+
Aa
-
like
comment

Việt Nam có thể tổ chức Hội nghị hòa giải Nga – Ukraine?

An Diễm - 28/02/2022 15:35

Kể từ sau khi tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều Tiên lần 2 tại Hà Nội, Việt Nam đã được bè bạn thế giới coi là “nguồn cảm hứng cho hòa bình”, “Trung tâm hòa giải xung đột quốc tế”. Mới đây tổ chức Việt Tân lên tiếng thách thức Việt Nam hòa giải cuộc khủng hoảng Ukraine. Dù rằng đây không phải là một ý kiến thiện cảm, “thách thức” này đặt ra một câu hỏi thú vị: Liệu Việt Nam có thể đăng cai hội nghị hòa giải Nga – Ukraine hay không?

Việt Nam đăng cai Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều

Cuối tháng 2/2019, Việt Nam trở thành tâm điểm của thế giới khi được chọn đăng cai hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều Tiên. Tính chất quan trọng của Hội nghị này nằm ở chỗ trước đó không lâu hai nước Mỹ và Triều Tiên từng căng thẳng đến mức đe dọa tấn công hạt nhân lẫn nhau. Các chuyên gia phân tích cho rằng có 3 nguyên nhân chính khiến Việt Nam được đảm nhiệm vai trò nước chủ nhà của Hội nghị quan trọng này: Thứ nhất là việc Việt Nam có quan hệ ngoại giao ổn định với Triều Tiên, Hoa Kỳ và cả Hàn Quốc; Thứ hai là việc Việt Nam có điều kiện chính trị, an ninh ổn định, thuận lợi cho việc di chuyển của cả hai ông Donald Trump và Kim Jong Un. Đặc biệt là đối với ông Kim Jong Un, người luôn đặt vấn đề an ninh lên hàng đầu trong bất kỳ chuyến thăm quốc tế nào của ông; Thứ ba là Việt Nam nhiều bài học về cải cách, mở cửa kinh tế mà Bắc Triều Tiên đang muốn áp dụng và tỏ ý muốn áp dụng. Giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia, Đại học New South Wales cho rằng, “Việc Việt Nam được chọn làm địa điểm tổ chức thượng đỉnh Mỹ – Triều lần hai cho thấy Hà Nội sẽ có uy tín lớn trong mắt cộng đồng quốc tế, trên khía cạnh là bên đóng góp tích cực cho an ninh khu vực và thế giới”.

Cuộc chiến giữa Nga và Ukraine hiện nay đối với nhiều người Việt là một nỗi đau, vì đây là hai thành viên của Liên Xô, quốc gia đã đóng góp và hỗ trợ rất nhiều Việt Nam trong cuộc chiến chống giặc ngoại xâm. Nhiều thế hệ người Việt được các thầy cô cả Nga và Ukraine dạy dỗ kiến thức và bao bọc trong suốt một thời gian dài, và hiện tại ở hai quốc gia này cũng có nhiều kiều bào đang sinh sống và làm việc. Quan hệ giữa Việt Nam và Liên bang Nga hiện nay là Đối tác chiến lược toàn diện, cấp cao nhất về mặt quan hệ đối ngoại. Trong khi đó, Việt Nam vẫn duy trì quan hệ thân thiết với Ukraine ở mức đối tác toàn diện. Như vậy về mặt quan hệ thân thiện, Việt Nam hoàn toàn có thể đóng vai trò đối tác trung gian.

Tổng thống Nga V.Putin và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong cuộc gặp vào tháng 5/2019 (Nguồn:kremlin.ru)

Tuy nhiên, theo các thông tin mới nhất thì phía Nga muốn chọn Minsk, thủ đô Belarus làm nơi đăng cai hội nghị, trong khi đó Ukraine muốn chọn Ba Lan hoặc Israel. Như vậy, có vẻ hai quốc gia đều muốn chọn một địa điểm gần gũi để tiện di chuyển. Ngoài ra, cả hai cũng nhắm đến một quốc gia thứ ba có sự tương đồng nhất định về thể chế chính trị và xã hội, nhằm đảm bảo có được sự thấu hiểu các lợi ích cốt lõi. Đây là một cuộc hòa giải không hề dễ dàng, vì đã đàm phán là phải có sự “nhân nhượng” từ cả hai phía. Trong lúc đó, Tổng thống Nga Putin đã tuyên bố “lằn ranh đỏ” của Nga là Ukraine phải giữ vị trí trung lập, không được sở hữu hệ thống vũ khí hiện đại, trong khi người Ukraine muốn giữ vững quyền tự chủ quốc gia.

Tuy nhiên, dường như trong câu chuyện Ukraine, có một thứ còn quan trọng hơn là “lợi ích cốt lõi”. Khi phát động cái gọi là “cuộc chiến đặc biệt” ở Ukraine, Tổng thống Putin tuyên bố muốn “phi quân sự hóa” và “phi phát xít hóa” Ukraine. Hai khái niệm này thể hiện rõ hai mục tiêu của Nga: Thứ nhất là ngăn không cho Ukraine sở hữu vũ khí hiện đại, và thứ hai là thay đổi đường lối chính trị cũng như đối ngoại của đất nước này. Trong khi đó, một bộ phận người Ukraine dường như có quan điểm không khoan nhượng. Đại biện lâm thời Ukraine tại Việt Nam là bà Nataliya Zhynkina cho rằng “nguyên nhân chính của tình hình căng thẳng hiện nay xuất phát từ tham vọng của Nga muốn “khôi phục ảnh hưởng và sự hiện diện của “đế chế” Nga”. Bà tuyên bố “Nga càng đe dọa thì Ukraine càng muốn gia nhập NATO”.

Sẽ khó khăn cho bất kỳ nước nào đứng ra làm trung gian hòa giải cuộc khủng hoảng này do những khúc mắc về lợi ích và chiến lược quốc gia của mỗi nước. Nước Pháp công khai lên tiếng sẵn sàng đứng ra làm trung gian đàm phán cũng chỉ nhận được sự im lặng. Tổ chức Việt Tân mới đây lên tiếng thách thức Việt Nam đứng ra làm trung tâm hòa giải. Có thể khẳng định là nếu được chọn thì Việt Nam có thể làm được vì luôn đứng ở khía cạnh là người bạn tốt và muốn hòa bình cho cả hai phía. Năm 2019, dù Mỹ và Triều Tiên không thể đi đến thỏa thuận cuối cùng thì Việt Nam vẫn được thế giới đánh giá là tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh giữa hai quốc gia nổi bật nhất thế giới này.

An Diễm

Bài mới
Đọc nhiều