+
Aa
-
like
comment

Vì sao phải ngăn chặn những kẻ như Osin Huy Đức?

05/06/2024 15:33

Người viết dùng chữ “ngăn chặn” với hàm ý rộng hơn rất nhiều trong lúc MXH đang láo nháo những tin đồn về việc cơ quan chức năng đã tiến hành bắt giữ cựu nhà báo Trương Huy San (Bút danh: Osin Huy Đức).

Hình ảnh được cho là của Huy Đức được chụp vào ngày 1/6 vừa qua.

Việc Huy Đức sẽ bị cơ quan chức năng khởi tố bắt giam hay chỉ đơn giản là “cho về” sau vài buổi làm việc, được giải thích và đồng thuận, cam kết chấm dứt những nội dung đăng tải trên trang cá nhân của mình… là điều không ai có thể dự đoán được. Nhưng người viết tin chắc, dù với hướng nào thì thời gian tới cái tên Huy Đức sẽ hoàn toàn biến mất trên MXH, những bài viết mang bút danh Huy Đức sẽ không tồn tại nữa.

Vậy câu hỏi đặt ra là, tại sao phải cần ngăn chặn những kẻ như Huy Đức? Trước hết, cần hiểu một điều rằng việc ngăn chặn Huy Đức không phải là ngăn chặn quyền tự do ngôn luận. Chúng ta không cần phải nói quá nhiều về việc Quyền tự do ngôn luận đã được Việt Nam tôn trọng, bảo vệ và Hiến định như thế nào. Vì chỉ cần mỗi sáng ngồi nhâm nhi ly cafe đầu ngõ, nghe trong những câu chuyện lề đường là đủ hiểu dân ta có quyền tự do ngôn luận đến mức nào.

Từ câu chuyện xã hội đến chính trị, từ quốc tế đến trong nước hay thậm chí chuyện “ai lên ai xuống” thời gian qua đều có thể bàn luận thoải mái bên cốc cafe sáng. Không hề có bất cứ ai ngăn chặn những câu chuyện này và thực tế cũng chẳng ai nghĩ đến việc ngăn chặn làm gì. Vì đó là câu chuyện vô thưởng vô phạt, là ý kiến và quan điểm của người này với người khác mà đôi khi nếu có mâu thuẫn xảy ra thì tông giọng có thể cao hơn rồi ai sẽ lại về nhà nấy.

Đấy là tự do ngôn luận, là quyền nói lên ý kiến của mình nhưng không ảnh hưởng đến bất cứ người nào. Từ đó, đặt vào câu chuyện liên quan đến Huy Đức, chúng ta lại thấy một bức tranh khác.

Còn nhớ vào ngày 9/8/2017, thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận một trong những ngày đỏ lửa nhất lịch sử, khi toàn bộ 11 cổ phiếu ngành ngân hàng đều “tắm máu đỏ”, hơn 1 tỷ đô được ghi nhận đã rời khỏi thị trường, thiệt hại nặng nề nhất thuộc về cổ phiếu của ngân hàng BIDV (mã CK: BID).

Và đó là hậu quả do 2 chữ “Bắc Hà” mà Huy Đức đã đăng trên trang cá nhân vào tối hôm trước. Tuy nhiên, trao đổi với báo chí, một lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an đã bác thông tin đã bắt giữ ông Trần Bắc Hà, nguyên Chủ tịch HĐQT ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Sáng ngày 9/8, trả lời báo chí, cựu Chủ tịch HĐQT BIDV, cho biết ông vẫn bình thường.

Nhắc lại câu chuyện cũ này để chứng minh một điều rõ ràng rằng những gì “tự do ngôn luận” được Huy Đức lan truyền đều sẽ dẫn đến những hậu quả rất thực tế, rất khủng khiếp. Tự do ngôn luận của người bình thường sẽ rất khác với tự do ngôn luận của Huy Đức, tương tự như câu chuyện một đôi tay của người bình thường thì không được xem là vũ khí nhưng nếu đó là của một võ sĩ quyền anh hạng nặng, thì đó là vũ khí. Và khi sử dụng, họ phải bị xem xét là “sử dụng vũ khí” chứ không phải là dùng tay không như đối với người bình thường.

Trước khi “biến mất”, trên Facebook mang tên Truong Huy San có đăng tải bài viết “Những suy nghĩ không rời rạc” vào ngày 28/5, trong đó Huy Đức bình luận về các vấn đề pháp quyền tại Việt Nam và viết rằng việc tái lập các ban Đảng thời ông Nguyễn Phú Trọng là “một bước lùi về chính trị”.

Bài viết này có đoạn:

“Tuy cảm phục mức độ liêm chính, về mặt vật chất của ông Nguyễn Phú Trọng, dân chúng vẫn chưa thấy các dấu hiệu chứng tỏ sẽ có ‘Đổi mới II’ trong nhiệm kỳ cuối của ông. Nếu cho đến ngày nghỉ hưu, ông không đưa ra được một lộ trình chính trị để đất nước dân chủ hơn, sự sạch sẽ của ông sẽ là vô nghĩa.”

Việc xác định nội dung trên có hay không có vi phạm, các nhận định cá nhân của Huy Đức có dựa trên dữ liệu nào chính xác để chứng minh cho nhận định của mình hay không… sẽ có cả một Hội đồng thẩm định xem xét và kết luận.

Ở đây, bài viết này không có ý định phân tích hay đưa ra kết luận gì về nội dung trên, chỉ dám chắc một điều, những dòng chữ như vậy chắc chắn là có tác động tiêu cực đến công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực mà Đảng, Nhà nước đã phát động trong thời gian qua. Và đó chính là “ảnh hưởng đến người khác”.

Theo cảm quan của người viết, việc “xử lý hình sự” những kẻ như Huy Đức là điều mà không một ai mong muốn, kể cả cơ quan chức năng. Nhưng việc ngăn chặn những kẻ này là hoàn toàn cần thiết nếu muốn một xã hội yên bình và an toàn hơn. Thế nên, theo người viết, việc câu chuyện đi theo hướng nào trong vài ngày tới sẽ xuất phát từ chính ý chí chủ quan của Huy Đức chứ không phải của bất cứ ai, tổ chức nào cả!

Thành An

Bài mới
Đọc nhiều