Về tuyên bố của Trung Quốc “sẽ đánh xuống Hà Nội trong vòng 1 tuần”
Với Chiến tranh biên giới Việt – Trung 1979, chính quyền Bắc Kinh từng tuyên bố “dạy cho Việt Nam một bài học”, thậm chí là “bóp chết” Việt Nam, chiếm Hà Nội trong vòng một tuần. Tuy nhiên, cuộc chiến này từng bị chính người Trung Quốc coi là nỗi ô nhục, vết nhơ lịch sử.
Xung đột biên giới 1979 gây tổn hại nghiêm trọng đến chính uy tín, hình ảnh của Trung Quốc trên thế giới, khi những kẻ chuyên áp bức, phi chính nghĩa, lại ảo tưởng có thể đè bẹp, khuất phục một dân tộc Việt Nam yêu hòa bình. Trong khi đó, Việt Nam đã chứng minh được tinh thần chính nghĩa, sức mạnh vô địch của quân đội Hồ Chí Minh, sự đoàn kết của toàn dân tộc khi lần lượt chiến thắng cả hai Đế quốc Pháp, Mỹ, giúp Campuchia đánh đuổi Pol Pot và đẩy lùi âm mưu thâm độc của chính quyền Bắc Kinh.
Chiến tranh biên giới Việt – Trung 1979 và quyết tâm “dạy cho Việt Nam một bài học”
Chiến tranh biên giới Việt – Trung 1979 là cuộc chiến tuy ngắn ngủi nhưng khốc liệt, nổ ra vào ngày 17 tháng 2 năm 1979 khi chính quyền Trung Quốc quyết định tấn công xâm lược Việt Nam trên toàn tuyến biên giới phía Bắc giữa hai nước. Trung Quốc luôn nói về chiến tranh biên giới Việt – Trung là “phản công tự vệ”, chống lại sự xâm lược của Việt Nam. Tuy nhiên, dư luận quốc tế hiểu rất rõ luận điệu này của chính quyền Bắc Kinh.
Việt Nam với truyền thống yêu hòa bình, tự do, không bao giờ đi gây hấn. Hà Nội luôn muốn đối thoại hòa bình, chung sống hòa thuận với tất cả các quốc gia láng giềng và giữ quan hệ hòa hảo với bạn bè quốc tế. Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác, nhưng người Việt không bao giờ chùn bước trước bất cứ kẻ thù nào có âm mưu xâm lược, lăm le bờ cõi.
42 năm sau chiến tranh biên giới phía Bắc, Việt Nam đã chứng minh được sức mạnh dân tộc, tinh thần đoàn kết và chiến lược ngoại giao thông minh khôn khéo. Tuy nhiên, quan hệ Việt – Trung vẫn còn nhiều bất đồng chưa thể giải quyết, tuy nhiên, lãnh đạo hai nước nên nhìn về tương lai, vì lợi ích và sự thịnh vượng chung để đưa ra quyết sách. Trung tướng Nguyễn Quốc Thước từng chia sẻ rằng, giới lãnh đạo của Trung Quốc vào thời điểm đó đã “mượn tay” quân diệt chủng Khmer Đỏ Pol Pot để thực hiện một âm mưu khác với Việt Nam.
Vị tướng nổi tiếng trong chiến tranh biên giới Tây Nam từng khẳng định, Việt Nam này không gây hấn hay xâm lược ai, ngược lại hay bị xâm lược và buộc phải đứng lên chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, hay như người ta thường nói “chính kẻ thù buộc ta ôm cây súng”. “Đến lúc Trung Quốc thực hiện tuyên bố “dạy cho Việt Nam một bài học”, thì chúng tôi mới hiểu ra rằng, hai cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam trên hai mặt trận, biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, là cùng một kịch bản”, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước bày tỏ.
Đáp lại tuyên bố của chính quyền Bắc Kinh rằng, Trung Quốc “chỉ tự vệ”, Tướng Thước khẳng định, Việt Nam đã giảm quân số sau kháng chiến chống Mỹ Đế quốc từ những năm 1976, 1977 để bớt gánh nặng cho nền kinh tế, quân số cũng không đủ biên chế như trước, với lực lượng mỏng như vậy, Việt Nam lấy đâu ra quân mà “đánh” Trung Quốc để họ tạo ra luận điệu về chiến tranh biên giới 1979 là “phản kích tự vệ”.
Còn về quyết tâm “dạy cho Việt Nam một bài học” của nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình ở thời điểm đó được báo chí Trung Quốc dẫn lại, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cho rằng, nguyên nhân cơ bản hơn là có nhóm lãnh đạo trong Đảng Cộng sản Trung Quốc không muốn thấy một Việt Nam hùng mạnh hơn trong vai trò quốc gia láng giềng ngay bên cạnh.
Một nguyên nhân khác kích động sự hận thù, gây hấn của chính quyền Bắc Kinh, theo nhiều ý kiến chuyên gia, chính là việc Việt Nam và Liên Xô ký kết Hiệp ước tương trợ năm 1978.
Ảo tưởng “bóp chết” Việt Nam và chiếm Hà Nội trong vòng một tuần
Tham vọng muốn “bóp chết” Việt Nam bằng nhiều gọng kìm, âm mưu được giới cầm quyền Bắc Kinh lên kế hoạch kỹ càng. Trong khi đó, kế hoạch đánh nhanh, thắng nhanh, chiếm nhanh Hà Nội trong vòng một tuần là ảo tưởng của Túc Dụ, lãnh đạo quân sự cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc, người từng được Mao Trạch Đông coi là một trong những tư lệnh giỏi nhất của Quân đội PLA.
Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt, đã nhắc lại chuyện Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc Túc Dụ từng khoe khoang ba hoa rằng, chỉ cần một phần lực lượng của các quân khu Quảng Châu và Côn Minh là đủ để và đốt sạch, phá sạch, chiếm gọn Hà Nội trong vòng một tuần trong một bài viết của mình trên tờ Trí Thức Trẻ. Tuyên bố của Thứ trưởng Túc Dụ được đưa ra tại Kỳ họp thứ ba Đảng Cộng sản Trung Quốc cuối tháng 12/1978.
Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt được giới cầm quyền Trung Quốc đưa ra chính là “đánh nhanh, thắng nhanh, đốt sạch, phá sạch” với sự hỗ trợ của hai Đại quân khu Quảng Tây và Côn Minh với hơn 600 ngàn binh lính cùng hàng ngàn phương tiện chiến tranh hiện đại khác. Bắc Kinh dùng chiến thuật giao chiến “ngưu đao sát kê” – dùng dao mổ trâu để giết gà với sự ảo tưởng về binh lực áp đảo. Âm mưu và ảo tưởng muốn “bóp chết Việt Nam” được hiện thực hóa thông qua cắt đứt viện trợ, ngăn cản thông thương, dựng lên vụ “nạn kiều” phá hoại sự ổn định kinh tế – xã hội của Việt Nam, chính quyền Bắc Kinh còn tăng cường hỗ trợ cho quân diệt chủng Khmer Đỏ chống phá Việt Nam ở biên giới Tây Nam, tạo thành thế gọng kìm. Tuy nhiên, dưới sự kháng cự kiên cường và mưu trí sáng tạo của quân đội và nhân dân Việt Nam, các mũi tấn công của Trung Quốc đều bị chặn. Quân đội Trung Hoa hầu như không thể sử dụng lực lượng ở quy mô sư đoàn mà chỉ chia nhỏ đội hình và buộc phải thay đổi chiến thuật. Chuyện ảo tưởng “chiếm Hà Nội chỉ mất môt tuần” nhanh chóng tiêu tan khi quân Trung Quốc bị cầm chân suốt 16 ngày ở thị xã Lạng Sơn, cách xa Hà Nội.
Trận chiến để lại nỗi ô nhục trong lịch sử Quân giải phóng PLA
Trong chiến tranh biên giới phía Bắc từng có một trận chiến mà nguyên một đại đội sơn cước của Trung Quốc xin đầu hàng bộ đội Việt Nam. Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt dẫn bài báo đăng trên trang mạng “Chiến lược” của Trung Quốc (Chinaiiss.com) mang tên “Trận chiến nhục nhã nhất” đánh giá đây là sự kiện ô nhục trong lịch sử quân đội PLA. Sự kiện được báo chí Trung Quốc nhắc đến liên quan đến việc nguyên đại đội sơn cước của Trung Quốc xin tự ra hàng Quân đội Việt Nam, là kết quả của bản nghị quyết chi bộ “độc nhất vô nhị” trong Lịch sử chiến tranh thế giới cũng như Lịch sử Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA).
Theo đó, đại đội sơn cước này thuộc Trung đoàn bộ binh 448, Sư đoàn 150, Quân đoàn 50, Quân khu Thành Đô do đại đội trưởng Lý Hòa Bình, chính trị viên Phùng Tăng Mẫn chỉ huy được giao nhiệm vụ lợi dụng địa hình rừng núi, luồn sâu vào đất Việt Nam. Mục đích của phía Trung Quốc là nhằm nắm tình hình trinh sát, phương án bố trí phòng bị khu vực biên giới, phối hợp tác chiến khi đại quân PLA kéo sang, đồng thời, nếu có thời cơ thì tập kích tiêu diệt đối phương.
Tuy nhiên, một ngày cuối tháng 2/1979, đại đội này với quân số hơn 100 người, được trang bị đầy đủ, cắt phương vị bản đồ thâm nhập sâu vào địa bàn huyện Nguyên Bình, Cao Bằng. Theo lời khai của lính trong đại đội, do sử dụng bản đồ quá cũ, được vẽ từ những năm 50 của thế kỷ XX với công nghệ lạc hậu nên khi thâm nhập sâu vào đất liền Việt Nam, có quá nhiều khác biệt nên đã rơi vào tình trạng bị mất phương hướng. Sau đó, đại đội sơn cước này của lính PLA phát hiện mình bị quân Việt Nam bao vây từ cả bốn phía ở ngọn núi đá ở khu vực Minh Tâm, Nguyên Bình, Cao Bằng.
Lực lượng lính Trung Quốc này khi đó lâm vào tình thế hết sức nguy cấp, lương thực cạn kiệt, nguồn nước uống dưới chân đồi bị phía dân quân Việt Nam kiểm soát, xông ra “mở đường máu” quay về phái Trung Quốc thì chắc chắn xác định thương vong nên sau nửa ngày bàn bạc, thảo luận, như lời khai sau này, Chi bộ của đại đội sơn cước đã ra nghị quyết hành động. Theo đó, cả đám lính sơn cước Trung Quốc ra đầu hàng tập thể để bảo toàn tính mạng và lực lượng. Quân và dân Việt Nam với lòng khoan dung đã chấp nhận yêu cầu xin đầu hàng của lính Trung Quốc, tránh giao tranh đổ máu, thu lại toàn bộ trang bị của đại đội và sau đó được trưng bày ở triển lãm về Chiến tranh biên giới phía Bắc Việt Nam.
Chiến tranh biên giới Việt – Trung có sự “nhúng tay” của Mỹ?
Trả lời phỏng vấn nhà báo Alexei Syunnerberg của Sputnik Việt Nam về cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc 1979, Giám đốc Viện Hồ Chí Minh thuộc trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Saint – Petersburg, Giáo sư Vladimir Kolotov nhận định, cuộc xâm lược của quân Trung Quốc hồi tháng 2/1979 có sự liên quan của cả Hoa Kỳ. Theo Giáo sư Vladimir Kolotov, sau thất bị cay đắng trong chiến tranh Việt Nam, ngay từ năm 1972, Mỹ đã đề nghị Trung Quốc “bình thường hóa” quan hệ song phương với điều kiện phải bài xích Xô Viết và chính quyền Bắc Kinh đã gật đầu đồng thuận.
“Sau đó, có giao kèo Mỹ-Trung về việc chuyển phần phía đông quần đảo Hoàng Sa cho Trung Quốc, còn phần phía tây của quần đảo này thì Trung Quốc đã chiếm của Việt Nam từ trước đó. Và cuối cùng, vào tháng 1 năm 1979, tại Hoa Kỳ, phái đoàn Trung Quốc đã đạt được sự im lặng làm ngơ với diễn đạt chữ nghĩa là “thái độ trung lập” của Washington trong trường hợp Trung Quốc bắt đầu cuộc chiến tranh chống Việt Nam”, Giám đốc Viện Hồ Chí Minh thuộc trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Saint – Petersburg cho biết.
Theo ông Vladimir Kolotov, những gì diễn ra 40 năm trước, chứng tỏ rằng, sau khi Việt Nam đánh bại Mỹ, Washington đã “tìm cách trả thù” bằng cách mượn tay chính người Trung Quốc. Cũng chính thời điểm này, như những năm tháng chiến tranh Việt Nam, Liên Xô lại một lần nữa giúp đỡ Hà Nội trên nhiều phương diện. Điển hình như, nhóm chuyên gia-cố vấn quân sự Xô viết được phái sang Hà Nội, QĐND Việt Nam được cung cấp những loại vũ khí mới. Tổ hợp lớn các tàu chiến Xô-viết tập trung tại khu vực Biển Đông, ngăn chặn không cho hạm đội Nam của Trung Quốc tham gia cuộc xâm lược. Vị chuyên gia cũng lưu ý về chủ tâm gieo rắc sự nghi ngờ giữa chính quyền Việt Nam và Trung Quốc ngay cả trước thời điểm bùng nổ cuộc chiến hồi tháng 2/1979.
Theo GS Kolotov, chính nhờ sự phê duyệt của chính quyền Mỹ, chính quyền Quốc dân Đảng (Đài Loan) của Trung Quốc vào năm 1947 đã phát triển khái niệm tuyến đường lưỡi bò (11 đoạn), trở thành cẩm nang chỉ dẫn hành động cả cho CHND Trung Hoa. “Thế nhưng bây giờ Hoa Kỳ tác giả thực thụ của khái niệm này lại lên mặt đạo đức giả, cao giọng chỉ trích Bắc Kinh về việc thực thi khái niệm, cố gắng kiếm điểm ngoại giao với Hà Nội và lợi dụng Việt Nam như yếu tố răn đe Trung Quốc trên Biển Đông, nơi chính người Mỹ đã nhử Trung Quốc bành trướng”, vị chuyên gia nhấn mạnh.
Bài học từ chiến tranh biên giới 1979: Việt Nam không nên để mắc mưu
Đại tá Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh từng phát biểu rằng, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào thì hòa bình vẫn là thứ quý giá nhất. Chiến tranh biên giới 1979 kết thúc thực sự, Việt Nam mới có thể tiếp tục sự nghiệp đổi mới, có những chính sách lâu dài bền vững để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống và có một vị thế mới trên trường quốc tế. Tuy nhiên, theo vị chuyên gia, điều này không đồng nghĩa với việc những trang sử về chiến tranh biên giới đã khép lại.
“Lịch sử bản chất là sòng phẳng, khách quan, cái gì đã xảy ra rồi cũng có lúc sẽ được đặt lại trên bàn cân lịch sử để luận định. Chúng ta nhìn lại chiến tranh biên giới, trước hết là để học bài học cho chính mình, cái gì lẽ ra đã có thể tránh được, cái gì cần nhớ để nhắc lại cho thế hệ sau”, Đại tá Nguyễn Mạnh Hà nhấn mạnh.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cũng chia sẻ quan điểm này, ông cho rằng, để tránh lặp lại những xung đột không dân tộc nào mong muốn, cần gác lại quá khứ nhưng không lãng quên quá khứ. Ngược lại, cả hai bên cần nhìn nhận, đánh giá nó một cách khoa học, khách quan và cầu thị. “Không thể có hòa bình hữu nghị lâu dài, tin cậy lẫn nhau một khi Trung Quốc vẫn đánh tráo bản chất cuộc chiến tranh xâm lược thành cái gọi là “phản kích tự vệ” như cách họ tuyên truyền cho người dân nước này”, tướng Thước nhấn mạnh.
GS.Đỗ Tiến Sâm, Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam dẫn chứng rằng, trong lịch sử, Việt Nam là quốc gia bị Trung Quốc xâm lược nhiều nhất trong số các nước láng giềng của họ. “Chỉ trong vòng 10 năm từ 1979-1988, Trung Quốc đã hai lần dùng vũ lực xâm lược Việt Nam cả trên đất liền và trên biển. Vì vậy, Việt Nam cần nghiên cứu để có biện pháp ứng phó với chiến lược “ba nhanh chóng” (phát triển biên cương phía Bắc, xây dựng cường quốc biển ở phía Đông và kết nối chiến lược “vành đai, con đường” với Lào – Campuchia ở phía Tây Việt Nam) của Trung Quốc”, vị chuyên gia nói. Cùng với xây dựng đất nước giàu mạnh, có tiềm lực quân sự vững vàng, đủ khả năng bảo vệ mình, Việt Nam cũng nên tranh thủ sự ủng hộ của dư luận yêu công lý quốc tế để hóa giải xung đột, đa dạng, đa phương hóa quan hệ quốc tế.
Trong khi đó, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân, nguyên Phó Viện trưởng Chiến lược, Bộ Quốc phòng cho rằng, trong thế đối đầu, cạnh tranh Mỹ – Trung, Việt Nam không nên để “mắc mưu”, bị đẩy lên tuyến đầu chống Trung Quốc trên Biển Đông và rơi vào thế kẹt giữa các nước lớn.
TS. Nguyễn Minh Hòa cho rằng, nên có bảo tàng hay phòng trưng bày trong bảo tàng đầy đủ chứng tích, hiện vật và sự thật về chiến tranh biên giới phía Bắc. “Sự thật lịch sử thì không ai được phép lãng quên. Bởi phải thấu hiểu chiến tranh mới cảm nhận trọn vẹn giá trị của hòa bình, phải am tường quá khứ mới hội đủ sức mạnh để hướng tới tương lai”, TS. Nguyễn Minh Hòa nhấn mạnh. Sự vô địch, “bách chiến bách thắng” của quân đội Việt Nam tuyệt đối không phải là thần thoại, bởi chỉ cần nhìn thẳng vào lịch sử, khoa học xã hội cách mạng tối thiểu để chứng minh. Quân đội Nhân dân Việt Nam đã đánh bại cả hai Đế quốc lớn là Pháp và Mỹ, người Việt Nam chưa hề đầu hàng trước bất cứ kẻ thù nào dù mạnh và tàn bạo đến đâu.
Chiến tranh biên giới Việt–Trung 1979: Campuchia chỉ là cái cớ
Sau hàng loạt các vụ khiêu khích quân sự nhỏ, từ ngày 17/2/1979, Trung Quốc đã huy động quân đội, tăng thiết giáp, pháo…tiến vào xâm lược Việt Nam trên toàn biên giới phía Bắc từ Phong Thổ (Lai Châu) đến Móng Cái (Quảng Ninh). Những mục tiêu mà Trung Quốc nhắm đến khi tấn công Việt Nam, theo TS. Trần Hữu Huy, Hội viên Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam từng nêu trong bài viết của TTXVN gồm: buộc quân tình nguyện Việt Nam phải rút khỏi Campuchia; tranh thủ sự ủng hộ của các nước lớn (có cả Hoa Kỳ) để giúp Trung Quốc thực hiện “4 hiện đại hóa”; phá hoại tiềm lực Việt Nam, hạ uy thế Việt Nam trên trường quốc thế sau chiến thắng chống Mỹ; thị uy với Đông Nam Á, thăm dò phản ứng của Liên Xô và thế giới.
Các chỉ huy quân sự phía Trung Quốc cho rằng, với lực lượng, vũ khí trang bị chiếm ưu thế áp đảo, quân Trung Quốc sẽ nhanh chóng loại bỏ tuyến phòng thủ biên giới của Việt Nam. Thêm vào đó, một số lướng lớn quân nhân trong Quân đội Việt Nam đang làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, nên việc tăng cường cho mặt trận biên giới phía Bắc sẽ rất khó khăn. Do đó, Bộ Chỉ huy Trung Quốc quyết định nhanh chóng đánh chiếm một số thị xã, địa bàn quan trọng, sau đó tính việc tiến sâu vào nội địa Việt Nam.
Chiến lược của Trung Quốc là kết hợp đánh chính diện với vu hồi, thọc sâu, bao vây, chia cắt; phối hợp giữa bộ binh, xe tăng, xe bọc thép và pháo binh, thực hiện đánh phá triệt để toàn diện một cách cực kỳ tàn khốc. Mặc dù vậy, Trung Quốc đã gặp phải sự giáng trả quyết liệt từ phía Việt Nam.
Ngay sau khi kháng chiến chống Mỹ thắng lợi, thống nhất hai miền nam bắc (năm 1975), nhiều đoàn đại biểu cấp cao Đảng và Nhà nước Việt Nam (trong đó có cả Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Duẩn) đã sang thăm Trung Quốc, khẳng định Việt Nam luôn ghi nhớ và biết ơn sâu sắc Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc vì những sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn cả về chính trị, vật chất lẫn tinh thần trong hai cuộc kháng chiến cứu nước. Việt Nam khẳng định luôn coi trọng việc giữ gìn quan hệ láng giềng hữu nghị hợp tác với Trung Quốc.
Trước những căng thẳng, xung đột vũ trang nhỏ lẻ ở biên giới năm 1978-1979, Việt Nam vẫn kiên trì kêu gọi Chính phủ Trung Quốc đàm phán giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn tiếp tục chủ trương tấn công Việt Nam, cắt toàn bộ viện trợ đã cam kết, đặt ra những đòi hỏi vô lý khi đàm phán (yêu cầu Việt Nam phải rút Quân tình nguyện khỏi Campuchia, có quy chế riêng bảo đảm quyền lợi người Việt gốc Hoa ở miền Nam Việt Nam…), kết hợp tuyên truyền vu cáo “Việt Nam xâm lược Campuchia,” “Việt Nam lấn chiếm đất đai, quấy rối biên cương phía Nam Trung Quốc”.
Do đã lường trước nguy cơ chiến tranh, ngay từ cuối năm 1978, Việt Nam đã khẩn trương tăng cường lực lượng củng cố tuyến phòng thù biên giới phía Bắc. Ngày 17/2/1979, Chính phủ Việt Nam ra thông cáo nêu rõ nhà cầm quyền Trung Quốc đang đi ngược lại lợi ích của nhân dân, phá hoại nghiêm trọng tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân hai nước, khẳng định quân và dân Việt Nam không có con đường nào khác là thực hiện quyền tự vệ chính đáng của mình để đánh trả.
Ban đầu, Việt Nam chủ trương không tập trung lực lượng dự bị chiến lược vào quyết chiến sớm, cũng không vội rút lực lượng chủ lực cơ động phía Nam ra, mà phát huy sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân địa phương, sử dụng lực lượng tại chỗ của Quân khu 1, Quân khu 2 là chính, có sự bổ sung một bộ phận lực lượng từ tuyến sau lên tăng cường. Sau 10 ngày chiến đấu, bộ đội Quân khu 1, Quân khu 2 và nhân dân Việt Nam tại các tỉnh biên giới phía Bắc đã chiến đấu rất anh dũng, tiêu diệt nhiều sinh lực, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh, làm chậm ý định “đánh nhanh, chiếm nhanh” của quân Trung Quốc, buộc đối phương phải tung lực lượng dự bị chiến lược vào tham chiến. Do có ưu thế quân đông, nhiều vũ khí trang bị kỹ thuật, quân Trung Quốc từng bước tiến sâu vào lãnh thổ Việt Nam, lần lượt chiếm một số địa bàn, thị xã quan trọng như: Lào Cai (19/2), Cao Bằng (24/2), Cam Đường (25/2), Lạng Sơn (5/3),….
Để đối phó, Việt Nam sử dụng các binh đoàn chủ lực mạnh, sẵn sàng mở những chiến dịch phản công quy mô lớn của binh chủng hợp thành. Tháng 3/1979, Quân đoàn 2 đang làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia được lệnh nhanh chóng chuyển toàn bộ lực lượng về phía Bắc tập kết. Ngoài ra, Quân đoàn 5 cũng được thành lập vào ngày 2/3/1979 ngay tại mặt trận biên giới (gồm bốn sư đoàn bộ binh: 3, 338, 327, 337 cùng một số đơn vị kỹ thuật và bảo đảm khác). Chủ lực của Quân đoàn 1, Quân chủng Phòng không-Không quân và các binh chủng kỹ thuật khác sẵn sàng tham gia chiến đấu. Ngày 4/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam quyết định tổng động viên lực lượng bảo vệ Tổ quốc, thông qua kế hoạch tác chiến chiến lược.
Vừa chịu tổn thất nặng nề, lại bị dư luận quốc tế lên án mạnh mẽ, tối 5/3/1979, phía Trung Quốc tuyên bố rút quân về nước. Với thiện chí hòa bình, mong muốn khôi phục quan hệ hữu nghị giữa hai nước, lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam đã cho dừng chiến dịch phản công, tạo điều kiện cho quân Trung Quốc rút về. Ngày 18/3/1979, Trung Quốc hoàn tất việc rút quân khỏi Việt Nam. Như chính một học giả Trung Quốc từng thừa nhận, chiến thắng của Việt Nam là tất yếu vì một bên đại diện cho chính nghĩa, sự kiên cường vùng dậy của người bị áp bức, trí tuệ và ý chí của người làm cách mạng, còn một bên đại diện cho kẻ đi áp bức, phản cách mạng và phi chính nghĩa mà muôn đời, tà có bao giờ thắng được chính?
TH