình trong nước, TS Đặng Quang Tấn, cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết trong thời gian tới Việt Nam có thể ghi nhận các trường hợp mắc mới từ các ổ dịch cũ hoặc lây nhiễm từ trường hợp nhập cảnh, đặc biệt khi mở lại các đường bay thương mại quốc tế.
Đáng chú ý là trong xã hội lại bắt đầu xuất hiện tâm lý chủ quan, lơ là sau khoảng 3 tuần không ghi nhận ca nhiễm mới.
Các chuyên gia nhận định 4 nguồn có nguy cơ lây nhiễm lớn nhất: Đối tượng nhập cảnh trái phép; đối tượng nhập cảnh hợp pháp nhưng không thực hiện nghiêm túc quy định cách ly, giám sát y tế; nguồn bệnh lưu hành trong cộng đồng; một số mặt hàng nhập khẩu được sản xuất hoặc vận chuyển qua các nước có dịch bệnh.
Trong đó, Ban Chỉ đạo thống nhất nhận định nguy cơ lây nhiễm lớn nhất là từ đối tượng nhập cảnh hợp pháp, không thực hiện nghiêm các biện pháp cách ly, giám sát y tế.
Do đó, thời gian tới vẫn phải tiếp tục ngăn chặn người nhập cảnh trái phép qua biên giới, các đường dây đưa người nhập cảnh trái phép, đồng thời quản lý, giám sát đối tượng nhập cảnh hợp pháp trong bối cảnh mở lại các đường bay thương mại quốc tế.
Thực hiện còn lỏng lẻo, cần quy trình rõ ràng, chi tiết
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn cho rằng các hướng dẫn, quy trình đã có nhưng việc phân công thực hiện còn lỏng lẻo.
“Việc đón người từ sân bay về đến khách sạn, nơi cách ly ai làm gì, ai điều hành vẫn chưa rõ. Tôi cho rằng lực lượng trực tiếp triển khai hoạt động cách ly không ai khác là nhân lực của chính cơ sở cách ly cùng với lực lượng y tế, công an dưới sự điều hành trực tiếp của chính quyền địa phương. Chúng ta phải phân công trách nhiệm rất rõ ràng, đầy đủ”, thứ trưởng nói.
Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Trịnh Thị Thủy đồng tình rằng vấn đề quản lý, giám sát, cách ly người nhập cảnh hợp pháp đang nằm ở khâu tổ chức thực hiện, cần quy trách nhiệm cụ thể đối với từng bộ ngành, địa phương, không nói chung chung.
Bên cạnh những biện pháp mang tính khuyến nghị, cũng cần có các quy định mang tính bắt buộc trong thực hiện phòng chống dịch, có biện pháp xử phạt người vi phạm.
Theo đó, Ban Chỉ đạo giao Bộ Y tế rà soát ngay các hướng dẫn, quy trình phòng chống dịch bệnh, chuyển thành danh sách các công việc (check-list) chi tiết nhất có thể, dễ hiểu, dễ làm đến từng cơ sở.
Đề cao cảnh giác, có phương án phòng dịch từng đơn vị
Trong chiều 24-9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có công điện 1300/CĐ-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục phòng chống dịch bệnh COVID-19 để duy trì vững chắc thành quả phòng chống dịch, tạo cơ sở thúc đẩy các hoạt động phục hồi, phát triển nền kinh tế, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Thủ tướng lưu ý nguy cơ dịch thường trực, một số nơi đang xuất hiện tâm lý chủ quan trong phòng chống dịch nên cần tiếp tục đề cao cảnh giác, không lơ là chủ quan, thực hiện nghiêm biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang, rửa tay, tránh tụ tập đông người, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Cần có đủ kịch bản, cơ sở vật chất, vật lực và tổ chức diễn tập thường xuyên với các tình huống. Mỗi cơ quan đơn vị phải có phương án và đánh giá mức độ an toàn, chịu trách nhiệm và xử lý ngay khi có dịch bệnh, truy vết nhanh không để lây lan.
Rà soát lại các quy trình phòng chống dịch, đặc biệt là các cơ sở y tế và quản lý người nhập cảnh khi mở lại các đường bay thương mại quốc tế. Các địa phương chủ động biện pháp phòng chống dịch, không để ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân.
Thủ tướng nhấn mạnh việc mở lại các đường bay thương mại quốc tế phải bảo đảm an toàn. Tất cả người nhập cảnh đều phải khai báo y tế, xét nghiệm, cách ly, giám sát y tế phù hợp và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định. Đồng thời các đơn vị tiếp tục truyền thông về phòng chống dịch, thực hiện thông điệp 5K (Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tụ tập – Khai báo y tế), cài đặt và sử dụng các ứng dụng khai báo y tế tự nguyện, Bluezone.
NGỌC AN/TTO