Vụ Chùa Kỳ Quang 2 vứt tro cốt vào xó: Có thể bị xử lý hình sự!
Liên quan đến sự việc hàng trăm gia đình bức xúc tới vây chùa Kỳ Quang 2 (quận Gò Vấp, TPHCM), hiện tại cơ quan chức năng đã vào cuộc xử lý. Cùng với đó, trụ trì chùa Kỳ Quang 2 đã nhận trách nhiệm khi để xảy ra sự việc và đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã lên tiếng về việc này. Thế nhưng, dư luận vẫn chưa hết bức xúc, đang có nhiều thân nhân vây kín tại chùa, tìm người đại diện để làm rõ sự tình, thậm chí rất nhiều người viết đơn khiếu nại gửi đến các cơ quan chức năng về việc tro cốt của người thân gửi trong chùa Kỳ Quang 2 bị xâm phạm.
Vẫn biết cửa Phật là nơi vô thường nhưng làm dịch vụ thì phải thu tiền để trang trải kinh phí bảo trì, nhân công các thứ, nhưng cái cách họ làm với hàng trăm lọ tro cốt thế này, là sự xúc phạm đến vong linh người đã khuất, làm tổn thương người sống, biến người chết đang từ chỗ có danh trở thành lọ tro cốt vô danh. Có gì đớn đau bằng?
Mặc dù sư trụ trì của chùa Kỳ Quang 2 đã lên tiếng xin lỗi và hứa sẽ cố gắng khắc phục hậu quả, chịu toàn bộ chi phí xét nghiệm danh tính của 775 hũ tro cốt. Tuy nhiên, một chuyên gia trong lĩnh vực di truyền học TP.HCM cho biết: “việc xét nghiệm ADN trong tro cốt hoặc những tro cốt lâu năm hoàn toàn không có khả năng. Bởi vì tro cốt sau khi đốt, xương đã bị cháy hết hoàn toàn”. Còn một cán bộ kỹ thuật hình sự – Bộ Công an – chuyên về giám định ADN cho hay: “hiện nay không giám định ADN dựa trên tro cốt được”. Theo vị cán bộ, khi hỏa thiêu, thi hài cháy hết thì vật chất còn lại chỉ là carbon (tro cốt), không còn vật chất chứa thông tin ADN để có thể giám định. Nếu không có các dữ liệu thông tin khác có thể xác định tro cốt ấy là của ai thì việc dựa vào kết quả giám định ADN tro cốt thì không khả thi. Việc có xét nghiệm được danh tính cũng nhưng hũ tro cốt này hay không thời gian sau chúng ta sẽ có câu trả lời. Cánh Cò đã bài viết “775 tro cốt vứt lăn lóc tại chùa Kỳ Quang 2 có xác định lại được danh tính nhờ ADN?”
Thế nhưng, xét về góc độ pháp lý, nhiều người thắc mắc hành vi làm thất lạc di ảnh, bảng tên và chất tro cốt của người đã khuất vào góc chùa có phạm vào tội xâm phạm mồ mả, hài cốt hay không?
Quy định của pháp luật hiện hành thì pháp luật không chỉ bảo vệ tính mạng của con người mà còn bảo vệ tính nguyên vẹn của thi thể, bảo vệ mồ mả, hài cốt của con người sau khi chết có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Song, với vụ việc của chùa Kỳ Quang 2 là “tro cốt” nên rất khó để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này.
Theo đó, các hành vi xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt thể hiện trong thực tế rất đa dạng. Có thể là hành vi xâm phạm trực tiếp đến xác, hài cốt, tro hài cốt của người chết; xâm phạm đến sự nguyên dạng của xác, hài cốt, tro hài cốt; hoặc làm hao hụt hài cốt, tro hài cốt đã mai táng như hành vi đào phá mồ mả, phá nơi chôn thi thể hoặc hài cốt của người chết, đập phá bình đựng tro hài cốt; hành vi di chuyển vị trí chôn cất xác, hài cốt, tro hài cốt của cá nhân trái với ý chí của những người thân thích của những người chết (trừ trường hợp phải di rời mồ mả theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền); hành vi thay đổi tấm bia ghi tên người chết có xác, hài cốt, tro hài cốt dưới mộ gây ra sự nhầm lẫn với người thân thích của người chết đó; hành vi san phẳng mồ mả của người chết, làm mất dấu tích của ngôi mộ, khiến không thể phát hiện được vị trí của ngôi mộ đó; hành vi chiếm đoạt đồ vật để trong mộ, trên mộ…
Trong vụ việc này cơ quan chức năng có thể vào cuộc xác minh làm rõ tro cốt mà nhà chùa đã vứt bỏ có được xác định là hài cốt hay không để làm cơ sở giải quyết vụ việc theo quy định pháp luật. Trong trường hợp có căn cứ cho thấy hành vi cố ý xâm phạm đến hài cốt, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng đến tín ngưỡng thờ cúng thì người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 319 Bộ Luật Hình sự năm 2015 quy định “về tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt”. Theo đó, người nào đào phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
Không chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự, người có hành vi xâm phạm mồ mả còn phải có trách nhiệm bồi thường về vật chất theo Điều 607 Bộ luật Dân sự năm 2015, trong đó có chi phí hợp lý để khắc phục thiệt hại. Ngoài ra, người xâm phạm mồ mả trái pháp luật còn phải bồi thường, bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích theo thứ tự hàng thừa kế của người đã chết.
Do đó, các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc xem xét về vụ chùa Kỳ Quang 2 vứt tro cốt lăn lóc, cần sớm có kết luận nhằm ổn định tâm lý xã hội!
“Điều 319. Tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt”
1. Người nào đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 nămđến 07 năm:
a) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
b) Chiếm đoạt hoặc hủy hoại vật có giá trị lịch sử, văn hóa;
c) Vì động cơ đê hèn;
d) Chiếm đoạt bộ phận thi thể, hài cốt.
Thế Khoa