+
Aa
-
like
comment

Vitamin C có phải ‘bảo bối’ tăng cường miễn dịch phòng Covid-19?

05/04/2020 20:30

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhiều người dân đã sử dụng nhiều biện pháp để phòng, chống dịch Covid-19, trong đó có nhiều người coi vitamin C là ‘bảo bối’.

Chế độ dinh dưỡng đủ 4 nhóm thực phẩm kết hợp với chế độ tập luyện, ngủ đủ giấc mới đảm bảo có cơ thể khỏe mạnh 

Tuy nhiên, bác sĩ Lại Thanh Hà, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Thanh Nhàn cho rằng đây là cách nghĩ sai lầm.

Việc một ai đó có mắc bệnh hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố, và vitamin C chỉ là một trong số đó.

Hơn nữa, việc sử dụng vitamin C một cách tùy tiện là rất nguy hiểm bởi nếu uống quá liều sẽ dẫn đến nguy cơ tạo sỏi thận, cơ thể thừa vitamin C có thể gây rối loạn tiêu hóa.

Bởi, theo BS Thanh Hà, vi rút Corona là một chủng mới, hiện vẫn đang được các nhà khoa học trên thế giới nghiên cứu, chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu.

Do vậy, người dân cần lưu ý, không nên sử dụng các loại thực phẩm chức năng trôi nổi, không rõ nguồn gốc được giao bán trên thị trường, quảng cáo rùm beng trên mạng xã hội là có khả năng điều trị bệnh do vi rút Sars -Cov-2 gây ra.

Theo các bác sĩ, cách tốt nhất để có sức khỏe tốt là thay đổi chế độ ăn hằng ngày theo hướng tăng cường rau xanh và hoa quả, đảm bảo đủ chất dinh dưỡng. Uống đủ nước, ăn nhiều rau xanh và trái cây sẽ giúp tăng cường các loại vitamin và khoáng chất trong cơ thể.

Đặc biệt, việc bổ sung vitamin C nói trên chỉ là một trong số nhiều điều cần biết. Điều quan trọng, theo các chuyên gia về dinh dưỡng khẳng định, là mọi người cần duy trì một chế độ dinh dưỡng hợp lý nhằm nâng cao sức đề kháng của cơ thể, giảm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.

Chung quan điểm này, BS Nguyễn Văn Tiến, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Bộ Y tế cũng khuyến cáo, người dân nên ăn phối hợp cả thực phẩm giàu protein động vật như các loại cá, thịt gà, thịt bò, trứng, sữa… và protein thực vật (các loại đậu, đỗ…), bổ sung các loại thực phẩm cung cấp đủ các vitamin và khoáng chất như vitamin A, C, D, E; sắt; kẽm; selen – những chất quan trọng, góp phần tăng cường hệ miễn dịch.

Trong đó, vitamin A đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự toàn vẹn của niêm mạc đường hô hấp và đường tiêu hóa. Vitamin C hỗ trợ sản xuất interferon (loại protein chống lại tác nhân gây bệnh, là thành phần quan trọng của hệ miễn dịch). Vitamin E có thể giúp cơ thể đề kháng tốt hơn trước các tác nhân gây bệnh.

Tương tự, PGS.TS Lê Bạch Mai, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, để có một cơ thể khỏe mạnh thì nên có chế độ ăn đa dạng, bổ sung thêm các nhóm thực phẩm giúp hỗ trợ hiệu quả hệ miễn dịch.

Chế độ dinh dưỡng đúng trước hết là chế độ ăn hợp lý, đáp ứng được nhu cầu theo độ tuổi, giới tính, mức độ lao động, và lưu ý với những người có nhu cầu cao hơn mức bình thường như phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú, trẻ em (hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh), người già (sức đề kháng yếu).

Chế độ dinh dưỡng tốt phải đi liền với việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Nên tráng nước sôi bát đũa trước khi ăn uống và chỉ ăn thức ăn đã được nấu chín. Với nhiều người có thói quen ăn trứng lòng đào, cần chế biến trứng cho đến khi cả lòng trắng và lòng đỏ đông lại.

Ngoài việc bổ sung dinh dưỡng từ những bữa ăn hàng ngày, mỗi người nên duy trì chế độ vận động, tập thể dục thường xuyên. Cùng với đó, cần hiểu rằng giấc ngủ giữ vai trò vô cùng quan trọng đối với việc duy trì sức khỏe mỗi người.

Các chuyên gia cảnh báo, việc mất ngủ, ngủ không đủ giấc làm suy yếu hệ miễn dịch, khiến sức đề kháng kém đi.

Chính vì vậy, trong thời gian có dịch Covid-19, mọi người không nên hoang mang đến nỗi mất ăn mất ngủ, dẫn đến mệt mỏi, cơ thể suy nhược sẽ khiến chúng ta dễ mắc bệnh hơn.

Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, các loại thực phẩm chức năng thường thấy là thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, nhưng dù là loại nào thì cũng không phải là thuốc điều trị bệnh.

Mặc dù Cục An toàn thực phẩm liên tục đưa ra những cảnh báo, tuy nhiên trên các trang mạng xã hội, đơn vị này vẫn liên tục phát hiện nhiều hình thức quảng cáo công dụng của thực phẩm chức năng và 99% trong số đó là quảng cáo sai sự thật, thổi phồng công dụng của sản phẩm.

Duy Tuân/IFN

Bài mới
Đọc nhiều