+
Aa
-
like
comment

Giá xăng sắp lên đỉnh điểm, giải pháp nào để “ghìm cương”?

Đặng Trường - 22/06/2022 19:05

Khi xăng tăng giá hơn 26.000 đồng/lít, một số ngư dân đã phải cố gắng bấm bụng cho thuyền ra khơi. Đến nay, xăng tăng hơn 33.000 đồng/lít, nhiều con thuyền cắm neo, không biết ngày hạ thủy. Đó là khó khăn cũng là nỗi lo chung của nhiều người dân và doanh nghiệp sử dụng xăng dầu khi đối diện vời tình trạng giá cả tăng cao, liên tục thiết lập kỷ lục mới.

Giá xăng dầu tiếp tục thiết lập mức tăng trong kỳ điều hành ngày 21/6.

Chiến sự Nga – Ukraine đã đẩy giá dầu thế giới liên tục tăng cao trong nhiều tháng trở lại đây. Thậm chí, giá xăng dầu thành phẩm còn cao hơn giá xăng dầu thô rất nhiều (giá dầu thô thế giới ở mức dưới 115 USD/thùng, nhưng giá xăng dầu thành phẩm có thể lên đến 160 USD/thùng, trong khi, thông thường chỉ chênh nhau 10 USD/thùng). Đặc biệt, mỗi lít xăng dầu bán ra ở Việt Nam đang chịu 4 loại thuế: Giá trị gia tăng (VAT 10%), nhập khẩu (10%), tiêu thụ đặc biệt (10%) và bảo vệ môi trường (2.000 đồng/lít xăng và 1.000 đồng/lít dầu). Theo tính toán thì xăng dầu đang “cõng” gần 10.000 đồng thuế. Đó là một số nguyên nhân khiến cho giá xăng dầu Việt Nam liên tục lập kỷ lục dù Chính phủ đã sử dụng Quỹ bình ổn giá.

Giá xăng dầu tăng không phanh là cú “nock out” trực diện vào các mặt hàng thiết yếu, ảnh hưởng đến đời sống người dân và các doanh nghiệp sản xuất, vận tải sử dụng xăng dầu. Về lâu dài, vấn đề này còn tác động đến quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam, đặc biệt, lạm phát có thể lên đến 2 con số. Vì thế, Việt Nam muốn kiểm soát tình hình lạm phát cũng như ổn định tâm lý người dân thì bắt buộc phải sử dụng công cụ thay đổi chi phí cấu thành trong giá xăng dầu là các loại thuế.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết: “Bộ Tài chính đã trình tới Chính phủ về phương án tiếp tục miễn giảm thuế bảo vệ môi trường để “hạ nhiệt” giá xăng dầu. Hiện nay Chính phủ đang nghiên cứu vấn đề này”.

Mới đây, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ đề xuất giảm kịch khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu. Tuy nhiên, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), cho rằng: “Trong bối cảnh giá xăng dầu đã liên tục thiết lập mức kỷ lục, việc giảm thuế bảo vệ môi trường sẽ không có nhiều tác dụng, chưa đủ làm giải tỏa cơn khát để góp phần hạ nhiệt giá xăng dầu trong thời gian tới”. Vấn đề đặt ra, tại sao các cơ quan ban ngành không nghiên cứu giảm cả 4 loại thuế (VAT, nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt và bảo vệ môi trường) kể trên? Hoặc có thể cắt bỏ luôn khoản thuế tiêu thụ đặc biệt hay không? Bởi thực tế, xăng dầu đã trở thành mặt hàng cần thiết đối với mỗi người dân chứ không phải là mặt hàng xa xỉ nữa.

Nếu tính toán giảm một phần các sắc thuế trên, khoảng 4.500 – 5.000 đồng/lít, cũng sẽ có tác dụng nhiều hơn để giảm sức nóng giá xăng dầu, cũng như hạ nhiệt giá cả và đủ sức kìm lạm phát trong thời gian tới. Thực tế, Hàn Quốc cũng vừa tiếp tục giảm thêm thuế nhiên liệu để kéo giảm áp lực lạm phát.

Xăng lập giá đỉnh kéo theo hàng loạt các mặt hàng thực phẩm thiết yếu đồng loạt tăng mạnh, điều này khiến cho đời sống của người lao động đang phải chịu nhiều ảnh hưởng.

Trong báo cáo cập nhật kinh tế Việt Nam tháng 6, Ngân hàng Thế giới đã khuyến nghị Chính phủ nên có các biện pháp hỗ trợ tạm thời, trong đó có hỗ trợ trực tiếp có mục tiêu nên, để giúp các hộ nghèo chống chọi với giá nhiên liệu tăng. Báo cáo Chính phủ cũng đã đưa ra chủ trương “cần sử dụng công cụ thuế, phí để bình ổn giá xăng dầu trong nước” trong thời gian tới. Tuy nhiên, để làm được những điều trên nhanh chóng thì thiết nghĩ, Quốc hội nên cho phép Ủy ban Thường vụ Quốc hội được quyền điều chỉnh các khoản thuế liên quan đến xăng dầu, để cơ quan này linh hoạt làm việc với Chính phủ, chủ động và kịp thời ứng phó với giá xăng dầu hơn.

Người dân và doanh nghiệp đã mòn mỏi vì dịch Covid-19 và lạm phát. Trong thời gian tới, nếu xăng dầu cắt giảm được một phần các loại sắc thuế thì đó chính là làn gió tươi mát xoa dịu “cơn nóng” của người dân và kích thích nền kinh tế tăng trưởng sau đại địch.

Đặng Trường

Bài mới
Đọc nhiều