+
Aa
-
like
comment

Viễn cảnh nghèo đói, lạnh lẽo… bao trùm khắp Châu Âu

Lan Hoa - 29/06/2022 10:50

Dữ liệu chính thức vừa được Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) công bố cho thấy, tăng trưởng kinh tế của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong quý II/2022 chỉ đạt 0,2%, thấp hơn đáng kể so với mức tăng 0,3% trong cùng kỳ năm ngoái.

Những mặt hàng phải nhập khẩu từ châu Á, đặc biệt là Trung Quốc hay các nước Đông Nam Á thì không những giá tăng mà còn bị tình trạng khan hiếm hàng.

Đầu năm 2022, khi các hạn chế Covid-19 giảm dần, nền kinh tế châu Âu được dự báo phục hồi mạnh mẽ trong năm nay. Tuy nhiên, khủng hoảng Ukraine nổ ra vào tháng 2 đã làm tiêu tan những hy vọng đó. Các nhà kinh tế cho rằng sự suy giảm tăng trưởng do chi phí năng lượng tăng cao có thể trở thành suy thoái kinh tế nếu nguồn cung cấp khí đốt và dầu từ Nga sang Châu Âu bị gián đoạn.

Theo CNBC, chỉ còn ít ngày nữa là đến thời hạn để một loạt quốc gia trong Liên minh châu Âu (EU) đáp ứng yêu cầu mà phía Nga đưa ra về dùng đồng Rúp để thanh toán tiền mua khí đốt của Nga…

Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại, EU vẫn nói rằng nếu các nước thành viên trong khối chấp nhận trả bằng Rúp để có được khí đốt của Nga, đó sẽ là một sự vi phạm các biện pháp trừng phạt mà EU đã áp lên Nga nhằm đáp trả cuộc chiến tranh Nga-Ukraine. Các hướng dẫn của Ủy ban châu Âu (EC) trong vấn đề này vẫn còn thiếu rõ ràng, và việc tìm kiếm các nguồn cung khác để thay thế cho khí đốt nhập khẩu từ Nga tiếp tục là một bài toán hóc búa.

Có vẻ các thành viên EU đang như “ngồi trên đống lửa” vì thời hạn mà phía Nga đưa ra đang đến gần, nhất là sau khi Nga đã thể hiện rõ quan điểm “đã nói là làm” bằng cách cắt cung cấp khí đốt cho Bulgaria và Ba Lan. Nga đã cắt cung cấp khí đốt cho hai quốc gia này từ ngày 27/4 sau khi hai nước từ chối dùng đồng Rúp để thanh toán tiền mua khí đốt từ Nga. Cần phải nói thêm rằng Bulgaria và Ba Lan là hai trong số những nước ủng hộ mạnh mẽ việc tăng cường trừng phạt Nga.

OECD nâng dự báo lạm phát tại các nước thành viên.

Những diễn biến mới nhất càng khiến tình hình thêm phần căng thẳng. Ngày 11/6, Nga trừng phạt 31 công ty năng lượng có trụ sở ở các nước đã trừng phạt Nga vì cuộc chiến tranh ở Ukraine. Động thái này diễn ra vào đúng thời điểm dòng chảy khí đốt Nga sang châu Âu qua Ukraine giảm 1/4 do ảnh hưởng của các cuộc giao tranh. Đây là lần đầu tiên dòng khí đốt từ Nga trung chuyển qua Ukraine bị gián đoạn kể từ khi chiến tranh nổ ra.

Nhiều nhà phân tích cho rằng, yêu cầu của Nga về thanh toán tiền mua khí đốt bằng Rúp còn được cho là nhằm mục đích chia rẽ các nước phương Tây.

Sau khi bị Nga cắt khí đốt, Ba Lan nói EU nên trừng phạt những nước dùng Rúp để thanh toán tiền mua khí đốt Nga. Bộ trưởng Bộ Khí hậu Ba Lan Anna Moskwa chỉ rõ Đức, Hungary và Áo là những nước đang phản đối cấm vận khí đốt của Nga. “Chúng tôi cho là sẽ có hậu quả đối với những nước chấp nhận thanh toán tiền mua khí đốt của Nga bằng Rúp. Đó sẽ là kết cục đối với họ nếu họ nhượng bộ”, bà Moskwa nói.

Trong khi đó, Thủ tướng Italy hôm 11/5 thẳng thừng nói rằng các công ty châu Âu hoàn toàn có thể thanh toán cho các hợp đồng mua khí đốt từ Nga bằng đồng nội tệ của Nga mà không hề vi phạm các biện pháp trừng phạt của EU áp lên Nga.

“Chẳng hề có một quy định chính thức về việc như thế nào là vi phạm trừng phạt cả. Chưa có ai nói bất kỳ điều gì về việc dùng Rúp để thanh toán có vi phạm trừng phạt hay không”, ông Draghi phát biểu tại một cuộc họp báo.

Nội bộ EU chia rẽ vì kế hoạch cấm vận dầu và khí đốt từ Nga

Chủ tịch EC Ursula von der Leyen gọi việc Nga cắt khí đốt đối với Bulgaria và Ba Lan là hành động “tống tiền”, đồng thời kêu gọi các nước trong khối đoàn kết. “Các công ty có hợp đồng mua khí đốt Nga không nên ngả theo yêu sách của Nga. Đó sẽ là một sự vi phạm trừng phạt, đặt ra rủi ro cao cho các công ty đó”, bà nói hôm 27/5.

Theo dự kiến, ngày 20/7 tới là thời hạn tiếp theo để các công ty năng lượng châu Âu đáp ứng yêu cầu thanh toán mà Nga đưa ra. Bức tranh năng lượng của châu Âu càng thêm phần ảm đạm khi EU đề xuất một kế hoạch cắt giảm dần để tiến tới xoá bỏ hoàn toàn việc nhập khẩu dầu thô từ Nga vào cuối năm nay. Kế hoạch này cần có sự phê chuẩn của tất cả các nước thành viên EU, trong khi một số nước như Hungary đang có quan điểm phản đối. Nếu cùng lúc mất đi cả nguồn cung khí đốt và dầu từ Nga, kinh tế châu Âu có thể hứng chịu một cú sốc vào đúng thời điểm tăng trưởng giảm tốc và lạm phát cao nhất 3 thập kỷ.

Theo CNN, châu Âu đặc biệt dễ bị tổn thương do ảnh hưởng từ cuộc chiến Nga-Ukraine, các lệnh trừng phạt kinh tế liên quan và lo ngại nguồn cung năng lượng. Ngày 16/6, Ủy ban châu Âu (EC) đã giảm mạnh dự báo tăng trưởng kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) năm 2022 xuống mức 2,7% trong bối cảnh giá năng lượng tăng vọt do ảnh hưởng của cuộc xung đột tại Ukraine.Theo số liệu thống kê, lạm phát trong khu vực đồng Euro đạt mức cao kỷ lục 7,5% trong ba tháng gần đây.

Tăng trưởng của toàn khu vực Liên minh châu Âu (EU) trong quý II/2022 đạt 0,4%, thấp hơn so với mức 0,5% ghi nhận trong quý II/2021. Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng tại EU trong tháng 6 vừa qua đã tăng 7,5% – mức cao nhất từ trước đến nay – nguyên nhân chủ yếu do giá năng lượng tăng vọt.

Trong gần một thập kỉ qua, lãi suất ở mức đáy cùng với lạm phát thấp dường như đã trở thành một thực tế đời sống hiển hiện tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Giờ đây, chỉ số giá tiêu dùng đã vượt 8%/năm, cao hơn mục tiêu 2% mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đề ra.

Biểu đồ lạm phát tại Châu Âu qua các năm

Nhiều thành viên trong hội đồng điều hành ECB đã bắt đầu phát đi tín hiệu về sớm tăng lãi suất, một thông điệp nhiều khả năng sẽ được tái khẳng định trong phiên họp của ECB về chính sách tiền tệ ngày 9/7 tới. Tuy nhiên, cơ quan này hiện rơi vào tình thế khó khăn: Phải đẩy nhanh tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, nhưng đi cùng đó là triển vọng kinh tế ngày một ảm đạm – một thực tế đòi hỏi phải duy trì thêm một thời gian nữa chính sách nới lỏng tiền tệ.

Một hệ quả của cú sốc năng lượng chính là giảm thu nhập thực tế hộ gia đình. Tiền lương, thu nhập của người lao động ở Eurzone có tăng, nhưng không theo kịp mức tăng của lạm phát. Nhiều chủ sử dụng lao động đã thực hiện chính sách trợ cấp một lần cho nhân công, để bù đắp cho mức giá tăng và tránh được việc phải tăng tiền lương cho người lao động.

Tiết kiệm chi tiêu tích tụ trong các giai đoạn phong tỏa trước đó cũng giúp người tiêu dùng tăng khả năng chống chọi với cú sốc năng lượng. Tuy nhiên, khả năng bù đắp từ nguồn thu nhập tích trữ này là không đồng đều. Người nghèo ở các nước giàu và phần lớn hộ gia đình tại các nước nghèo thuộc nhóm dễ bị tổn thương.

Ngay cả khi Eurozone tránh được nguy cơ suy thoái, cú sốc năng lượng vẫn là lực cản đối với tăng trưởng. ECB đối diện với tình thế tiến thoái lưỡng nan không thể tránh được. Lạm phát tăng do nhân tố tăng giá năng lượng, lương thực sẽ khiến kinh tế châu Âu suy yếu đi. Và viễn cảnh thiếu lương thực, thiếu khí đốt, thiếu thu nhập… đang trở thành bóng đen bao trùm khắp châu Âu.

Lan Hoa

Bài mới
Đọc nhiều