Về luận điệu vô lối “Việt Nam xin xỏ Mỹ đừng kì thị”
Trong buổi tiếp Đại sứ Mỹ là Marc Knapper, Thủ tướng Phạm Minh Chính thẳng thắn đề nghị phía Mỹ cùng xây dựng quan hệ dựa trên sự tôn trọng thể chế chính trị và sự khác biệt của nhau. Điều này thể hiện sự khéo léo theo đúng đường lối ngoại giao của Việt Nam nhưng dưới con mắt hằn học và chống phá của Nguyễn Lân Thắng thì đây lại được gọi là động thái “xin xỏ phía Mỹ đừng kỳ thị”.
Có thể nói từ sau khi bình thường hóa vào năm 1995, quan hệ Việt – Mỹ đã có những bước phát triển vượt bậc trong nhiều lĩnh vực. Về chính trị, nhiều Tổng thống Mỹ đã đến thăm Việt Nam cũng như nhiều lãnh đạo cấp cao của nước ta đã tới thăm Mỹ. Trong đó nổi bật nhất là chuyến thăm Mỹ năm 2015 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đánh dấu lần đầu tiên người lãnh đạo Đảng cầm quyền của nước ta đến làm việc tại Mỹ. Về kinh tế cũng có nhiều dấu mốc như Hiệp định thương mại song phương (năm 2000); Quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn cho Việt Nam (năm 2006); Hiệp định khung về thương mại và đầu tư (năm 2007); Đối tác toàn diện Việt Nam – Mỹ (năm 2013) … Đến nay, Mỹ trở thành đối tác thương mại thứ hai, có kim ngạch thương mại vượt mốc 100 tỉ USD với Việt Nam. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, trong khi Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 9 của Hoa Kỳ.
Với vị thế ngày một lên cao cũng như trong xu thế hợp tác và phát triển toàn cầu, mối quan hệ Việt – Mỹ hứa hẹn có thể tiếp tục nâng tầm trong tương lai. Đó cũng là lý do mà năm 2021, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris khi đến thăm Việt Nam đã đặt vấn đề muốn nâng cấp quan hệ Việt – Mỹ thành đối tác chiến lược toàn diện. Việt Nam cũng luôn coi trọng quan hệ với Mỹ như là một trong những đối tác hàng đầu, nhưng cũng luôn đề nghị phía bạn phát triển một mối quan hệ “thực chất”, “tiếp tục đưa quan hệ đối tác toàn diện Việt – Mỹ đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, thể chế chính trị và sự khác biệt của nhau”. Đây cũng là nguyên văn phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong buổi gặp và làm việc với Đại sứ Mỹ Marc E. Knapper ngày 30/3 vừa qua.
Trang chủ của Bộ Ngoại giao Mỹ đã thể hiện quan điểm như sau, “Mỹ và Việt Nam là đối tác tin cậy với tình hữu nghị trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau… Mỹ ủng hộ một Việt Nam mạnh mẽ, thịnh vượng và độc lập, đóng góp vào an ninh quốc tế; tham gia vào các quan hệ thương mại cùng có lợi; và tôn trọng nhân quyền và pháp quyền”. Nội dung này cũng thường được các lãnh đạo Mỹ nhắc đến như Phó Tổng thống Kamala Harris trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam năm 2021 hay mới đây là chuyến thăm của Đặc phái viên Tổng thống Mỹ John Kerry. Có thể thấy bản thân Mỹ cũng luôn nhấn mạnh “cơ sở tôn trọng lẫn nhau” với Việt Nam nhưng đây là một sự tôn trọng chưa đầy đủ. Đơn cử như việc, một số đối tượng bị bắt và truy tố vì vi phạm pháp luật Việt Nam thời gian qua như Phạm Đoan Trang, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Cù Huy Hà Vũ lại được phía Mỹ khen ngợi. Thậm chí là tôn vinh và tặng bằng khen, mà mới đây nhất là giải thưởng Phụ nữ can đảm của Phạm Đoan Trang.
Nếu như nước Mỹ làm đúng như họ tuyên bố là phải thực sự tôn trọng Việt Nam, trong đó có thể chế chính trị và sự khác biệt thì chắc chắn những sự tôn vinh, khen thưởng nói trên sẽ không bao giờ xảy ra. Và để thể hiện thành ý của Việt Nam muốn xây dựng, thúc đẩy quan hệ Việt Mỹ thì chúng ta không thể lờ đi những thực tế này mà cần phải “chân thành, thẳng thắn” nói ra với nước Mỹ. Đây là việc mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đã làm, và chắc hẳn nước Mỹ sẽ phải cân nhắc rất nhiều về vấn đề này nếu họ muốn hợp tác, nâng tầm quan hệ với Việt Nam.
An Diễm