+
Aa
-
like
comment

Xây dựng đại đoàn chủ lực – Tầm nhìn chiến lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

16/08/2021 06:36

Quyết định tham mưu, chỉ đạo xây dựng các đại đoàn chủ lực; đồng thời trực tiếp chỉ huy các đại đoàn lập nhiều chiến công vang dội là một đóng góp xuất sắc, thể hiện rõ nét tư duy sáng tạo, tầm nhìn chiến lược đúng đắn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911 – 25/8/2013) là vị tướng lĩnh tài năng kiệt xuất, có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Đặc biệt, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 – 1954), trên cương vị Tổng Tư lệnh Quân đội, Đại tướng đã kịp thời tham mưu, chỉ đạo xây dựng những đại đoàn chủ lực mạnh (mệnh danh những “quả đấm thép”), tạo tiền đề vững chắc cho kháng chiến đi đến thắng lợi.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước bàn kế hoạch mở chiến dịch Điện Biên phủ năm 1954 (Ảnh tư liệu TTXVN)
Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước bàn kế hoạch mở chiến dịch Điện Biên phủ năm 1954

Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa – nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á ra đời (2/9/1945). Được Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao đặc trách vấn đề quân sự, đồng chí Võ Nguyên Giáp chủ động tham mưu, đề xuất việc thành lập các đại đoàn chủ lực làm nòng cốt bảo vệ thành quả cách mạng. Những đại đoàn chủ lực này sẽ là bộ phận quan trọng nhất của quân đội thường trực, được huấn luyện chính quy, được trang bị những vũ khí, phương tiện hiện đại nhất, không chỉ là biểu hiện cho sức mạnh quân sự, sức mạnh của lực lượng vũ trang mà còn là biểu hiện cho sức mạnh tổng hợp cả về chính trị, quân sự, kinh tế và quốc phòng của đất nước.

Tuy nhiên, do tình hình đất nước lúc đó diễn ra rất khẩn trương, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp sớm diễn ra rồi bùng nổ trên toàn quốc, nên việc xây dựng những đại đoàn chủ lực trên thực tế chưa thực hiện được. Quân đội quốc gia tổ chức biên chế thành các trung đoàn, tiểu đoàn, đại đội.

Từ năm 1947 đến năm 1948, căn cứ vào diễn biến thực tế chiến trường và trình độ, trang bị vũ khí còn hạn chế của bộ đội ta, đồng chí Võ Nguyên Giáp “ đề nghị Bác và Thường vụ cho hoãn việc thành lập đại đoàn một thời gian nữa”; đồng thời đề xuất công thức hoạt động cụ thể trước mắt là: “Đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung”. Theo đó, một bộ phận chủ lực phân tán thành các đại đội về hoạt động ở các địa phương vùng địch hậu để thúc đẩy chiến tranh du kích; bộ đội chủ lực ở khu và Bộ tổ chức tập trung ở quy mô tiểu đoàn để hoạt động nhằm tiêu hao sinh lực địch, rèn luyện bảo toàn lực lượng, cũng là phù hợp với chiến thuật du kích vận động chiến đã đề ra. Đề xuất của đồng chí Võ Nguyên Giáp được Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh nhất trí thông qua, trở thành quyết sách sáng tạo về nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh.

Bác Hồ cùng các chiến sĩ cách mạng tại căn cứ địa Việt Bắc. Ảnh tư liệu TTXVN
Bác Hồ cùng các chiến sĩ cách mạng tại căn cứ địa Việt Bắc. 

Đến năm 1949, phong trào kháng chiến diễn ra rộng khắp, lực lượng vũ trang ba thứ quân có sự phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. Cách mạng có 14 vạn bộ đội chủ lực, 4 vạn bộ đội địa phương, gần 2 triệu dân quân du kích trên phạm vi cả nước. Kinh nghiệm chiến đấu, trang bị vũ khí, phương tiện chiến tranh cho quân đội được bổ sung tăng lên rõ rệt (chủ yếu là thu được của địch và do ta sản xuất).

Cũng trong năm 1949, cách mạng Trung Quốc phát triển rất thuận lợi, sau đó thành công, nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời (1/10/1949), tạo thuận lợi cho cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam tiếp nhận viện trợ trực tiếp từ hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa. Điều kiện tổ chức thành lập các đơn vị vũ trang tập trung quy mô lớn đã xuất hiện.

Về phía thực dân Pháp, sau khi thất bại trong chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh”, quân đội Pháp “tỏ ra suy nhược, lâm vào tình cảnh lúng túng”; phong trào đấu tranh của nhân dân Pháp phản đối cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương ngày càng dâng cao. Lợi dụng lúc thực dân Pháp gặp khó khăn, lúng túng, đế quốc Mỹ tìm cách can thiệp công khai vào cuộc chiến tranh Đông Dương. Tháng 6/1949, được sự ủng hộ của Mỹ, chính phủ Pháp thông qua kế hoạch mới do Tổng tham mưu trưởng quân đội Pháp Rơve đề xuất (còn gọi “Kế hoạch Rơve”) với nội dung cơ bản: “khóa chặt biên giới Việt – Trung” bằng cách tăng cường hệ thống phòng ngự trên đường số 4; đồng thời “thiết lập hành lang Đông Tây” (Hải Phòng – Hà Nội – Hòa Bình – Sơn La) nhằm siết chặt bao vây, cô lập căn cứ địa Việt Bắc của cách mạng, chuẩn bị mở cuộc tiến công lên Việt Bắc lần thứ hai để kết thúc chiến tranh.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ đạo phương án tác chiến trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ đạo phương án tác chiến trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954.  

Vấn đề thành lập những đại đoàn quân chủ lực lúc này được đặt ra hết sức bức thiết. Thực tiễn lịch sử đã chứng minh, muốn giành thắng lợi chiến tranh thì trước hết phải đánh bại quân đội chủ lực đối phương, làm cho quân đội đó không còn đủ sức tiếp tục tiến hành chiến tranh được nữa. Đối với cách mạng giải phóng dân tộc như ở Việt Nam, điều này là một yêu cầu tất yếu khách quan và trở thành quy luật, bởi kẻ thù của nhân dân Việt Nam là chủ nghĩa thực dân rất hiếu chiến, ngoan cố, luôn dựa vào đội quân xâm lược nhà nghề hùng mạnh. Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: Để xoay chuyển cục diện chiến tranh, cách mạng cần xây dựng và sử dụng những “quả đấm thép” lợi hại, phát huy sức mạnh tổng hợp giáng cho quân địch những đòn tiêu diệt nặng nề nhất.

Trên cơ sở phân tích đánh giá đúng hình thái chiến trường, nắm bắt chính xác quá trình phát triển biện chứng quy luật chiến tranh; đồng thời chấp hành nghị quyết Hội nghị cán bộ Trung ương lần thứ sáu (đầu năm 1949) về xây dựng lực lượng chớp thời cơ chuyển sang giai đoạn phản công, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra chỉ thị hướng dẫn Bộ Tổng tham mưu nghiên cứu tổ chức thành lập các đại đoàn quân chủ lực phục vụ yêu cầu chiến lược đề ra. Sau một thời gian chuẩn bị, ngày 28/8/1949, Đại đoàn 308 – đại đoàn chủ lực đầu tiên chính thức thành lập. Để đáp ứng nhiệm vụ mới, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp tục chỉ đạo Bộ Tổng tham mưu tiếp tục nghiên cứu chuẩn bị mọi mặt, trong thời gian ngắn (1950 – 1952) thành lập thêm 5 đại đoàn bộ binh (304, 312, 316, 320, 325) và một đại đoàn công binh-pháo binh (351).

Đoàn xe chở các chiến sĩ Đại đoàn 308 - Quân Tiên phong tiến qua phố Hàng Đào, sáng ngày 10/10/1954 trong niềm hân hoan chào đón của hàng vạn người dân. Ảnh Tư liệu TTXVN.
Đoàn xe chở các chiến sĩ Đại đoàn 308 – Quân Tiên phong tiến qua phố Hàng Đào, sáng ngày 10/10/1954 trong niềm hân hoan chào đón của hàng vạn người dân. 

Sự kiện các đại đoàn quân chủ lực nối tiếp nhau ra đời những năm 1949 – 1952 đánh dấu sự trưởng thành mới của Quân đội nhân dân Việt Nam. Từ đây, Bộ Tổng Tư lệnh sử dụng các đại đoàn liên tiếp mở nhiều chiến dịch quy mô lớn, trong đó có những chiến dịch do Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp lãnh đạo, chỉ huy như: Biên Giới (1950), Trung Du (1950-1951), Đường 18 (1951), Hà Nam Ninh (1951), Hòa Bình (1951-1952), Tây Bắc (1952), Thượng Lào (1953)… Đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ (1954), ta sử dụng ba đại đoàn bộ binh (308, 312 và 316), Trung đoàn bộ binh 57 (Đại đoàn 304), Đại đoàn công binh – pháo binh 351 thực hiện đòn quyết chiến chiến lược tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương của quân đội Pháp, tạo nên chiến công vang dội “lẫy lừng năm châu”, buộc chính phủ Pháp phải ký Hiệp định Genève (21/7/1954), chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương, mở ra trang sử mới trong lịch sử dân tộc.

Sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc thắng lợi, hầu hết các đại đoàn quân chủ lực trên được tăng cường biên chế tổ chức thành các sư đoàn chủ lực của Quân đội ta, cùng với quân dân cả nước hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả trên đất nước bạn Lào, Campuchia. Trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay, phát huy truyền thống anh hùng, các sư đoàn – đại đoàn năm xưa vẫn ra sức thi đua xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng và nhân dân, thiết thực góp phần xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

Có thể khẳng định, quyết định tham mưu, chỉ đạo xây dựng các đại đoàn chủ lực; đồng thời trực tiếp chỉ huy các đại đoàn lập nhiều chiến công vang dội là một đóng góp xuất sắc, thể hiện rõ nét tư duy sáng tạo, tầm nhìn chiến lược đúng đắn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đúng như nhà sử học Mỹ Peter Macdonald nhận xét: “Ông Giáp đã tỏ rõ những đức tính xuất chúng trong tất cả mọi lĩnh vực lớn nhất của chiến tranh. Về chiến lược, ông đã có một tầm quan sát sâu sắc các sự kiện và đã khoanh vùng những vấn đề chủ yếu”. Hướng đến kỉ niệm 110 năm ngày sinh vị tướng huyền thoại (25/8/1911 – 25/8/2021), chúng ta càng thêm tự hào về truyền thống Quân đội anh hùng, dân tộc anh hùng, từ đó không ngừng lao động, học tập góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, giàu mạnh, vững bước trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.

 Thiếu tá, TS Trần Hữu Huy- Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam

Bài mới
Đọc nhiều