Việt Nam ngày càng thể hiện vai trò, vị thế của mình tại ASEAN
Kể từ khi gia nhập ASEAN, Việt Nam đã có nhiều đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của cả khối, từ đó nâng cao vị thế và vai trò dẫn dắt của nước ta trong tổ chức. Những đóng góp nổi bật của Việt Nam cùng với thành tựu của đất nước trong giai đoạn hiện nay là động lực giúp Việt Nam có thể tự tin triển khai chính sách đối ngoại hướng tới vai trò ngày càng quan trọng đối với ASEAN trong giai đoạn tới…
Sau một thời gian bị bao vây, cấm vận và sự thù địch tứ bề, Việt Nam đã chủ động, tích cực cải thiện quan hệ của mình với các nước, tham gia vào các tổ chức khu vực, quốc tế nhằm trước hết là thoát khỏi thế bao vây, sau là tận dụng tối đa thế mạnh của thời đại để phát triển quốc gia, dân tộc mình.
Trong bối cảnh đó, ASEAN tỏ ra là “chìa khóa” quan trọng để Việt Nam giải quyết bài toán ngoại giao của mình. Qua nhiều vòng đàm phán, đến ngày 28/07/1995, Việt Nam đã chính thức gia nhập ASEAN, trở thành thành viên thứ 07 của tổ chức này. Trải qua những bước đi ban đầu, từng bước học hỏi, trưởng thành và hòa nhập cùng các nước bạn trong ASEAN, Việt Nam luôn xác định tinh thần là một thành viên chủ động, tích cực, có trách nhiệm, đóng góp hết sức mình vào sự phát triển vững mạnh của ASEAN. Đến nay, Việt Nam đã trở thành nhân tố quan trọng của định chế khu vực này, là một chủ thể không thể bỏ qua khi các tính toán lợi ích được xem xét.
Sự tham gia của Việt Nam góp phần mở rộng ASEAN với việc Lào và Campuchia gia nhập Hiệp hội, đưa ASEAN thực sự trở thành đại diện cho khu vực Đông Nam Á trên trường quốc tế. Ngay sau đó, Việt Nam thể hiện vai trò kết nối thông qua việc đưa nhóm các nền kinh tế kém phát triển trong ASEAN như Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam vào sự phát triển chung của cả khối thông qua Kế hoạch Hành động Hà Nội (năm 1997) và Tuyên bố Hà Nội về thu hẹp khoảng cách phát triển (năm 2001).
Việt Nam cũng góp phần đáng kể trong việc thúc đẩy ký kết Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), phối hợp cùng các quốc gia cho ra đời Hiến chương ASEAN; đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch Ủy ban Thường trực ASEAN (năm 2001) và Chủ tịch ASEAN (năm 2010) với nhiều dấu ấn tích cực. Việt Nam đã đưa ra nhiều sáng kiến nhằm thúc đẩy tăng cường liên kết nội và ngoại khối, như thành lập cơ chế Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) năm 2010, các cơ chế ASEAN+, mở rộng Hội nghị cấp cao Đông Á với sự tham gia của Nga và Mỹ (năm 2010), thành lập Cộng đồng ASEAN (năm 2015).
Năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng nổ, gây thách thức rất lớn đối với khu vực và thế giới, trên cương vị Chủ tịch luân phiên ASEAN 2020, Việt Nam vẫn chèo lái con thuyền ASEAN vững vàng, duy trì được các hoạt động của ASEAN thông qua hình thức trực tuyến và thúc đẩy bình thường tiến trình xây dựng cộng đồng. Việt Nam cùng các nước thành viên, các đối tác đã tổ chức hơn 550 cuộc họp, bằng hình thức trực tuyến-bán trực tuyến. Riêng Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các Hội nghị Cấp cao liên quan, 20 cuộc họp liên quan đã được tổ chức thành công và hơn 80 văn kiện được thông qua. Đây là số văn kiện được thông qua cao nhất trong các kỳ họp ASEAN.
Sự tích cực ấy đã được Tổng Thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi đánh giá rất cao, ông cho biết: “Việt Nam đã thể hiện tầm lãnh đạo mạnh mẽ trong việc dẫn dắt một phản ứng tập thể của khu vực trước đại dịch Covid-19”. Trong bối cảnh cạnh tranh cường quốc ngày càng gay gắt, quyết liệt, ASEAN không tránh khỏi trở thành “con cờ” của các thế lực bên ngoài, nỗ lực cân bằng của Việt Nam lúc này vừa hay cũng là nỗ lực của cả khối nhằm tận dụng thời cơ để phát triển và hạn chế bớt các rủi ro an ninh có thể xảy ra.
Có thể thấy, quá trình hội nhập và tham gia của Việt Nam trong ASEAN gắn liền với quá trình Đổi mới, hội nhập quốc tế của đất nước. Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ trong đổi mới tư duy đối ngoại, với chủ trương “thêm bạn, bớt thù”, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế, “chuyển từ đối đầu sang đối thoại” và trở thành “thành viên chủ động, tích cực, có trách nhiệm” trong ASEAN.
Chính sách đối với ASEAN đã trở thành một bộ phận quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. ASEAN luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Vừa tận hưởng những lợi ích mà Cộng đồng ASEAN mang lại, Việt Nam sẽ tiếp tục chủ động đề xuất những sáng kiến, định hướng để chung tay xây dựng cộng đồng. Một Cộng đồng ASEAN lớn mạnh và tự cường sẽ là chỗ dựa vững chắc của Việt Nam để cùng vượt qua những khó khăn, sóng gió ngày càng lớn trong thời gian tới.
Diệu Hương