+
Aa
-
like
comment

Chất keo gắn kết các nước thành viên APEC từ chuyến đi của Chủ tịch nước

Huy Hoàng - 14/11/2022 14:40

Gặp gỡ các nhà lãnh đạo tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), Việt Nam sẽ có những đóng góp quan trọng để cộng đồng các thành viên tham khảo ý kiến và hoạch định cho những kế hoạch trong tương lai.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân sẽ thăm chính thức Vương quốc Thái Lan và tham dự Hội nghị các Nhà Lãnh đạo kinh tế Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 29.

Đã qua hơn 30 năm hình thành và phát triển, APEC hiện vẫn tiếp tục khẳng định được vai trò đi đầu trong thúc đẩy liên kết kinh tế, là cầu nối quan trọng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở châu Á – Thái Bình Dương.

Thế nhưng, hợp tác giữa các nước APEC đang đứng trước một thách thức to lớn. Trung Quốc và Hoa Kỳ đều là thành viên APEC nhưng lại đang có sự đối đầu gay gắt với nhau. Cùng với đó là sự phát triển mạnh mẽ của nhiều khuôn khổ hợp tác mới trong khu vực, chẳng hạn như chiến lược châu Á – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, gây khó khăn trong việc đạt đồng thuận và thúc đẩy các cam kết mang tính đột phá, đồng thời đặt APEC trước yêu cầu phải đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm giữ đà hợp tác.

Trong khi đó, tầm nhìn mà APEC đề ra là đến năm 2040 sẽ trở thành một cộng đồng châu Á – Thái Bình Dương mở, năng động, tự cường và hòa bình, vì sự thịnh vượng của tất cả người dân và thế hệ tương lai. Do đó, trong tình hình hiện nay, APEC cần những thành viên có tiếng nói trong quan hệ với các nước lớn, để đóng một vai trò lớn hơn, trở thành một sợi dây kết nối gắn kết các thành viên APEC cho phù hợp với tình hình mới, làm sao vẫn phát triển, thực hiện những chính sách kinh tế đột phá mà không xung đột với chính sách của những nước lớn đang là thành viên.

Vị thế ngọai giao của Việt Nam

Với Việt Nam, trong quan hệ với Trung Quốc và cả Hoa Kỳ, chúng ta đều đạt được những bước tiến bộ lớn. Nếu Trung Quốc dùng nghi thức cấp cao nhất để tiếp đón nhà lãnh đạo Việt Nam, thì Hoa Kỳ cũng duy trì là đối tác nhập siêu hàng hóa của nước ta trong nhiều năm. Hợp tác sâu rộng với hai siêu cường – hai nhân tố có tác động sâu sắc tới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương hiện nay, đã giúp Việt Nam trở thành một thành viên quan trọng có tiếng nói ở APEC.

Cần hiểu là Việt Nam phấn đấu đạt được vị thế này không nhằm để hơn thua với các nước láng giềng, mà vị thế đó có ích ở chỗ là khi APEC có một thành viên năng lực như vậy thì sẽ giúp ích rất nhiều cho cả khu vực cùng tiến lên, đạt được tầm nhìn chung mà không xung đột với những nước lớn. Góp phần giữ cho các thành viên đoàn kết không bị chia rẽ về chính sách đối ngoại trong quá trình phát triển kinh tế chung.

Có thể ví tình hình hiện nay như “nước đẩy chỗ nào, thuyền lên chỗ đó”, và Việt Nam đang có lợi thế nên chúng ta đã tận dụng tốt lợi thế đó để đóng vào thịnh vượng chung cho toàn khu vực. Một khối APEC sôi nổi, đoàn kết sẽ mang lại nhiều ích lợi cho Việt Nam. Vì qua đó nhiều hợp tác song phương được mở ra dễ dàng và nhanh chóng hơn.

Huy Hoàng

Bài mới
Đọc nhiều