Vì sao các trường ĐH ‘mạnh tay’ cho hàng nghìn sinh viên thôi học?
Hàng nghìn sinh viên bị cho nghỉ học mỗi năm chứng tỏ các trường ĐH đang mạnh tay và nghiêm khắc hơn trong đào tạo.
Theo thông tin của nhiều trường đại học ở TP.HCM, mỗi năm có hàng nghìn sinh viên bị buộc thôi học hoặc tự ý nghỉ học… Có trường tuyển 100 sinh viên vào đầu khóa, thì chỉ khoảng 75 80 sinh viên ra trường, số còn lại bị “rơi rụng” dần.
Chỉ riêng Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, theo kết quả xét học vụ năm học 2019 – 2020, có tới 438 sinh viên dự kiến bị buộc thôi học. Trong số này, có 257 sinh viên hệ đại học và 181 sinh viên hệ cao đẳng.
Ngoài ra, còn có hơn 1.100 sinh viên khác thuộc diện dự kiến bị cho thôi học do hết thời gian đào tạo tại trường.
Lí giải tình trạng này, PGS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho rằng có một số nguyên nhân như: nhiều sinh viên không thích nghi được với cách học trong trường đại học, một số chuyển hướng đi du học…
Bên cạnh đó, cũng có những sinh viên ban đầu học rất giỏi, nhưng sau 1-2 năm thấy không phù hợp thì chuyển hướng. Như vậy, dù có tư vấn hướng nghiệp kỹ đến đâu chăng nữa thì mỗi người vẫn có quyền lựa chọn lại.
Ở Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, chỉ khoảng 75% sinh viên đầu vào có thể tốt nghiệp ra trường, 25% sinh viên sẽ bị “rơi rụng” dần.
Còn ông Phạm Thái Sơn, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM nhìn nhận rằng, nguyên nhân khiến sinh viên bị “đuổi” thường là do đã hết hạn học tập hoặc kết quả học tập quá thấp, dẫn tới nhiều lần bị đình chỉ rồi bị cho nghỉ học.
“Phần lớn sinh viên bị đuổi do trước đó đã bị đình chỉ học tập nhiều lần. Khi bị đình chỉ lần 1, trường tiến hành nhắc nhở, đình chỉ lần 2, trường cũng nhắc nhở và nếu không cải thiện, dẫn tới bị đình chỉ lần thứ 3 thì sẽ bị đuổi học” ông Sơn nói.
Ông Phạm Thái Sơn cho hay, trường cũng có những chính sách “mở” đối với sinh viên rơi vào tình trạng này. Chẳng hạn, với sinh viên hết thời hạn học tập, nhà trường cho phép chuyển sang hệ vừa làm vừa học với yêu cầu phải cải thiện điểm số. Với những sinh viên muốn chọn hướng đi khác, trường cũng tạo điều kiện cho chuyển đổi ngành nghề trong cùng nhóm ngành với nhau.
Ngày càng nghiêm khắc trong đào tạo
Ông Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, cho rằng hàng nghìn sinh viên bị đuổi học mỗi năm chứng tỏ các trường ĐH ngày càng mạnh tay và nghiêm khắc trong đào tạo. Việc này là hợp lý khi “gạn đục khơi trong”, quyết liệt nâng cao chất lượng đào tạo.
“Điều gì sẽ xảy ra nếu trường ĐH để lại những sinh viên chây lười, không chịu học, những sinh viên không đạt chất lượng vẫn nhận tấm bằng nhờ sự nhẹ tay của thầy cô và nhà quản lý? Nếu nương tay chính là không công bằng với những sinh viên có trách nhiệm về việc học với bản thân, gia đình và xã hội”ông Lý nói.
Theo ông Lý, đáng chú ý là có nhiều sinh viên từng là học sinh giỏi các cấp, nhưng khi vào đại học lại không thể trụ được, bị buộc thôi học do thiếu kỹ năng, lười…
“Điểm chung là do chọn sai ngành, sai trường, sai bậc học, chọn nghề không đi cùng với năng lực sở trường. Có những em chưa hiểu và ý thức được mình phù hợp với nghề/ngành nào” – ông Lý nói.
Vì vậy, ông Lý cho rằng cần đẩy mạnh hướng nghiệp ngay từ khi còn ở phổ thông và xem đây là nhiệm vụ thường xuyên. Bên cạnh đó, công tác dự báo nhu cầu nguồn nhân lực phải có những con số cụ thể.
Ông Phùng Quán, Trưởng phòng Thông tin và Truyền thông, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM, cho rằng hiện nay học sinh có xu hướng vào các ngành Kinh tế, Tài chính, Quan hệ quốc tế, Truyền thông, Báo chí, Công nghệ Thông tin, Công nghệ sinh học… Tuy nhiên, nhiều ngành khác mà xã hội có nhu cầu lại ít được quan tâm. Vì vậy, các thí sinh cần cân nhắc kĩ khi đăng ký xét tuyển, vì đây là cơ hội sau 4 năm học.
Bên cạnh đó, sau khi trúng tuyển đại học, sinh viên cần trau dồi kiến thức chuyên môn, rèn luyện các kỹ năng, ngoại ngữ để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, của xã hội…
Lê Huyền/ VNN