+
Aa
-
like
comment

“Việt Nam bứt phá, tiềm năng trở thành con hổ mới tại châu Á!”

Bảo Trâm - 15/08/2022 14:02

Đây chính là nhận định của chuyên gia Brian Lee, Ngân hàng Maybank, Singapore được đăng tải trên trang Sputnik gần đây khi nói về vị thế của Việt Nam trong việc định hình lại chuỗi cung ứng toàn cầu.

Chuyên gia Brian Lee: “Việt Nam có tiềm năng trở thành con hổ mới tại châu Á”.

Theo chuyên gia Brian Lee, Việt Nam đã và đang tiếp tục củng cố thứ hạng cao trong bảng xếp hạng chỉ số phục hồi toàn cầu và được nhận định là một trong những ngôi sao kinh tế đang lên tại khu vực với triển vọng kinh tế tích cực.

Với nhận định “’Ngôi sao đang lên’ – Việt Nam thành con hổ mới của châu Á?”, trang Spunik cho rằng Việt Nam có được thành công là nhờ môi trường kinh doanh thuận lợi, ổn định chính trị, tự do hóa thương mại được đẩy mạnh, chi phí lao động cạnh tranh.

Theo ông Brian Lee Shun Rong, nhà nghiên cứu kinh tế của ngân hàng đầu tư Maybank: “Để trở thành một con hổ mới ở châu Á, tôi cho rằng Việt Nam nên tập trung vào 4 điểm chính. Đầu tiên, phát triển kỹ năng và lực lượng lao động sẵn sàng trong tương lai. Thứ hai là nâng cao năng lực cơ sở hạ tầng. Thứ 3 là phát triển một mạng lưới các nhà cung cấp địa phương mạnh mẽ và cạnh tranh sẽ tăng cường chuyển giao kiến ​​thức. Cuối cùng là cần đẩy mạnh nền kinh tế kĩ thuật số. Số hóa sẽ vừa là nguồn tăng trưởng mới đưa Việt Nam vào tương lai vừa là sức mạnh cạnh tranh trong thời kỳ hậu Covid-19”.

Ông Brian Lee Shun Rong, chuyên gia kinh tế bộ phận Nghiên cứu vĩ mô, ngân hàng Đầu tư Maybank (khu vực Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar). Ảnh: Forbes Việt Nam

Cụ thể, chuyên gia cho rằng, với sự dẫn dắt của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nền công nghiệp Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ. Theo số liệu của Maybank, cả nguồn vốn FDI rót vào Việt Nam lẫn kim ngạch xuất khẩu trong 10 năm qua đều “lớn hơn tất cả nước Đông Nam Á khác”.

Đặc biệt, ngành hàng điện tử, điện thoại đã vượt qua dệt may để trở thành lĩnh vực đóng góp kim ngạch xuất khẩu cao nhất. Điều này cho thấy Việt Nam đã nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu. Cùng với đó, năng suất làm việc của người lao động cũng tăng trưởng nhanh hơn các nước ASEAN khác.

Ông ông Brian Lee Shun Rong cũng đánh giá cao môi trường kinh doanh nhất quán tại Việt Nam, mà theo ông là có sự hỗ trợ rất lớn cho các doanh nghiệp nước ngoài.

Chi phí lao động cạnh tranh là một trong những lợi thế giúp thu hút FDI tại Việt Nam.

“Việt Nam đạt được tốc độ phát triển mạnh mẽ trong thập niên qua nhờ chiến lược công nghiệp hóa được dẫn dắt bởi nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Nhờ chiến lược này, Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất và xuất khẩu của khu vực, một ‘ngôi sao đang lên’ trong chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Brian Lee Shun Rong nhấn mạnh.

Số liệu của Maybank cũng cho thấy, chỉ số đo lường mức độ hạn chế trong chính sách đối với FDI của Việt Nam đã giảm hơn một nửa trong vòng 10 năm, từ 2010 đến 2020. Trong khi đó, số lượng hiệp định thương mại tự do chỉ đứng sau Singapore, minh chứng cho độ mở cao của nền kinh tế đối với thương mại và đầu tư từ nước ngoài. Sự cạnh tranh về nguồn cung lẫn chi phí nhân lực cũng là ưu thế của Việt Nam.

Bảo Trâm

Bài mới
Đọc nhiều