Mới đây, trang EU Today vừa đăng tải một bài viết với tiêu đề “Tăng cường quan hệ với các nước ASEAN: ưu tiên chiến lược của EU”, từ đó cho thấy lộ trình triển khai chiến lược của Liên minh Châu Âu với các nước ASEAN và Việt Nam sẽ là ưu tiên hàng đầu, thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại giữa ASEAN và EU.
Theo đó, Hậu quả của cuộc khủng hoảng do đại dịch covid-19 và căng thẳng ở Ukraine đã tác động sâu sắc đến nền kinh tế các nước thành viên EU cũng như lộ trình triển khai chiến lược của EU tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Tình hình hiện nay đang thúc đẩy các nhà hoạch định chính sách tại Brussels và thủ đô các nước thành viên khẩn trương tìm kiếm các giải pháp nhằm ổn định nền kinh tế và duy trì vị thế của châu Âu tại các khu vực địa chiến lược.
Trước thềm Hội nghị Cấp cao EU-ASEAN khai mạc vào ngày 14/12/2022, Cơ quan Hành động Đối ngoại Châu Âu (EEAS) đã ban hành Kế hoạch Hành động cho Quan hệ Đối tác Chiến lược ASEAN-EU giai đoạn 2023-2027. Kế hoạch vạch ra 4 lĩnh vực hợp tác cần thúc đẩy, đồng thời nhấn mạnh hai ưu tiên chính là kinh tế, thương mại và chính sách an ninh.
Theo thông báo của EU, tại Hội nghị cấp cao EU-ASEAN đầu tiên được tổ chức sau đại dịch Covid-19, các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ thảo luận với các nhà lãnh đạo ASEAN về cách EU có thể mở rộng các thỏa thuận hợp tác kinh tế và viện trợ cơ sở hạ tầng cho các nước Đông Nam Á: đổi lại, EU có thể kỳ vọng các nước Đông Nam Á đóng vai trò then chốt trong chuỗi cung ứng cho các nước châu Âu.
Nhu cầu tăng cường hợp tác của EU với các nước ASEAN diễn ra trong bối cảnh các nước thành viên châu Âu vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Đồng thời, các nước thành viên EU cũng phải đối mặt với cuộc cạnh tranh chiến lược mới trong bối cảnh đa dạng từ xung đột vũ trang hay tác động của biến đổi khí hậu, nguy cơ khủng hoảng an ninh lương thực, an ninh năng lượng và suy thoái kinh tế.
Trong bối cảnh đó, kỳ vọng hợp tác của EU với các thành viên ASEAN về kinh tế – thương mại dường như mới chỉ là điểm khởi đầu cho hợp tác chiến lược về chính sách an ninh, quốc phòng với ASEAN nói riêng và Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Trong số các nước ASEAN, Việt Nam sẽ là ưu tiên hàng đầu, thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại giữa ASEAN và EU.
Theo EU Today, Việt Nam là quốc gia có tiềm năng vượt trội trở thành một quốc gia Đông Nam Á đóng vai trò quan trọng trong mối quan hệ giữa EU và ASEAN. Đây là nhận định được các chính trị gia, nhà phân tích và doanh nghiệp các nước châu Âu đưa ra trước thềm Hội nghị cấp cao EU-ASEAN.
Về vai trò của Việt Nam trong quan hệ giữa EU và ASEAN, Thượng nghị sĩ Andries Gryffroy, Phó Chủ tịch Thường trực Thượng viện Bỉ cho rằng: Việt Nam có vị trí địa chiến lược quan trọng ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Sau chuyến khảo sát thực tế tại Việt Nam vào tháng 11/2022, ông Gryffroy bày tỏ sự ngạc nhiên khi hệ thống đường cao tốc tại Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong 3 năm qua: ông đặc biệt lưu ý đến số lượng ô tô điện và xe máy trên đường.
Quan hệ Việt Nam – EU hiện được đánh giá là đang ở mức cao lịch sử. Từ chỗ là một nước nhận viện trợ, đến nay Việt Nam đã trở thành một nước đối tác bình đẳng và cùng có lợi. Việt Nam và EU hiện có mối quan hệ rất sâu sắc, với nhiều khuôn khổ hợp tác, điển hình là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020.
Theo số liệu của Viện Nghiên cứu Châu Á về Châu Âu (EIAS), EU là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, đồng thời là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba và là thị trường nhập khẩu lớn thứ năm của Việt Nam. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương giữa Việt Nam và EU trong 9 tháng năm 2022 đạt 57,11 tỷ euro, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2021. EU hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 5 tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký là 27,6 tỷ USD (lũy kế đến tháng 8/2022). Riêng 8 tháng đầu năm 2022, tổng vốn đầu tư đăng ký của EU vào Việt Nam đạt 2,2 tỷ USD, tăng 69,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Giải thích về vai trò cầu nối của Việt Nam giữa ASEAN và EU, ông Jeroen Cooreman, Vụ trưởng phụ trách quan hệ song phương, Bộ Ngoại giao Bỉ cho biết, trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao EU-ASEAN, đoàn Việt Nam do Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu cam kết thực hiện định hướng của Việt Nam về phát triển năng lượng tái tạo, phát triển xanh và bền vững, chuyển đổi số, chuyển đổi… Những cam kết này đã được Thủ tướng Phạm Minh Chính công bố tại Hội nghị COP26 tổ chức tại Glasgow năm ngoái. Điều này phù hợp với các ưu tiên của Bỉ cũng như Chương trình nghị sự của EU.
Dưới góc nhìn của các tổ chức thương mại như Phòng Thương mại và Đầu tư Flanders đến từ Vương quốc Bỉ, ngoài vai trò cầu nối giữa thị trường hai khối, thị trường Việt Nam có dân số trẻ đang là điểm đến hấp dẫn hàng đầu của các nhà đầu tư châu Âu, nhất là trong các lĩnh vực như công nghệ sạch, thực phẩm, đồ uống và hậu cần.
Giám đốc Phòng Thương mại Bỉ Vlaams-Brabant, Daniel Vandenberghe cho biết: “Việt Nam là thị trường tiềm năng và các doanh nghiệp Bỉ nói riêng cũng như các doanh nghiệp châu Âu cần đa dạng hóa thị trường. Chúng tôi cần có mặt không chỉ ở Châu Phi, Đông Âu mà còn ở khu vực thú vị này của Đông Nam Á.”
Đầu tư phát triển hạ tầng và dịch vụ cảng biển tại Việt Nam nhiều năm, ông Marc Stordiau, Giám đốc điều hành Công ty Đầu tư và Xây dựng cảng biển quốc tế (IPEI) Bỉ cho biết, thời gian tới sẽ đẩy mạnh xuất khẩu hàng Việt sang châu Âu, đặc biệt là các mặt hàng nông sản là thế mạnh của Việt Nam.
Với tinh thần chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, Việt Nam ngày càng được cộng đồng quốc tế đánh giá cao và coi trọng đẩy mạnh quan hệ hợp tác. Những thành tựu hợp tác mà Việt Nam, ASEAN và các nước EU cùng nhau gặt hái được trong thời gian qua sẽ là nền tảng để các bên tiếp tục thắt chặt sợi dây kết nối giữa châu Á và châu Âu và đưa quan hệ ASEAN-EU lên một tầm cao mới.
Thực hiện: Tuệ Ngô
Đồ họa: M.N