+
Aa
-
like
comment

Vì sao Liên danh Vietur trúng thầu?

Diệu Hương - 04/08/2023 07:58

Là dự án quan trọng cấp quốc gia, sân bay Long Thành mở ra cơ hội cạnh tranh với các nước trong khu vực, đưa Việt Nam thành điểm đến trên bản đồ hàng không. Tuy nhiên, việc lựa chọn nhà thầu cho gói thầu số 5.10 thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách sân bay Long Thành đang đặt ra thách thức lớn.

Tháng 9/2022, gói này đã được đấu thầu lần đầu tiên, song không có nhà thầu nào đáp ứng được yêu cầu. Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) phải hủy và đấu thầu lại lần hai. Đến ngày 12/6, ACV chính thức đóng hồ sơ mời thầu gói thầu 5.10. Ba nhóm liên danh nộp hồ sơ dự thầu dự án này gồm CHEC-BCEG-Vietnam Contractors, Hoa Lư và Vietur.

Trong bối cảnh thấp thỏm trông ngóng kết quả lựa chọn nhà thầu cho gói thầu 5.10 “Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách” trị giá 35.233 tỷ đồng, bao gồm việc thiết kế bản vẽ thi công và thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách của dự án thành phần 3 thuộc dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, thông tin Liên danh nhà thầu Vietur trúng thầu gây xôn xao giới đầu tư từ xây dựng, bất động sản, chứng khoán.

Vậy Liên danh Vietur có năng lực đến đâu? Soi kỹ năng lực liên danh nhà thầu vừa lọt vòng kỹ thuật của gói thầu 5.10 có thể thấy Liên danh Vietur được dẫn dắt bởi IC ISTAS được thành lập năm 1969, trực thuộc Tập đoàn IC Holding tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Tập đoàn Ic Istas có tổng doanh thu hàng năm lên tới 5 tỉ USD, hoạt động ở nhiều lĩnh vực: xây dựng, đầu tư hạ tầng, năng lượng, du lịch, công nghiệp trên phạm vi toàn cầu. Đơn vị này có nhiều kinh nghiệm thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng lớn như bến cảng, sân bay, năng lượng,… tại khu vực các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Nga… trong đó có các sân bay quốc tế lớn tại các nước Nga, Ả Rập Xê Út, Thổ Nhĩ Kỳ, Bulgari…

Trong liên danh này còn có các nhà thầu thành viên là những đơn vị trong nước nằm trong hệ sinh thái do ông Nguyễn Bá Dương sáng lập như: Công ty CP Đầu tư xây dựng Ricons, Công ty CP Đầu tư xây dựng Newtecons, Công ty CP Đầu tư xây dựng SOL E&C. Trong đó, Newtecons và Ricons đã cán mốc doanh thu 10.000 tỉ đồng. Ngoài ra, còn có Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex), Công ty CP Kết cấu ATAD, Công ty CP Xây dựng Phục Hưng Holdings, Công ty CP Hawee, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội – CTCP. Trong khi đó, liên danh do Vinaconex đứng đầu mới hoàn thành gói thầu xây dựng nhà ga hành khách T2- sân bay Phú Bài trị giá gần 2.300 tỉ đồng. Liên danh này còn có sự tham gia của các nhà thầu tên tuổi trong lĩnh vực đặc thù như Atad – chuyên về thép chất lượng cao; Hawee – chuyên về cơ điện.

Atad thành lập năm 2004 và đã thực hiện hơn 3.500 công trình trên hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ. Đơn vị hiện sở hữu hai nhà máy sản xuất ở Đồng Nai và Long An. Hai nhà máy này là một trong các dây chuyền sản xuất kết cấu thép hiện đại và lớn nhất thế giới.

Tổ hợp sản xuất ô tô VinFast, sản xuất thép Hòa Phát – Dung Quất, nhà ga hành khách sân bay quốc tế Cam Ranh, nhà ga hành khách sân bay quốc tế Đà Nẵng… là những dự án Atad đã triển khai.

Liên danh Vietur đang được đánh giá cao khả năng thực hiện gói thầu số 5.10 của dự án thành phần ba sân bay Long Thành nhằm đảm bảo các tiêu chí về tiến độ thi công, chất lượng kỹ thuật thi công và giá thành xây dựng tiết kiệm cho ngân sách nhà nước.

Diệu Hương

Bài mới
Đọc nhiều