+
Aa
-
like
comment

Xăng giảm, giá vẫn tăng: Hiểu sao cho đúng bản chất?

Diệu Hương - 29/07/2022 09:49

Sau 3 lần được điều chỉnh giảm giá mạnh, giá bán lẻ các mặt hàng xăng, dầu về mức bình quân khoảng 25.000 – 26.000 đồng/lít. Việc giảm giá xăng dầu được người tiêu dùng kỳ vọng sẽ giúp hạ nhiệt giá cả hàng hóa, dịch vụ trên thị trường. Tuy nhiên, từ cước vận tải – lưu thông, phân phối – đến thực phẩm, rau quả… vẫn “lặng thinh”, chưa hề có dấu hiệu giảm giá.

Xăng giảm mạnh liên tục tạo niềm vui cho người tiêu dùng

Thực tế, chuyện xăng tăng, giá cả tăng, xăng giảm giá không giảm, âu cũng là điều dễ hiểu. Vì tâm lý của người tiêu dùng đã chấp nhận mặt bằng giá mới và hoàn toàn phụ thuộc vào các tiểu thương, tư thương kinh doanh tại các chợ truyền thống.

Còn đại diện nhiều doanh nghiệp vận tải khác cũng viện dẫn việc doanh nghiệp đã phải bù lỗ quá nhiều ngày khi giá xăng dầu liên tục leo thang từ đầu năm đến nay, do vậy việc giảm giá dịch vụ là chưa thể.

Ngoài ra, nguyên nhân khác ảnh hưởng đến việc điều chỉnh giá cả các mặt hàng hiện nay là câu hỏi xăng giảm có mang tính bền vững, ổn định hay không, hay chỉ giảm một thời gian ngắn rồi lại tiếp tục tăng. Do đó, phần lớn người bán và kể cả doanh nghiệp cũng chần chừ điều chỉnh sản phẩm, hàng hóa.

Mặc dù rất thông cảm với doanh nghiệp, tiểu thương khi hàng loạt nguyên vật liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất, kinh doanh từ năng lượng, nhiên liệu đến hóa chất, phân bón, thức ăn chăn nuôi đều có sự gia tăng về giá. Song giới phân tích khẳng định, rất nhiều loại hàng hóa, dịch vụ đã tạo lập một mặt bằng giá mới cao hơn nhiều so với đà tăng của giá xăng dầu là không thể chấp nhận được.

Xăng tăng, hàng hóa tăng theo, tiểu thương gồng mình cắt bớt lãi

Ghi nhận những ngày qua, nhiều trung tâm thương mại, hệ thống phân phối bán lẻ đã tiết giảm tối đa chi phí và lợi nhuận để giảm giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống cho người tiêu dùng, song tỷ lệ này là quá nhỏ. Việc tăng từ vài trăm đến vài nghìn, thậm chí là vài chục nghìn đối với mỗi kg thực phẩm, nghĩa là đã tăng tới vài chục thậm chí là cả trăm phần trăm. Có thể nói việc xăng dầu, chi phí giảm nhưng giá không giảm cho thấy đang có hiện tượng “Đục nước béo cò, té nước theo mưa” của một bộ phận tiểu thương, những người kinh doanh.

Chúng ta vẫn kêu gọi người tiêu dùng thông thái hơn trong lựa chọn hàng hóa, dịch vụ. Kêu gọi đề cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và các nhà sản xuất kinh doanh cùng chia sẻ gánh nặng với cộng đồng. Song giới phân tích cho rằng trách nhiệm của cơ quan quản lý có vai trò không nhỏ. Luật Giá năm 2013 đã quy định rõ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong quản lý điều tiết giá. Đồng thời nhấn mạnh việc tăng cường kiểm soát giá các loại hàng hóa, đặc biệt là những hàng hóa thiết yếu cho sản xuất, đời sống, bao gồm: xăng dầu, vật tư xây dựng, cước phí vận tải, nguyên liệu đầu vào của nông nghiệp,… Qua đó góp phần quan trọng trong việc kiểm soát lạm phát những tháng cuối năm và cả năm 2022 này.

Nỗ lực để giảm giá xăng dầu của Chính phủ thời gian qua là rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, việc giảm áp lực lạm phát thì lại chưa đạt được như kỳ vọng. Theo tính toán, tại kỳ điều hành ngày1/8 tới đây, giá xăng dầu trong nước khả năng sẽ tiếp tục giảm. Cùng với biện pháp điều hành tạo dư địa để có thể giảm giá sâu hơn mặt hàng xăng dầu, thì các chuyên gia kinh tế cũng khuyến nghị cần có ngay các biện pháp kiểm soát, đánh giá tác động của giá xăng dầu lên giá của các sản phẩm, hàng hóa bán ra. Đặc biệt là các loại hàng hóa cơ bản thiết yếu. Bên cạnh đó đã đến lúc cần sự vào cuộc của Tổng cục quản lý thị trường và Cục Quản lý giá, nếu các mặt hàng có điều kiện giảm giá mà vẫn bảo thủ không chiụ điều chỉnh.

Hơn nữa, cần nhìn đúng bản chất, đúng thực tế thì giá xăng dầu sẽ ngày càng tăng, chứ không có chuyện giảm. Bởi đây là nguồn tài nguyên sẽ cạn kiệt dần theo thời gian, khi cung không đủ cầu thì giá tăng là quy luật tất yếu. Dù có chiến tranh hay không thì xăng dầu vẫn thuận theo cơ chế thị trường mà tăng giá. Thay vì nghĩ cách cắt giảm thuế thì mỗi người Việt nên thay đổi tư duy về xăng dầu, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, tăng cường sử dụng phương tiện giao thông bằng điện. Song song đó là việc đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng xanh. Đó mới chính là giải pháp lâu dài và hữu hiệu góp phần đảm bảo nguồn cung và giảm chi phí cho loại nhiên liệu đắt đỏ như xăng dầu. Có như thế thì thị trường sẽ tự điều chỉnh về mức hợp lý.

Diệu Hương

Bài mới
Đọc nhiều