+
Aa
-
like
comment

Việt Nam vượt qua nhiều nền kinh tế lớn với mức tăng trưởng 1,81%

Đặng Trường - 02/07/2020 13:28

Mới đây, Tổng cục Thống kê đã công bố tình hình kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm 2020, GDP nửa đầu năm ước tính tăng 1,81% so với cùng kỳ năm trước, trong đó quý II tăng trưởng 0,36%. Phải thừa nhận đây là thách thức cho mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,8%. Tuy nhiên nếu đánh giá dựa trên tình hình chung của thế giới thì Việt Nam vẫn được phép tạm hài lòng và không ngừng hy vọng với những cơ hội ở phía trước.

Dù kinh tế chịu ảnh hưởng mạnh của dịch Covid-19 nhưng GDP 6 tháng đầu năm 2020 của Việt Nam vẫn tăng trưởng dương.

Đại dịch Covid-19 đã và đang hoành hành khắp thế giới, tấn công các nước phát triển cũng như đang phát triển. Các nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật Bản, EU đang đối mặt với tình trạng suy thoái sâu, chuỗi cung ứng gián đoạn, giá dầu thô giảm mạnh, thất nghiệp tăng cao… Cùng với đó, chiến tranh thương mại Mỹ – Trung vẫn tiếp diễn, căng thẳng chính trị gia tăng giữa Mỹ – Iran, bất đồng trên bán đảo Triều Tiên đã tác động tiêu cực đến kinh tế Việt Nam. Trong hoàn cảnh khó khăn chung như vậy, GDP của Việt Nam vẫn tăng trưởng dương (1,81%), vượt qua các nền kinh tế lớn như Mỹ (-5,9%), Nhật Bản (-5,2%) rơi vào suy thoái kể từ năm 2015, khu vực đồng tiền chung euro (-7,5%), Trung Quốc (tăng trưởng -6,8%), Hàn Quốc (-1,4%). Ngay trong khu vực Đông Nam Á, tăng trưởng kinh tế cũng không mấy khả quan như việc Bộ Thương mại Singapore dự báo kinh tế nước này năm nay sẽ tăng trưởng âm (từ -7% đến -4%).  Thậm chí, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán tăng trưởng toàn cầu có thể giảm ở mức âm 4,9%. Như vậy có thể thấy, con số tăng trưởng kinh tế 1,81% của Việt Nam tuy nhỏ nhưng rất giá trị và phải khó khăn lắm mới giữ được nền kinh tế tăng trưởng dương giữa bao nhiêu quốc gia tăng trưởng âm kể trên.

Mặc dù, tăng trưởng kinh tế không cao (do đây là giai đoạn Chính phủ chỉ đạo thực hiện mạnh mẽ các giải pháp nhằm giãn cách xã hội, phòng chống dịch Covid-19) nhưng so với tình hình chung của thế giới thì mức tăng trưởng này cũng không phải điều gì quá tồi tệ. Dịch Covid-19 đã diễn ra phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế – xã hội. Toàn bộ hệ thống chính trị, Chính phủ và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt ưu tiên tính mạng và sức khỏe của người dân lên hàng đầu trong việc phòng chống và dập dịch, sẵn sàng hy sinh một phần lợi ích kinh tế. Song song đó, Thủ tướng cũng kiên quyết đề nghị: “Chúng ta không thể để nền kinh tế tăng trưởng quá chậm. Chỉ có tăng trưởng mới có thể giúp tạo việc làm, giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội”. Thế nên, việc Việt Nam đạt được mức tăng trưởng nói trên có thể xem là thành quả rất đáng khích lệ. Thậm chí, Việt Nam là một trong số ít quốc gia có tốc độ tăng trưởng dương trong bối cảnh dịch bệnh hầu như “đốn hạ” hết các nền kinh tế lớn toàn cầu. Cũng giống như việc tất cả mọi người đang đi thụt lùi nhưng chúng ta vẫn tiến về phía trước cho dù bước tiến không quá lớn.

Dịch bệnh là nguyên nhân chính khiến Singapore phải điều chỉnh dự báo về tăng trưởng kinh tế năm 2020. Ban đầu dự báo tăng trưởng âm chỉ từ 4% đến 1%. Sau đó là nâng mức dự báo lên -7% đến -4%.

Có thể nói, kết quả trên cho thấy thắng lợi của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh, đồng thời vẫn duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh và từng bước đưa nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường như trước khi xảy ra dịch bệnh. Đây cũng là nền tảng vững chắc để nền kinh tế nước ta tiếp tục duy trì tăng trưởng, không rơi vào tình trạng tăng trưởng âm, và tiếp tục có những mốc tăng trưởng tốt trong 6 tháng cuối năm. Gần đây, sau hai tháng nới lỏng và gỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội, các hoạt động kinh tế – xã hội đang dần được khôi phục. Số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 6 tiếp tục khởi sắc với 13.700 doanh nghiệp, tăng 27,9% so tháng trước. Bên cạnh đó, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các ngành chế biến, chế tạo cũng cho thấy các doanh nghiệp kỳ vọng tình hình sản xuất, kinh doanh của quý III sẽ khả quan hơn. Hoạt động ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán cũng có dấu hiệu tích cực từ sự phục hồi của kinh tế vĩ mô trong nước. Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện sáu tháng đầu năm 2020 tăng 3,4% so cùng kỳ, tốc độ tăng vốn thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tháng 6 và sáu tháng đầu năm đều đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2016 – 2020. Đây là tín hiệu tích cực phản ánh kết quả việc Chính phủ thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Biểu đồ thể hiện tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm giai đoạn 2011-2020.

Vừa qua, Quốc hội đã phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) cũng đang hoàn tất những bước “chốt hạ” cuối cùng, đây chính là những đòn bẩy cực mạnh để thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển hậu dịch Covid-19. Nhiều dự án hợp tác được ký kết, vốn đầu tư nước ngoài rót vào Việt Nam mạnh hơn, cơ hội sản xuất và việc làm cho người dân lớn. Đặc biệt, sau khi dịch Covid-19, hàng loạt nhà đầu tư nước ngoài đã có sự dịch chuyển vốn đầu tư, nhà máy và dây chuyền sản xuất sang Việt Nam. Gần như cánh cửa bứt phá cho nền kinh tế đang mở toang trước mắt, quan trọng Việt Nam sẽ nắm bắt “cơ hội vàng” này đến đâu mà thôi. Nếu Việt Nam tiếp tục tạo được môi trường thông thoáng, thủ tục pháp lý gọn nhẹ, tạo được sự an tâm với đối tác thì tin rằng Việt Nam sẽ đạt được mức tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm ngoài sự mong đợi. Giống như niềm tin của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi dự báo nền kinh tế có thể duy trì tăng trưởng ở mức 4-5% trong năm 2020, khi Chính phủ tìm cách tăng thu hút đầu tư nước ngoài và Chính phủ kiên quyết giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng năm 2020 là 6,8%.

Kinh tế Việt Nam vẫn đang đón nhận những “cơ hội vàng”, tạo đòn bẩy phát triển kinh tế.

Theo đánh giá của tờ The Economist, Việt Nam thuộc nhóm nền kinh tế an toàn sau đại dịch COVID-19 nhờ các chỉ số tài chính ổn định; Ngân hàng thế giới cũng khẳng định “mặt trời vẫn tỏa sáng ở Việt Nam”. Vậy thì Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2020 nếu như nhân dân Việt Nam đoàn kết, thực hiện tốt các giải pháp kinh tế của Nhà nước; mỗi gia đình, mỗi cá nhân hăng say lao động, tận dụng tốt cơ hội việc làm, không ngừng hướng về phía trước.

Đặng Trường 

Bài mới
Đọc nhiều