“Vỏ quýt dày” cần phải có “móng tay nhọn”!
Xử lý tham nhũng vẫn còn “đầu voi, đuôi chuột”. Đó là nhận xét không chỉ của dư luận xã hội mà còn được chính nhiều đại biểu Quốc hội nêu ra từ các năm trước.
Trên báo, bài “Vì sao nhiều vụ án chưa làm rõ bản chất của hành vi tham nhũng, hối lộ?“, Nhà báo Thế Kha cho biết cử tri Đà Nẵng kiến nghị: “Thời gian qua các cơ quan tiến hành tố tụng đã tiến hành điều tra, truy tố và xét xử các vụ án lớn có liên quan đến tham nhũng. Tuy nhiên, đa số các vụ án này cũng chỉ dừng lại ở xử lý các hành vi như “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “Vi phạm nguyên tắc quản lý tài chính”, “Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ”,… nhưng thật ra bản chất của nó là tham nhũng, hối lộ”- Cử tri Đà Nẵng nêu quan điểm.
Trong văn bản gửi Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng để trả lời kiến nghị của cử tri, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình lý giải:
“Một trong những nguyên nhân là do các tội phạm tham nhũng thường liên quan đến những người có chức vụ cao, có kiến thức pháp luật, có trình độ hiểu biết cao nên phương thức, thủ đoạn thực hiện phạm tội là rất tinh vi, đối tượng phạm tội thường che giấu, tẩu tán tài sản, chuyển hoá tài sản chiếm đoạt dưới nhiều hình thức, phương thức khác nhau”. Bài báo trên viết.
Đây là câu hỏi không mới và câu trả lời cũng… không mới.
Vào ngày 4/11/2019, tại Hội trường Quốc hội, Đại biểu Đặng Văn Xướng đã từng cảnh báo: “lúc khởi tố thì to như con voi, sau xử lý bé như con chuột. Nếu không làm mạnh sẽ khiến người dân hoài nghi về quyết tâm chống tham nhũng của chúng ta”.
Cách đây 6 năm (26.9.2014), nhiều cử tri quận 10 và quận 11 (TPHCM) tại buổi tiếp xúc với Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải và Tổ Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị số 4 để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII cũng đã có ý kiến tương tự.
Cách đây 8 năm (26.10.2012),thảo luận tại tổ về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; công tác phòng chống tham nhũng, ĐB Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) nêu một thực tế có nhiều vụ cứ khởi tố tội hối lộ, tội tham ô nhưng sau một thời gian điều tra lại chuyển sang cố ý làm trái hoặc thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. “Rõ ràng đây là một việc không bình thường trong phòng chống tham nhũng. Tội phạm tham nhũng thì thay đổi tội danh rất nhiều, hình phạt giảm rất nhiều”. ĐB Quyền nói.
Trở lại với câu hỏi, vậy chả lẽ chúng ta bó tay?
Tôi không tin điều đó. Chúng ta có luật pháp trong tay. Có lẽ phải. Có sự quyết tâm của Đảng và Nhà nước. Có sự ủng hộ của quần chúng nhân dân và có một đội ngũ cán bộ chống tham nhũng tài năng và hùng hậu… Do đó, dứt khoát phải ngăn chặn được tình trạng này.
Muốn không còn hiện tượng “đầu voi, đuôi chuột”, như lời người xưa “Vỏ quýt dày” cần phải “có móng tay nhọn”. Vấn đề là có đủ sức để “nhọn” không và thậm chí có quyết tâm, có “muốn nhọn” hay không thôi.
Và tôi tin, với tinh thần phòng chống tham nhũng quyết liệt như thời gian qua, “lò” sẽ tiếp tục rực cháy nên chắc chắn tình trạng “đầu vào con voi, đầu ra con kiến” sẽ phải chấm dứt trong một ngày không xa.
Có lẽ cũng nên nhắc lại lời của Cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu: “Tham nhũng là giặc nội xâm”. Đã là “giặc” thì phải quyết tâm “tiêu diệt”, phải không các bạn?
Bùi Hoàng Tám/DT