+
Aa
-
like
comment

Xã hội hóa đầu tư tại bệnh viện công: Những câu hỏi còn bỏ ngỏ

08/09/2020 06:03

Chủ trương xã hội hóa đầu tư vào bệnh viện công lập đã bị một nhóm người trong vụ thổi giá thiết bị tại bệnh viện Bạch Mai bóp méo thành công cụ kiếm lợi riêng.

Sau khi lực lượng công an phát hiện ra hành động thổi giá trong việc thực hiện các đề án lắp đặt máy, thiết bị y tế phục vụ khám chữa bệnh tại bệnh viện Bạch Mai, người bệnh trở nên hoang mang trước những tính toán lạnh lùng của nhà đầu tư.

Họ hoang mang bởi, thực ra không biết khoản chi trả nào phải trả cho những thiết bị được xã hội hóa, khoản chi nào là được dùng từ thiết bị mua từ ngân sách và thế là hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng được Nhà nước chi cho công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân đã bị “đồng hóa” với những khoản xã hội hóa.

Chuyện ai phạm tội sẽ có quyết định của cơ quan bảo vệ pháp luật; chuyện y đức xuống cấp hay không hãy để lương tâm của những người trong vụ việc tự phán xét, nhưng rõ ràng là, chủ trương xã hội hóa đầu tư vào bệnh viện công một chủ trương vô cùng cần thiết trong bối cảnh ngân sách đang eo hẹp như hiện nay đã bị những người này lợi dụng để bóp méo ý nghĩa nhân văn.

Câu hỏi được đặt ra là, làm thế nào và dùng công cụ gì để kiểm soát hiệu quả của xã hội hóa đầu tư tại các bệnh viện công lập?

“Cả tin” khi chấp nhận chứng nhận của VFS

Bước đầu tiên để tạo nên hiệu quả của khoản đầu tư là xác định chính xác giá trị thiết bị. Vậy với những công cụ pháp luật hiện có, phía tiếp nhận đầu tư làm thế nào để xác định được giá trị thiết bị?

Xã hội hóa đầu tư tại bệnh viện công: Những câu hỏi còn bỏ ngỏ
Bệnh viện Bạch Mai

Câu trả lời trong vụ này là, bệnh viện Bạch Mai đã “cả tin” khi chấp nhận chứng nhận của công ty cổ phần Thẩm định giá và dịch vụ tài chính Hà Nội (VFS), mà không cần phải xác minh giá trị thiết bị nhập khẩu chính qua hóa đơn, chứng từ nhập khẩu được xác nhận bởi cơ quan hải quan.

Nếu không “cả tin” như vậy, phía tiếp nhận đầu tư hoàn toàn có thể tiếp cận công văn CV10/2019/BMS, ngày 22/10/2019 của công ty CP công nghệ BMS và đó chính là cơ sở để xác nhận giá trị thiết bị. Bởi lẽ, khi vụ việc vỡ lở, thông tin từ cơ quan công an cho thấy, thay vì bị thổi lên 39 tỷ đồng, giá của thiết bị này chỉ là 10,9 tỉ đồng (đã bao gồm toàn bộ chi phí kèm theo là đào tạo, chuyển giao công nghệ, chạy thử nghiệm và thuế VAT 5%).

Như vậy có thể thấy, nếu không có sự “cảm thông” khó hiểu nào đó và hoàn toàn không cần những biện pháp cầu kỳ về phương thức thực hiện, khó khăn về thủ tục hành chính, nơi tiếp nhận đầu tư hoàn toàn có thể ngăn được việc nhà đầu tư thổi giá lên gấp 4 lần!

Trốn đấu thầu  

Bộ công cụ thứ hai là sử dụng biện pháp đấu thầu, bởi nếu áp dụng biện pháp đấu thầu một cách công khai, minh bạch thì không ai có thể phủ nhận hiệu quả của công tác này.

Tuy nhiên, trước nay, chính sự công khai, minh bạch trong đấu thầu đã trở thành những rào cản ngăn chặn những hành vi ăn chia, cài cắm và đặc biệt là việc khai man năng lực của nhà thầu đã khiến cho các chủ đầu tư tìm mọi cách hợp pháp nhất như hạ thấp tỷ lệ vốn ngân sách xuống dưới 30% tổng mức đầu tư của dự án, nâng cao tính chất cấp bách của công trình (dự án), để trốn đấu thầu. Vụ vi phạm pháp luật trong chỉ định thầu mua sắm máy xét nghiệm Covid-10 tại CDC Hà Nội (thuộc Sở Y tế Hà Nội) là một trong những ví dụ điển hình về tác hại của trốn đấu thầu.

Vì vậy, nắm trong tay cơ chế “mơ chẳng được” là được tự chủ hoàn toàn trong mua sắm trang thiết bị, không phải báo cáo và không phải đợi Bộ Y tế thẩm định, việc bệnh viện Bạch Mai không tiến hành đấu thầu là hiển nhiên! Thậm chí, nếu bệnh viện lại tiến hành đấu thầu hoặc chào hàng cạnh tranh thiết bị thực hiện công tác xã hội hóa đầu tư vào đây, dưới cách nhìn của một số người sẽ trở nên… bất bình thường.

Trong trường hợp sử dụng công cụ đấu thầu, hoặc chào hàng cạnh tranh để nâng cao hiệu quả dự án, nơi tiếp nhận đầu tư chỉ cần đơn giản thực hiện những bước cơ bản của công tác đấu thầu (lập hồ sơ mời thầu, sơ tuyển nhà thầu, thông báo công khai mời thầu, đánh giá xếp hạng nhà thầu, xếp hạng kết quả chào thầu…) là đã có thể tạo nên sự cạnh tranh về giá, về năng lực của nhà thầu. Tất nhiên, cuộc thầu phải được thực hiện một cách thực sự, chứ nếu như cuộc đấu thầu quyền thu phí dự án đường cao tốc TP.HCM Trung Lương của ngành giao thông vận tải thì… không cần phải bàn.

Đấu thầu với phương thức 1 giai đoạn 2 túi hồ sơ 

Theo ý kiến của một chuyên gia thuộc Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), để có thể gia tăng hiệu quả của vốn đầu tư, trong trường hợp này, bệnh viện Bạch Mai hoàn toàn có thể tổ chức đấu thầu với phương thức 1 giai đoạn 2 túi hồ sơ.

Theo đó, nhà đầu tư muốn tham gia đấu thầu sẽ tiến hành nộp 2 bộ hồ sơ được lập riêng biệt gồm một bộ đề xuất về kỹ thuật, một bộ đề xuất về tài chính. Việc mở thầu diễn ra thành 2 đợt: Ngay sau khi đóng thầu bộ hồ sơ đề xuất về kỹ thuật sẽ được mở và lựa chọn ra những nhà thầu, nhà đầu tư đạt yêu cầu về kỹ thuật; còn lại sẽ bị loại luôn. Tiếp theo, những nhà thầu, nhà thầu đáp ứng được yêu cầu về kỹ thuật sẽ được mở tiếp bộ hồ sơ về tài chính để đánh giá và đưa ra lựa chọn cuối cùng.

Còn theo hướng dẫn tại nghị định 63/2014/NĐ-CP (ngày 26/6/2014) quy định chi tiết thi hành cho tiết một số điều của luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu, tất cả các bước về quy trình lập hồ sơ, thẩm định hồ sơ, đánh giá năng lực và tài chính… đều rất cụ thể, chi tiết và rõ ràng.

Như vậy có thể thấy, chỉ cần 2 bộ công cụ rất phổ biến và hoàn toàn không khó áp dụng như đã nêu trên, bệnh viện Bạch Mai hoàn toàn có thể kiểm soát được hành vi của nhà đầu tư trong hợp tác thực hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư vào bệnh viện, nhưng rất tiếc họ đã không làm như vậy.

Bao nhiêu người đã phải bán thóc, bán nhà, thậm chí là vay lãi để chi trả khoản 23 triệu đồng, thay vì chỉ là 4,5 triệu đồng nhằm thực hiện ca phẫu thuật là câu hỏi sẽ được cơ quan bảo vệ pháp luật làm rõ.

Huyền Thi/VNN

Bài mới
Đọc nhiều