+
Aa
-
like
comment

Xây sân bay, đường sắt hay cao tốc?

Minh Thanh - 23/09/2022 14:33

Trong thời gian gần đây, câu chuyện về việc nên xây sân bay hay đường sắt, đường cao tốc lại một lần nữa được mang ra tranh luận khá sôi nổi. Đặc biệt là khi mới đây có đến 15 địa phương đề xuất xây dựng thêm các cảng hàng không mới.

Phối cảnh sân bay Sa Pa tại Lào Cai

Đầu tháng 9/2022, UBND tỉnh Sơn La gây bất ngờ khi tiếp tục đề nghị bổ sung Cảng hàng không Mộc Châu vào Quy hoạch tổng thể cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050. Trong khi trước đó, hồi giữa tháng 8 cũng chính địa phương này đã đề xuất đầu tư xây dựng Cảng hàng không Nà Sản tại huyện Mai Sơn.

Tương tự như Sơn La, ngày 10/9 vừa qua, UBND tỉnh Tuyên Quang cũng đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ xem xét đồng ý chủ trương cho xây dựng Cảng hàng không Na Hang với diện tích khoảng 280 ha. Nối gót Tuyên Quang, các tỉnh Ninh Bình, Hà Tĩnh, Ninh Thuận, Hà Nội cũng là những địa phương tiếp theo góp mặt trong danh sách đề xuất xây dựng sân bay mới.

Sau khi thu thập ý kiến từ nhiều địa phương khác nhau, mới đây vào ngày 12/9, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã chủ trì cuộc họp với 15 tỉnh, thành có nhu cầu muốn xây dựng, mở rộng hoặc nâng cấp sân bay. Theo Phó Thủ tướng, việc đầu tư xây dựng sân bay là rất cần thiết bởi nó không chỉ góp phần nâng cao cơ sở hạ tầng cho Việt Nam mà còn giúp kết nối các địa phương với nhau.

Tuy nhiên, xây dựng sân bay là một khoản đầu tư “mạo hiểm” và tiêu tốn nhiều của cải vật chất hơn so với đường sắt và đường cao tốc. Đó là chưa kể đến nhu cầu di chuyển bằng máy bay của người Việt Nam không quá cao. Mặt khác, để vận hành một cảng hàng không mới thì cần đến đội ngũ nhân lực chất lượng cao. Các nhân viên cần phải được đào tạo bài bản, gây tốn kém chi phí. Trong khi, cả ngày mà chỉ đón lác đác vài khách thì việc lãng phí nguồn ngân sách quốc gia là không thể tránh khỏi.

Bên cạnh đó, việc xây dựng liên hoàn sân bay cho nhiều tỉnh thành hiện nay về cơ bản là không cần thiết. Đơn cử như trường hợp của tỉnh Ninh Thuận. Địa phương này vị trí giáp ranh với Khánh Hòa và kế bên sân bay Cam Ranh. Thay vì xây dựng thêm sân bay ở Ninh Thuận, hai tỉnh có thể ngồi lại với nhau để tìm cách phát triển và kết nối các địa điểm du lịch của hai bên.

Bởi lẽ, nhiều du khách sẽ có xu hướng bay đến Cam Ranh và vui chơi ở Nha Trang sau đó sẽ ghé qua vài địa điểm ở Ninh Thuận vì hai địa phương rất gần nhau. Do đó, nếu biết cách kết nối hai địa phương thì không chỉ giúp phát triển kinh tế du lịch mà còn làm giảm bớt gánh nặng đầu tư về cơ sở hạ tầng quốc gia.

Cũng theo nhiều chuyên gia kinh tế nhận định thì hiện nay so với đường hàng không, đường bộ vẫn là phương án mang lại nhiều hiệu quả kinh tế nhất. Vì thế, thay vì xây dựng sân bay, tại sao chúng ta không khai thác và phát huy thế mạnh của mình. Trên thực tế, nhiều địa phương cho rằng chỉ khi xây dựng sân bay thì mới phát triển được du lịch địa phương. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn không thuyết phục. Bởi với những chuyến đi ngắn có khoảng cách ngắn 100-300 km, nhiều du khách vẫn ưu tiên chọn đi tàu hỏa, xe khách thay vì đi máy bay, vừa có thể tự do ngắm cảnh vừa không phải mất nhiều thời gian check-in tại sân bay.

Một góc dự án cao tốc Bắc Nam của Chính phủ

Mặt khác, nếu xét về khối lượng lưu chuyển hành khách và hàng hóa thì rõ ràng, đường sắt và đường cao tốc chiếm ưu thế cao hơn so với đường hàng không. Trong khi đó nếu quan sát các quốc gia phát triển khác, chẳng hạn như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc… chúng ta sẽ thấy đường sắt và cao tốc luôn là đối tượng được chú trọng phát triển nhiều hơn, nhất là trong các quãng đường ngắn. Còn về các quãng đường dài thì hiển nhiên máy bay vẫn là sự lựa chọn ưu tiên của người dân.

Từ đó, nếu muốn giảm bớt gánh nặng về ngân sách và hạ tầng thì nên chú trọng đầu tư, nâng cấp các tuyến đường sắt và đường cao tốc quốc gia thay vì chỉ mải tập trung vào xây dựng sân bay mới. Đồng thời, nghiên cứu và tiếp tục phát triển mạng lưới giao thông đường bộ để tạo điều kiện kích cầu phát triển cho các địa phương.

Minh Thanh

Bài mới
Đọc nhiều