+
Aa
-
like
comment

Về vấn đề phân cấp, phân quyền cho TP.HCM

16/02/2024 11:31

Đến nay, Nghị quyết 98 (NQ98) về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM đã triển khai được 6 tháng. Đã có rất nhiều vấn đề được nhắc đến, nhiều hành động đã được triển khai. Dù chặng đường chưa đi được lâu, nhưng đến nay, TPHCM đã đạt được những gì và còn đang vướng mắc điều gì?

Những kết quả đã đạt được

Theo thống kê mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong tháng 1-2024, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 2,36 tỉ USD, tăng 40,2% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, có 190 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 24,2% so với cùng kỳ, với tổng vốn đăng ký đạt hơn 2 tỉ USD. Trong đó, TPHCM dẫn đầu cả nước cả về số dự án mới khi chiếm tới 42,1%. Tốc độ tăng trường kinh tế của TPHCM cũng đã đạt hơn 9,5%, vượt qua mục tiêu đề ra là 8%.

Nhiều dự án đầu tư công của TPHCM được đẩy nhanh tiến độ.

Bên cạnh đó, tiến độ giải ngân đầu tư công của TPHCM là lĩnh vực được xem là đạt nhiều chuyển biến tích cực khi vận hành theo NQ98. Đến hết năm 2023, TPHCM đã giải ngân 86,2% kế hoạch, tăng hơn 12% so với cùng kỳ năm trước. Và chỉ trong 2 tháng đầu năm 2024, con số này đã đạt 12,5%, báo hiệu một năm hiệu quả cho đầu tư công của TPHCM, nhất là khi thành phố đang triển khai nhiều dự án trọng điểm, mang tính huyết mạch với kinh tế quốc gia như dự án siêu cảng Cần Giờ, vành đai 3 v.v..

Hay như vừa qua, việc thí điểm thu phí vỉa hè tại một số quận trên địa bàn đến nay đã đạt được những kết quả bước đầu. Trước đây, vấn đề thu phí nhằm tăng nguồn thu ngân sách cũng như tạo ra sân chơi công bằng cho các tiểu thương tuy được đề cập, bàn luận nhưng vẫn nhiều năm “nằm trên bàn giấy”.

Siêu cảng Cần Giờ.

Đến nay, kế hoạch thu phí vỉa hè về cơ bản đã hoàn thiện và chính thức vận hành từ đầu năm 2024. Điều đáng chú ý là dù từng bị e ngại sẽ gặp không ít trở ngại, vướng mắc khi triển khai, việc thu phí vỉa hè hóa ra đã được đưa vào vận hành một cách trơn thu và thông suốt, khiến nhiều người không khỏi bất ngờ.

Ở mặt hành chính, Tiến sĩ Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng tư vấn thực hiện NQ98, cho biết TPHCM đã ổ chức sắp xếp lại bộ máy cấp xã, tăng số lượng phó chủ tịch UBND cho các huyện, xã đông dân. Một nội dung giúp tạo động lực cho cán bộ viên chức thành phố là chính sách chi thu nhập tăng thêm cũng được thực hiện.

Và những khúc mắc

Một trong những vấn đề được nhắc đến nhiều nhất khi thực hiện NQ98 là việc phân cấp, phân quyền cho TPHCM. Quả thực, trong suốt thời gian thực hiện NQ98, phân cấp, phân quyền dường như luôn là một khúc mắc lớn cho TPHCM. Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi từng cho hay trong quá trình cụ thể hóa nghị quyết 98, khi trao đổi giữa TP với các bộ ngành vẫn còn tâm lý “việc này mới chưa có quy định”. Điều này cho thấy cần có sự đổi mới về cách nghĩ, cách làm, không chỉ ở TPHCM và ngay cả ở các cấp bộ, ngành.

Trong cuộc họp gần đây với Ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 98, TS. Trần Du Lịch từng nhận xét cơ chế đặc thù mới chỉ cho TP HCM một nửa quyền. Theo ông, Quốc hội giao cho Chính phủ ban hành một số nghị định và TP HCM đang bị nợ nghị định phân cấp phân quyền, điều này khiến việc thực hiện các cơ chế đặc thù bị vướng.

Đơn cử như chủ trương đầu tư, thu hút nhà đầu tư chiến lược các dự án nhưng quy trình thủ tục phải chờ ý kiến bộ ngành và tuân thủ theo Luật Đầu tư. Tình trạng “một nửa quyền” như vậy đang khiến TPHCM khó có thể tự chủ trong hoạt động và có nguy cơ khiến NQ98 không thể phát huy vai trò của nó.

Hiểu được điều này, ngay từ đầu năm nay, Chính phủ đã ban hành hai nghị định gồm quản lý cán bộ, công chức cấp xã tại TP HCM và hướng dẫn thực hiện hợp đồng BT, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân liên quan các hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong các lĩnh vực ưu tiên của thành phố.

Trong cuộc họp lần 2 của Ban Chỉ đạo triển khai NQ98, Thủ tướng Chính phủ cũng từng thẳng thắn chỉ rõ và đề nghị các bộ nói rõ tiến độ, vướng mắc dẫn đến các việc Thủ tướng giao chưa xong, đề nghị Bộ Nội vụ nói rõ về việc xây dựng nghị định phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực cho TP.HCM thay thế nghị định 93 năm 2021.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên trước phiên họp lần 2 của Ban Chỉ đạo triển khai NQ98.

Thủ tướng nói: “Với các bộ ngành, tôi đề nghị phân cấp hết, đừng ôm vào làm gì. Tôi nói rồi, cứ cơ chế xin cho lại tạo môi trường phát sinh tiêu cực. Rồi cứ xin xin, cho cho rồi lại thanh tra, kiểm tra, điều tra, lại mất cán bộ”.

Những phát biểu và chỉ đạo của Thủ tướng cho thấy việc phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho TPHCM không chỉ là mong muốn của riêng người dân và chính quyền TPHCM mà là chủ trương, tầm nhìn chung của Chính phủ và toàn thể hệ thống chính trị.

Tuy nhiên, việc phân cấp, phân quyền vẫn cần có thêm thời gian để thực sự hiệu quả và đi vào thực tiễn. Quan trọng nhất, theo TS Lịch, là sớm ban hành nghị định phân cấp phân quyền cho thành phố. Tiếp đến là bổ sung cảng trung chuyển Cần Giờ vào quy hoạch cảng biển, thúc đẩy xây dựng đề án Trung tâm tài chính quốc tế đặt tại TP HCM và cuối cùng là sớm triển khai Kết luận 49 của Bộ Chính trị về xây dựng đường sắt đô thị giai đoạn từ nay đến 2035.

Phân cấp quản lý Nhà nước cho TP.HCM là một chủ trương quan trọng, cần thiết để phát huy tiềm năng và thế mạnh của thành phố. Việc thực hiện phân cấp cần được thực hiện một cách mạnh mẽ, rõ ràng và nhanh chóng để đạt hiệu quả cao nhất.

Hạnh Văn

Bài mới
Đọc nhiều