+
Aa
-
like
comment

Vì sao nhiều vụ án chưa làm rõ bản chất của hành vi tham nhũng, hối lộ?

06/10/2020 08:07

Chánh án Tối cao lý giải nhiều vụ án dừng lại ở việc xử lý các hành vi như “thiếu trách nhiệm”, “lợi dụng chức vụ”, “vi phạm nguyên tắc” mà chưa làm rõ bản chất của những hành vi tham nhũng, hối lộ.

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình vừa ký văn bản gửi Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng để trả lời kiến nghị của cử tri xung quanh việc xử án tham nhũng.

“Thời gian qua các cơ quan tiến hành tố tụng đã tiến hành điều tra, truy tố và xét xử các vụ án lớn có liên quan đến tham nhũng. Tuy nhiên đa số các vụ án này cũng chỉ dừng lại ở xử lý các hành vi như “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “Vi phạm nguyên tắc quản lý tài chính”, “Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ”,… nhưng thật ra bản chất của nó là tham nhũng, hối lộ”- cử tri Đà Nẵng nêu quan điểm.

Từ đó, cử tri kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền cần xem xét lại vấn đề này trong thời gian tới, để đảm bảo công tác phòng, chống tham nhũng được thực hiện tốt, pháp luật được thi hành nghiêm minh.

Vì sao nhiều vụ án chưa làm rõ bản chất của hành vi tham nhũng, hối lộ? - 1
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình (Ảnh: Quochoi.vn).

Gặp nhiều khó khăn

Theo Chánh án Nguyễn Hoà Bình, các vụ án tham nhũng thường là các vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, liên quan đến nhiều cán bộ cấp cao thuộc diện Trung ương quản lý, hậu quả do hành vi phạm tội gây ra là đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn đến tài sản của Nhà nước.

Nhiều vụ đại án tham nhũng đã được các cơ quan tiến hành tố tụng tiến hành điều tra truy tố, xét xử khẩn trương, kịp thời, nghiêm minh và đánh giá đúng bản chất tội phạm, xử lý về nhiều tội danh khác nhau; tạo bước đột phá mới trong công tác xử lý tham nhũng, khẳng định quyết tâm không bao che, nương nhẹ, “không có vùng cấm”.

Tuy nhiên trong thời gian qua nhiều vụ án tham nhũng mới chỉ dừng lại ở việc xử lý các hành vi như thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ, vi phạm nguyên tắc quản lý tài chính,… mà chưa làm rõ bản chất của những hành vi tham nhũng, hối lộ như cử tri phản ánh.

“Một trong những nguyên nhân là do các tội phạm tham nhũng thường liên quan đến những người có chức vụ cao, có kiến thức pháp luật, có trình độ hiểu biết cao nên phương thức, thủ đoạn thực hiện phạm tội là rất tinh vi, đối tượng phạm tội thường che giấu, tẩu tán tài sản, chuyển hoá tài sản chiếm đoạt dưới nhiều hình thức, phương thức khác nhau”- Chánh án Nguyễn Hoà Bình lý giải.

Hơn nữa, quá trình điều tra, truy tố, xét xử, các cơ quan tiến hành tố tụng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc: Các vụ án tham nhũng có khối lượng hồ sơ rất lớn, việc thu thập tài liệu, chứng cứ mất nhiều thời gian; có nhiều văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh dẫn đến việc điều tra, xác minh, thu thập chứng cứ thường bị kéo dài; quan điểm đánh giá chứng cứ, áp dụng pháp luật, xác định tội danh, diện đối tượng cần phải xử lý có ý kiến khác nhau.

Thậm chí, theo ông Bình, một số đối tượng phạm tội chính, chiếm đoạt số tiền lớn của nhà nước bỏ trốn trước khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can đã gây ra khó khăn khi đánh giá chứng cứ, xác định tội danh và giải quyết phần dân sự trong vụ án hình sự, thu hồi tài sản.

Vì sao nhiều vụ án chưa làm rõ bản chất của hành vi tham nhũng, hối lộ? - 2
Phan Văn Anh Vũ và một số cựu lãnh đạo thành phố Đà Nẵng tại một phiên toà (Ảnh: Tiến Nguyên).

Áp dụng kịp thời các biện pháp thu hồi tối đa tài sản tham nhũng

Ông Nguyễn Hoà Bình cho biết trong thời gian tới TAND Tối cao sẽ phối hợp với các cơ quan tư pháp Trung ương tập trung làm tốt việc hướng dẫn áp dụng thống nhất quy định của pháp luật về các tội phạm tham nhũng. Đồng thời bổ sung hoàn thiện các quy định pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc mà các cơ quan tư pháp đang gặp phải trong quá trình giải quyết các vụ án, đặc biệt là những vướng mắc trong định tội danh, xem xét giải quyết vấn đề trách nhiệm hình sự, thu hồi tài sản, giám định tài sản trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng,… để kịp thời chấn chỉnh, đảm bảo xét xử đúng người, đúng tội.

Cơ quan này cũng sẽ chỉ đạo toà án địa phương tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tốt tụng, đảm bảo việc điều tra, truy tố, xét xử vụ án nhanh chóng, chính xác.

Trong quá trình xét xử, thẩm phán làm tốt công tác đánh giá, phân loại nhằm xử lý nghiêm minh đối tượng chủ mưu cầm đầu, khoan hồng với người thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, chủ động khắc phục hậu quả. Khắc phục tình trạng hành vi tham nhũng có dấu hiệu tội phạm nhưng chỉ xử lý kỷ luật hành chính.

“Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, việc xử lý tài sản tham nhũng phải xác minh rõ, chính xác tài sản của người có hành vi tham nhũng; áp dụng kịp thời các biện pháp thu hồi tối đa tài sản do tham nhũng mà có. Kiến nghị xử lý nghiêm minh những cán bộ không tích cực thu hồi hoặc cản trở hoạt động thu hồi tài sản trong các vụ án án lớn, phức tạp về tham nhũng” – Chánh án nhấn mạnh.

Thế Kha/DT

Bài mới
Đọc nhiều