+
Aa
-
like
comment

VNG bị kiện đòi bồi thường hơn 14 tỷ đồng

Bích Vân - 12/10/2023 17:05

Công ty Cổ phần VNG bị Công ty Cổ phần truyền thông TK – L kiện đòi bồi thường hơn 14 tỷ đồng vì đã khai thác 3 bộ phim nguyên đơn mua độc quyền.

Vụ tranh chấp quyền độc quyền khai thác tác phẩm điện ảnh giữa Công ty Cổ phần truyền thông TK – L (TK – L) và bị đơn Công ty cổ phần VNG (VNG) dự kiến được TAND Cấp cao tại TP HCM xử phúc thẩm vào ngày 13/10.

Theo bản án sơ thẩm, năm 2020, TK – L ký hợp đồng với đối tác nước ngoài được quyền khai thác độc quyền 3 bộ phim: The Story of Minglan – Minh Lan truyện, Princess silver – Bạch Phát Vương Phi, Legend of the Phoenix – Phượng Dịch trên các nền tảng truyền hình trong lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, TK – L sau đó phát hiện VNG đã khai thác 3 bộ phim trên dưới hình thức đăng tải trực tiếp lên trang điện tử tv.zing.vn, thuộc quyền quản lý và sở hữu của VNG.

TK – L cho rằng, VNG khai thác các tác phẩm này khi không được cho phép, gây thiệt hại nên khởi kiện yêu cầu TAND TP HCM buộc bồi thường.

Theo nguyên đơn, việc VNG khai thác, sử dụng 3 bộ phim đã gây thiệt hại về quyền khai thác độc quyền của bộ phim, doanh thu quảng cáo, tổng cộng gần 170 tỷ đồng. Tuy nhiên, TK – L chỉ yêu cầu VNG bồi thường 45 tỷ và xin lỗi công khai trên 3 tờ báo.

Tại phiên tòa sơ thẩm hồi tháng 9/2022, nguyên đơn rút một phần yêu cầu khởi kiện buộc VNG bồi thường hơn 14,3 tỷ đồng – là giá trị hợp đồng chuyển nhượng độc quyền đối với 3 bộ phim; giữ nguyên các yêu cầu còn lại.

Phía nguyên đơn cho biết đã tốn rất nhiều công sức để đàm phán với đối tác nước ngoài để được khai thác độc quyền đối với các bộ phim. Việc Công ty VNG khai thác mà không xin phép TK – L là vi phạm và làm mất đi giá trị độc quyền của nguyên đơn.

Trình bày với tòa, đại diện theo uỷ quyền của Công ty VNG thừa nhận trang tv.zing.vn có chiếu các bộ phim trên nhưng là “do người dùng mạng đăng tải lên” (phía VNG sau đó cung cấp địa chỉ email và số điện thoại được cho là của người đăng tải). Trang web này được công ty thiết lập theo mô hình mạng xã hội, nên theo quy định, VNG không phải rà soát và đảm bảo về bản quyền đối với nội dung thông tin số do người sử dụng mạng đăng tải.

Hình ảnh trong bộ phim các bên tranh chấp. Ảnh: Vie

Còn luật sư bảo vệ cho VNG cho rằng, công ty không vi phạm bản quyền, không phải là bị đơn trong vụ án. VNG là đơn vị thiết lập trang tv.zing.vn theo mô hình mạng xã hội phù hợp với giấy phép được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp. Theo khoản 22, Điều 3 Nghị định 72 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng Internet và thông tin trên mạng, thì bên cung cấp dịch vụ mạng xã hội như VNG sẽ tạo ra môi trường nền tảng trên không gian mạng cho bên thứ 3 thực hiện việc cung cấp, chia sẻ, trao đổi thông tin số, hình ảnh, video…

Số lượng thông tin này là rất lớn, khó kiểm soát một cách triệt để, trong đó có cả nội dung vi phạm pháp luật. Theo thông lệ quốc tế và những quy định của pháp luật điều chỉnh riêng biệt cho loại hình dịch vụ mạng xã hội thì VNG không phải đảm bảo về bản quyền nội dung số mà người sử dụng đăng tải.

Cho đến phiên xử sơ thẩm, VNG không nhận được bất kỳ văn bản hay kết luận của cơ quan có thẩm quyền xác định công ty có hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với 3 bộ phim trên. Phía nguyên đơn yêu cầu VNG phải bồi thường nhưng không chứng minh được thiệt hại.

Từ đó, VNG cho rằng yêu cầu của TK – L là không có căn cứ, không đồng ý bồi thường.

Sau nhiều phiên xử, ngày 29/9/2022, TAND TP HCM tuyên chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, buộc VNG phải bồi thường cho TK – L số tiền hơn 14,3 tỷ đồng và 100 triệu đồng chi phí thuê luật sư, đồng thời đăng tin xin lỗi trên 3 báo.

Theo HĐXX, các tài liệu trong hồ sơ thể hiện TK – L đã chi trả cho đối tác nước ngoài tổng cộng hơn 610.000 USD (tương đương hơn 14 tỷ đồng) để được độc quyền khai thác 3 bộ phim ở Việt Nam, là có căn cứ. Những bộ phim này đã được Cục điện ảnh, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch cấp phép lưu hành.

Căn cứ vào khoản 8, Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi bổ sung 2009), hành vi xâm phạm quyền tác giả là: sử dụng tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, không trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác theo quy định của pháp luật.

Từ đó, tòa xác định 3 bộ phim này được đối tác phân phối độc quyền cho TK – L, nhưng trang tv.zing.vn đã trình chiếu khi chưa xin phép là vi phạm về khai thác bản quyền.

Việc VNG cho rằng trang tv.zing.vn là mạng xã hội, các bộ phim do người dùng đăng nhưng do máy chủ cũ, không lưu trữ được thông tin, nên không thể cung cấp thông tin người đã đưa phim lên mạng. Về sau VNG có cung cấp địa chỉ email và số điện thoại được cho là của người đăng tải, song cũng không xác định được người đó là ai. Hơn nữa, chứng cứ này được nộp sau thời điểm cung cấp chứng cứ, phía nguyên đơn không được tiếp cận. Do đó, HĐXX không căn cứ vào chứng cứ mới để xét xử mà chỉ tham khảo.

“Công ty VNG dù có chứng minh được người khác đã đưa phim được quyền chiếu độc quyền của TK – L lên mạng cũng phải chịu trách nhiệm về việc vi phạm độc quyền phát sóng”, bản án nêu.

Tòa cũng cho rằng, trong trường hợp nguyên đơn chứng minh được có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đã gây thiệt hại về vật chất cho mình thì có quyền yêu cầu bị đơn phải bồi thường căn cứ vào giá trị hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ theo theo Điều 203, 205 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung 2009.

Không đồng ý với phán quyết của tòa, phía bị đơn đã kháng cáo toàn bộ bản án. Quan điểm kháng cáo sẽ được trình bày tại phiên xử phúc thẩm.

Bích Vân

Bài mới
Đọc nhiều