+
Aa
-
like
comment

Việt Nam sẽ nắm giữ vị thế “độc tôn toàn cầu” nhờ kho báu thế giới săn lùng

Lan Hoa - 15/08/2023 14:28

Việt Nam đang nắm trong tay “kho báu” mà cả thế giới săn lùng, từ đó tiến gần tới ngôi vị “độc tôn toàn cầu”.

Asia FundManagers – nền tảng thông tin dành cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp mới đây đã đăng tải bài viết nhận định về tiềm năng sản xuất đất hiếm của Việt Nam.

Theo kết quả nghiên cứu của Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS), Việt Nam đang có trữ lượng đất hiếm ước đạt 22 triệu tấn và đứng thứ hai trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Hiện nay, công tác khai thác đất hiếm của Việt Nam chủ yếu tập trung ở Tây Bắc và Tây Nguyên, bao gồm các nhóm đất hiếm nhẹ có nguồn gốc nhiệt dịch.

Tháng 7 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định 866/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Nội dung Quy hoạch nhấn mạnh, Việt Nam dự kiến khai thác hơn 2 triệu tấn quặng đất hiếm mỗi năm. Bên cạnh đó, sau năm 2030, ngoài mở rộng mỏ Đông Phao (Lai Châu), Việt Nam sẽ có thêm 3-4 dự án khai thác mới, nâng tổng sản lượng lên thêm hơn 100.000 tấn quặng đất hiếm.

Đất hiếm là nguyên liệu thô quan trọng chuyên dùng cho xe điện và turbine gió, đồng thời được sử dụng nhiều trong lĩnh vực điện tử, y tế và thiết bị quân sự. Hiện nay, thế giới lại hướng tới một tương lai năng lượng xanh nên nhu cầu về đất hiếm đang gia tăng. Trong bối cảnh đó, với những tiến bộ công nghệ nhanh chóng và môi trường đầu tư thuận lợi, Việt Nam – với tư cách là nguồn cung cấp đất hiếm lớn thứ 2 trên thế giới – đang nổi lên như một điểm đến tích cực cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực này.

Nhiều quốc gia, điển hình là Australia và Canada, đang liên kết với chính phủ Việt Nam và các công ty của Việt Nam để thiết lập chuỗi cung ứng tích hợp cho đất hiếm cùng nhiều vật liệu quan trọng khác. Đặc biệt, Tập đoàn Blackstone Minerals (Australia) mới đây đã ký biên bản ghi nhớ (MoU) với Công ty Đất hiếm Việt Nam nhằm phát triển chuỗi giá trị khai thác đất hiếm xuyên suốt từ đầu tới cuối quy trình tại Việt Nam.

Trước đó, vào năm 2022, Công ty Đất hiếm Việt Nam cũng đã ký kết thỏa thuận xuất khẩu đất hiếm với Công ty TNHH Kim loại ASM & KSM và chính quyền tỉnh Chungcheongbuk-do của Hàn Quốc. Thỏa thuận cho phép hai công ty hợp tác với nhau để phát triển hoạt động khai thác tại tỉnh Yên Bái với ước tính trữ lượng lên đến 30.000 tấn đất hiếm.

Còn từ tháng 12/2014, Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam đã cấp phép cho Công ty Cổ phần đất hiếm Lai Châu và đối tác Nhật Bản được khai thác quặng đất hiếm tại một điểm ở tỉnh Lai Châu. Mỏ này được cho là có trữ lượng lớn nhất cả nước và có khả năng khai thác công nghiệp với quy mô cực kỳ lớn.

Theo các chuyên gia, ngành công nghiệp khai khoáng của Việt Nam rất đa dạng, trong đó khoáng sản đất hiếm ngày càng trở thành trọng tâm quan trọng của ngành. Chưa dừng lại ở đó, Việt Nam còn có vị trí địa lý thuận lợi, dễ dàng tiếp cận được với các thị trường trọng điểm trong khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc là những thị trường nhập khẩu khoáng sản đất hiếm rất lớn.

Thêm nữa, Chính phủ Việt Nam cũng xác định khai thác đất hiếm là lĩnh vực ưu tiên phát triển và đã đưa ra nhiều biện pháp thu hút đầu tư nước ngoài. Những biện pháp này bao gồm các ưu đãi về thuế, thủ tục đơn giản hóa để xin giấy phép khai thác và thành lập các khu công nghiệp dành riêng cho khai thác.

Ông Lưu Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Đất hiếm Việt Nam ký kết hợp tác xuất khẩu đất hiếm với Công ty TNHH Kim loại ASM & KSM và chính quyền tỉnh Chungcheongbuk-do, Hàn Quốc.

Tuy nhiên, do con đường nào cũng có chông gai nên ngành đất hiếm Việt Nam cũng đang phải đối mặt với khá nhiều thách thức. Thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt đã có giấy phép thăm dò khai thác nhưng lại không có công nghệ chế biến sâu. Điều này khiến họ loay hoay tìm công nghệ chế biến trong suốt thời gian qua, và đây cũng là rào cản lớn nhất để doanh nghiệp có thể đưa sản phẩm ra thị trường trong nước và xuất khẩu. Mặt khác, không khó để thấy doanh nghiệp trong nước chưa thực sự quyết tâm đầu tư, chưa đặt ra chiến lược nghiên cứu và tiếp cận công nghệ chế biến quặng đất hiếm một cách thực sự quyết liệt.

Đó là chưa kể, việc khai thác mỏ đất hiếm có thể dẫn đến sự hủy diệt thảm thực vật, mất nước và xói mòn đất. Các mỏ đất hiếm cũng có thể chứa nguyên tố phóng xạ. Do vậy, khi khai thác, tuyển luyện phải tính toán kỹ để không tác động đến môi trường và sức khoẻ con người. Đây là một quá trình khá tốn kém và phải trải qua nhiều thủ tục hành chính nên rất cần sự đầu tư lớn của Nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp để phát huy lợi thế của đất hiếm.

Lan Hoa

Bài mới
Đọc nhiều