Vì sao Samsung vẫn quyết định đầu tư thêm tỷ USD vào Việt Nam, bất chấp khủng hoảng?
Mới đây, trang Forbes vừa có bài viết nói về lí do tại sao Samsung vẫn quyết định đầu tư thêm tỷ USD vào Việt Nam, mặc cho tăng trưởng kinh tế đang chậm lại. Từ đó cho thấy vị thế cũng như tiềm năng của Việt Nam đã thu hút Samsung cũng như hàng loạt các tập đoàn toàn cầu như thế nào trong bối cảnh hiện tại.
Trong một cuộc trò chuyện bên lề tại trụ sở chính của Samsung ở Suwon (Hàn Quốc) vào 10 năm trước, một giám đốc điều hành chuỗi cung ứng cấp cao nói với Forbes rằng, Samsung đang bắt đầu chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Theo Forbes, thời điểm đó, mặc dù Trung Quốc là công xưởng sản xuất của thế giới, nhưng những dấu hiệu về việc tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng như nhân khẩu học của quốc gia này có xu hướng chậm lại đã khiến Samsung phải suy nghĩ lại về chiến lược “bỏ chung trứng vào cùng một giỏ”, và Việt Nam là một lựa chọn để Samsung quyết định đặt cược dài hạn.
“Đến thời điểm hiện tại, có vẻ như lựa chọn của Samsung đã đúng”, theo Forbes.
Có thể thấy, Việt Nam đang đặt nền móng cho quá trình trở thành “điểm nóng” tiếp theo của ngành sản xuất toàn cầu. Theo đó, quốc gia này đã tham gia ít nhất 7 hiệp định thương mại tự do, bắt đầu bằng Hiệp định Thương mại Song phương với Hoa Kỳ có hiệu lực vào năm 2001. Bên cạnh đó, hàng loạt các thỏa thuận cũng được được ký kết với các bên từ EU đến Trung Quốc, thể hiện rõ ràng thiện chí của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư và hợp tác kinh doanh.
Không chỉ vậy, Việt Nam cũng đầu tư rất nhiều vào cơ sở hạ tầng như đường bộ, đường sắt và cảng biển, hay cải thiện, nâng cấp chất lượng hậu cần cho các trung tâm công nghiệp. Là một quốc gia có đường bờ biển dài, không có gì lạ khi 3 trong số 50 cảng biển bận rộn rất thế giới là ở Việt Nam, bao gồm Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng và Cái Mép. Theo đó, trong giai đoạn 2020-2021, khi phần lớn hoạt động của các cảng biển trên thế giới ảm đạm, cả 3 cảng biển ở Việt Nam đều ghi nhận mức sản lượng tăng khoảng 15%.
Quan trọng hơn, trong bối cảnh các doanh nghiệp trên toàn cầu hiện nay đều ưu tiên cho mục tiêu phát triển bền vững, Việt Nam được xem là một trong những quốc gia dẫn đầu khu vực về phát triển năng lượng tái tạo. Theo Economist, Việt Nam đã tăng gấp bốn lần công suất năng lượng gió và mặt trời kể từ năm 2019.
Forbes đánh giá, một khi EU bắt đầu thực thi các yêu cầu công bố Phạm vi 3 đối với các mặt hàng tiêu dùng, cụm từ “Made in Vietnam” có thể trở thành một nhãn hiệu uy tín trên các .
Thế nhưng, kinh tế Việt Nam hiện đang trải qua một sự sụt giảm đáng kể (tăng trưởng GDP trong Quý 1/2023 chỉ đạt 3,3% so với mức 8% của năm 2022) và sản xuất công nghiệp trong 2 tháng đầu năm 2023 giảm 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Vậy tại sao Samsung vẫn quyết định đầu tư hàng tỷ USD vào Việt Nam trong sản xuất chất bán dẫn và R&D?
Theo Forbes, có thể Samsung nhìn ra được rằng nguyên nhân của sự sụt giảm trong sản xuất ở Việt Nam trong thời gian ngắn chủ yếu liên quan đến lượng hàng tồn kho giày dép và đồ điện tử tiêu dùng đã tăng cao ở Mỹ.
“Trên thực tế, giữa năm 2023 có thể là thời điểm hoàn hảo để bắt đầu các cuộc thảo luận đầu tư với Việt Nam. Chuyển cơ sở sản xuất sang Việt Nam có thể không phải là giải pháp nhanh chóng để đa dạng hóa chuỗi cung ứng ngoài Trung Quốc. Nhưng đối với những người chơi dài hạn, Samsung mà một minh chứng cho thấy việc đa dạng hoá hoàn toàn có thể thành công”, Forbes nhận định.
Bảo Trâm (Theo Forbes)