+
Aa
-
like
comment

Về Nghị quyết chấm dứt những tranh cãi không hồi kết

Khánh Đăng - 17/06/2022 12:25

Chiều ngày 16/6, Quốc hội đã nhất trí thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 3, Quốc Hội khóa XV với nhiều nội dung quan trọng. Trong đó, nổi bật hơn cả là việc xác định vị trí, vị thế của môn “Lịch sử” trong tổng thể chương trình giáo dục THPT. Sự kiện này có ý nghĩa rất lớn, bởi nó đã một lần nữa chứng minh được sức mạnh của lòng dân, vai trò của dư luận xã hội trước những thay đổi không phù hợp. Thật không sai khi nói rằng, vào lúc Tổng Thư ký Quốc Hội Bùi Văn Cường tuyên bố “Lịch sử là môn học bắt buộc”, đó cũng là lúc “Lịch sử” đã làm nên lịch sử!

Nghị quyết của Quốc hội xác định Lịch sử là môn học bắt buộc

Chưa bao giờ kể từ khi lập nước cho đến nay, một môn học lại trở thành tâm điểm của các cuộc tranh luận sôi nổi với đủ trình độ và thành phần xã hội cùng tham gia. Từ giới trí thức vốn luôn phải đối diện với con chữ, cho đến người bình dân chỉ lo cái ăn cái mặc thường ngày, ai cũng canh cánh nỗi lo cho dân tộc. Chưa bao giờ trong lịch sử Việt Nam, hàng loạt cuộc họp, hội nghị, hội thảo đã được triển khai chỉ để xác định vị trí và vai trò của một môn học. Và cũng chưa bao giờ trong lịch sử lập hiến, lập pháp của nền cộng hòa nước Việt, Quốc hội đã phải tuyên bố cùng một vấn đề tận hai lần (2015, 2022): Trả lại đúng vị trí của “Lịch sử” với tư cách là một môn học bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông.

Môn “Lịch sử” đã trải qua bao thăng trầm cùng làn sóng cải cách, cải tiến giáo dục. Và cũng chính sự thăng trầm ấy, theo năm tháng, đã tích tụ lại và làm cho sự kiện 16/6 càng thêm ý nghĩa. Bởi trước hết, sự kiện ấy đã chấm dứt những tranh cãi từ bấy lâu nay, một cuộc tranh cãi vừa lạ lùng, hài hước và đáng kinh ngạc. Lạ lùng là vì mức độ phủ sóng của nó trên các phương tiện thông tin đại chúng là cực lớn, cũng như sự vào cuộc của các cơ quan quyền lực nhà nước vào một môn học là điều chưa từng có tiền lệ. Hài hước là vì những suy nghĩ rất thực dụng của một bộ phận không nhỏ trong xã hội, chỉ thấy cái lợi trước mắt mà không thấy cái hại dài lâu. Và cuối cùng, kinh ngạc là vì sau bao năm, sự nghiệp cải cách, đổi mới giáo dục ở nước ta vẫn còn nhiều bất cập. Trong đó, bất cập lớn nhất nằm ở sự lúng túng của các bộ, ban, ngành trước tình thế lưỡng nan giữa cải cách, đổi mới với những yêu cầu chung của dân tộc. Vì lẽ đó, Quốc hội đã chấm dứt những tranh cãi vô bổ, không hồi kết này bằng một nghị quyết lịch sử.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: “Vũ khí để bảo vệ Tổ quốc không chỉ là súng ống đạn dược, mà còn là những giá trị của lịch sử dân tộc”

Lịch sử là quá khứ, nhưng đó không phải là những kiểu quá khứ giản đơn, mà là những sự kiện, những con người đã làm nên những thay đổi lớn lao cho cộng đồng, cho dân tộc. Với Việt Nam, chúng ta không thiếu những sự kiện và con người như thế. Vì lịch sử của dân tộc này đã trải qua mọi cung bậc của yêu thương và thù hận. Từ những chiến thắng vẻ vang trước bao kẻ thù xâm lược, cho đến những đêm dài dằng dặc của kiếp vong nô, chưa điều gì mà người Việt chưa từng trải. Do đó, lịch sử, với chúng ta – người Việt, không chỉ là quá khứ, nó còn là bài học. Học lịch sử không đơn thuần chỉ là học về những sự kiện và các con số, mà phải gợi được trong lòng mỗi người lòng yêu nước, niềm yêu thương và sự biết ơn đến mọi thế hệ người Việt Nam đã hy sinh xương máu, mồ hôi và hạnh phúc cá nhân để ngày nay chúng ta có được hòa bình.

Một con người mà không biết gì về lịch sử của dân tộc mình, không hiểu và cảm được những mất mát của tiền nhân thì không thể là một con người tử tế. Bởi kẻ mất gốc thì bao giờ cũng có thể đánh đổi mọi thứ để mưu cầu danh lợi, và tất nhiên, chúng ta không thể trông đợi gì ở họ (ngay cả khi họ có tài năng). Nếu không có sự vào cuộc kịp thời của các cơ quan, ban ngành trong thời gian vừa qua, và nếu như không có những phản ứng mạnh mẽ của dư luận xã hội như chúng ta đã thấy, có lẽ, một thế hệ “mất gốc” sẽ ra đời trên cơ sở của một chương trình giáo đục THPT với “Lịch sử” là môn tự chọn.

Tuy nhiên, việc trả lại đúng vị trí của môn “Lịch sử” không có nghĩa là mọi thứ trở lại như cũ. Tất cả buộc phải thay đổi, từ khâu thiết kế chương trình, tổ chức giảng dạy cho đến việc đánh giá, kiểm tra. Sự xuất hiện của một chương trình học vắng bóng môn sử có nguyên nhân trực tiếp từ những hạn chế của chính quá trình dạy và học lịch sử từ nhiều năm qua. Thực trạng ấy ngày càng trở nên đáng báo động. Đương nhiên là còn rất nhiều nguyên nhân khác nữa, nhưng nếu không có cơ sở từ sự chán nhán môn học này của nhiều cô cậu học sinh thì một chương trình học phi dân tộc kia sẽ không có điều kiện ra đời. Vì thế, chúng ta cần phải có một sự thay đổi toàn diện và mạnh mẽ. Không chỉ là mỗi cán bộ làm công tác giáo dục, không chỉ là mỗi thầy cô giáo ngày ngày đứng trên giảng đường, mà là toàn xã hội, là mỗi công dân Việt Nam yêu quê hương, dân tộc này.

Đăng Võ 

Bài mới
Đọc nhiều