+
Aa
-
like
comment

Việt Nam – Trung Quốc sẽ lập đường dây nóng xử lý các vấn đề về thương mại nông sản

08/12/2020 22:23

Chiều 8/12, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường và ông Nghê Nhạc Phong – Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký kết Nghị định thư xuất khẩu thạch đen sang Trung Quốc; đồng thời họp trực tuyến nhằm thúc đẩy thương mại nông sản hai nước. Hai bên cùng thống nhất cần có đường dây nóng giải quyết vấn đề về thương mại nông sản.

Mặt hàng thạch đen có thuận lợi là trước khi đề nghị hoàn thiện các thủ tục còn lại để ký kết nghị định thư, các chuyên gia của Trung Quốc đã sang Lạng Sơn để kiểm tra khu vực sản xuất, đóng gói và các biện pháp bảo quản thạch đen tại địa phương này.

Lạng Sơn hiện có diện tích trồng thạc đen lớn nhất cả nước với diện tích khoảng 2.000 ha, cho sản lượng trên 10.000 tấn/năm, mang lại giá trị thu nhập khoảng 200-250 tỷ đồng/năm.

Việc mở cửa được sản phẩm này sẽ mang lại cơ hội xuất khẩu tốt hơn, nâng cao thu nhập cho người dân trong thời gian tới.

Ngoài việc ký kết Nghị định thư cho phép xuất khẩu chính ngạch thạch đen sang Trung Quốc, hai bên cũng bàn bạc thêm nhiều vấn đề nhằm thúc đẩy thương mại nông sản giữa hai nước.

Trung Quốc - Việt Nam thiết lập đường dây nóng xử lý các vấn đề về thương mại nông nghiệp - Ảnh 1.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường chủ trì hội nghị trực tuyến với Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

Trong bối cảnh đại dịch Covif-19, Bộ trưởng đề nghị Tổng cục Hải quan Trung Quốc xem xét áp dụng linh hoạt hình thức kiểm tra trực tuyến hoặc qua video như cách làm với tổ yến để thúc đẩy thương mại giữa hai nước.

Sau sầu riêng và khoai lang, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng đề nghị các phía Trung Quốc ưu tiên cấp phép thêm cho sản phẩm bưởi và chanh leo phía Việt Nam đã hoàn thiện hồ sơ.

Đối với các sản phẩm chăn nuôi, điển hình là tổ yến, ngay sau khi đánh giá trực tuyến, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị Tổng cục Hải quan Trung Quốc đẩy nhanh các thủ tục để hai bên sớm ký Nghị định thư, thống nhất Giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu và cấp mã số cho doanh nghiệp Việt Nam có đủ điều kiện xuất khẩu.

Với sản phẩm sữa, các cơ quan chức năng Trung Quốc đã phối hợp tích cực trong việc cấp phép cho 5 nhà máy của Việt Nam xuất khẩu sữa vào Trung Quốc trong thời gian qua.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị phía Trung Quốc tiếp tục hỗ trợ và ưu tiên xem xét cấp phép thêm một số nhà máy trong số 11 nhà máy đủ điều kiện xuất khẩu sữa sang Trung Quốc đã được gửi hồ sơ.

Đối với các sản phẩm thủy sản, hiện nay, Trung Quốc đã công nhận 750 cơ sở chế biến thủy sản, 7 cơ sở bao gói cua, tôm hùm sống và 69 cơ sở nuôi; 128 loại sản phẩm thủy sản, 48 loài thủy sản của Việt Nam được xuất khẩu sang Trung Quốc.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị phía Trung Quốc xem xét bổ sung thêm 54 doanh nghiệp chế biến thủy sản, 5 cơ sở bao gói cua, tôm hùm và 5 sản phẩm (nghêu trắng đông lạnh, tôm sú ướp đá, tôm thẻ chân trắng ướp đá và sứa ướp muối và cá bống bớp sống) vào danh mục được phép xuất khẩu vào Trung Quốc.

Đồng thời, các đơn vị kỹ thuật của hai bên tích cực phối hợp để thống nhất các tiêu chí kiểm soát dịch bệnh, sử dụng kháng sinh, chất phụ gia, chất bảo quản đối với thương mại thủy sản giữa hai nước.

Trung Quốc - Việt Nam thiết lập đường dây nóng xử lý các vấn đề về thương mại nông nghiệp - Ảnh 2.
Bộ NNPTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc ký Nghị định thư cho phép xuất khẩu chính ngạch thạch đen sang Trung Quốc.

Trước những đề nghị của Việt Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc Nghê Nhạc Phong cho biết, hai bên đã có nhiều kết quả tích cực trong đánh giá rủi ro đối với sản phẩm khoai lang và sầu riêng, khâu còn lại là đánh giá thực địa, nhưng do dịch Covid-19 nên Trung Quốc chưa thể cử chuyên gia sang Việt Nam kiểm tra, đánh giá.

Về bưởi và chanh leo, Trung Quốc đã thông báo về đánh giá rủi ro, mong Việt Nam sớm phản hồi.

Về tổ yến, Trung Quốc đã hoàn thiện hồ sơ đánh giá rủi ro, hai bên có thể tiếp tục trao đổi các điều kiện kỹ thuật cụ thể để có thể sớm thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm này sang phía Trung Quốc.

Về đề nghị cấp phép thêm một số nhà máy sữa, doanh nghiệp thủy sản và các sản phẩm thủy sản được xuất khẩu sang Trung Quốc, ông Nghê Nhạc Phong cho biết, Trung Quốc đang thẩm định hồ sơ theo quy trình, thời gian tới dự kiến sẽ có một số doanh nghiệp được xuất khẩu các sản phẩm này sang Trung Quốc.

Về Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường và Tổng cục trưởng Nghê Nhạc Phong đều đồng ý sẽ tiếp tục có những bước phát triển mạnh mẽ trong quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước trong thời gian tới, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế của mỗi nước.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tích cực phối hợp với các bộ, ngành để triển khai các bước sau ký kết nghị định.

Tại hội nghị, hai bên đồng ý để các cơ quan liên quan của hai nước thiết lập đường dây nóng nhằm phối hợp kịp thời xử lý những vướng mắc trong thương mại giữa hai nước, đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp hai bên.

Hai bên cũng đồng ý cao việc tăng cường chống buôn lậu, kiểm dịch động vật để phòng chống dịch bệnh động vật xuyên biên giới, nâng cao năng lực kiểm dịch của hai bên.

Về đề xuất nhập khẩu giống lúa lai của Trung Quốc, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, Việt Nam đánh giá cao, ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi nhất để các giống lúa lai của Trung Quốc được gieo trồng tại Việt Nam. Bộ sẽ chỉ đạo các viện nghiên cứu vừa tiếp nhận vừa nghiên cứu các giống lúa cho Việt Nam và Trung Quốc.

Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Trung Quốc trên toàn cầu, đứng đầu trong ASEAN. Trong lĩnh vực nông nghiệp hai bên đã ký 13 văn kiện nhằm thúc đẩy thương mại nông sản hai nước. Việt Nam và Trung Quốc có sự bổ trợ chặt chẽ cho nhau.

Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc các sản phẩm như: thực phẩm, cây công nghiệp, rau quả nhiệt đới, thủy sản.

Ngược lại, Trung Quốc xuất khẩu sang Việt Nam các mặt hàng là vật tư và thiết bị nông nghiệp, các sản phẩm ôn đới, hàng nông sản chế biến.

Trong giai đoạn 2010 – 2019, kim ngạch thương mại nông lâm thủy sản giữa 2 nước tăng trưởng bình quân 15%/năm, đạt 15,7 tỷ USD năm 2019. Trong bối cảnh khó khăn của dịch Covid – 19, trong 10 tháng qua đầu năm 2020, kim ngạch thương mại nông lâm thủy sản Việt Nam – Trung Quốc vẫn đạt 11,2 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc đạt 8,3 tỷ USD, nhập khẩu đạt 2,9 tỷ USD.

Hiện nay, Trung Quốc đã tiếp tục mở cửa thị trường xuất khẩu cho 9 nhóm sản phẩm của Việt Nam (xoài, vải, nhãn, chôm chôm, dưa hấu, thanh long, mít, măng cụt, chuối, thạch đen). Gần đây, Việt Nam đã gửi hồ sơ hoàn chỉnh cho phía Trung Quốc để mở cửa thị trường sầu riêng và khoai lang.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng cho biết, Chính phủ Việt Nam đã và đang triển khai tốt nhất để kiểm soát Covid-19 với nhiều kết quả tích cực, được các nước và các tổ chức quốc tế đánh giá cao.

“Việt Nam đang áp dụng các biện pháp phù hợp, hiệu quả khống chế Covid -19, kiểm soát chuỗi thực phẩm theo khuyến cáo của FAO và WHO. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp trên toàn cầu, chúng tôi rất mong nhận được sự hợp tác tích cực từ phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc để ưu tiên phân luồng cho nông sản, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Khánh Nguyên/ DV

Bài mới
Đọc nhiều