+
Aa
-
like
comment

Về đề nghị thép của Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng

Đặng Trường - 11/09/2020 15:24

Đầu tháng 9 vừa qua, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị giao ban trực tuyến toàn ngành Tổ chức xây dựng Đảng. Tại hội nghị, người đứng đầu Ban Tổ chức Trung ương không quên đánh giá công tác nhân sự Đại hội và đặc biệt chỉ đạo: “Không hợp thức hóa quy trình nhân sự để thực hiện ý đồ cá nhân”.

Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính yêu cầu công tác nhân sự đại hội phải bảo đảm đúng quy định, thật sự công tâm, trong sáng, dân chủ, minh bạch, khách quan.

Công tác nhân sự là vấn đề rất quan trọng đối với bộ máy nhà nước, bởi như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hay thất bại, đều do cán bộ tốt, hoặc kém”. Trong hai năm trở lại đây, công tác nhân sự Đại hội 13 là vấn đề gần như quan trọng nhất và được dư luận đặc biệt quan tâm. Càng gần đến thời điểm diễn ra Đại hội 13 thì càng không thể thiếu vai trò của Ban Tổ chức Trung ương – Cơ quan giám sát kiểm tra, đốc thúc việc diễn ra Đại hội Đảng các cấp đúng quy định và đảm bảo việc chọn đúng nhân sự đáp ứng được các tiêu chuẩn đặt ra.

Không phải ngẫu nhiên mà Trưởng ban Tổ chức Trung ương lưu ý phải thật sự công tâm, trong sáng, không hợp thức hóa quy trình để thực hiện ý đồ cá nhân. Tất cả đều xuất phát từ thực trạng một số tỉnh/thành trên cả nước vẫn tồn đọng những vụ bổ nhiệm thần tốc, nâng đỡ không trong sáng, con cha cháu ông, tình trạng chạy chức chạy quyền, ngồi vào ghế lãnh đạo địa phương nhưng không có trình độ tương xứng. Chính vì vậy, những vụ việc tiêu cực thời gian qua đang làm cho công tác cán bộ ngày càng trở nên “nhạy cảm”. Thực tế, nhiều người không quan tâm lắm đến đồng chí này là ai, học hành thế nào, phấn đấu ra sao, mà chỉ cần biết, đây là “con của đồng chí nào”, vì thế mới được ưu ái, nâng đỡ thuận lợi thăng quan tiến chức.

Sau 2 tuần làm bí thư Thành ủy Bắc Ninh, ông Nguyễn Nhân Chinh (thứ hai từ phải) – con trai của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Nhân Chiến, được điều động về làm phó giám đốc Sở Lao động – thương binh và xã hội tỉnh Bắc Ninh.

Nói có sách mách có chứng, trường hợp ông Nguyễn Nhân Chinh, con trai của Bí thư tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến, tốt nghiệp đại học cờ vua, thạc sĩ quản lý giáo dục được chỉ định làm Bí thư Thành ủy Bắc Ninh. Theo quy trình không sai nhưng nhìn vào cũng không giống ai nên khó mà thuyết phục được người dân. Liệu công tác cán bộ tại địa phương này có trong sáng hay không? Không chỉ Bí thư tỉnh ủy Bắc Ninh mà Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh cũng khiến người dân “mắt chữ A mồm chữ O” với hàng loạt người thân từ vợ, em trai, em gái, em rể, đồng hương giữ nhiều chức vụ quan trọng trong bộ máy hành chính địa phương. Phải chăng việc “một bước phong vương” tưởng chừng như đúng quy trình như thế này không phải để phục vụ nhân dân mà để thâu tóm lợi ích cá nhân?

Nếu chỉ dừng lại ở trường hợp hai Bí thư Tỉnh ủy nói trên thì rất dễ xử lý nhưng tình trạng bổ nhiệm không đúng người, không trong sáng như một căn “bệnh truyền nhiễm”, có tính chất lây lan ở nhiều nơi trên cả nước. Một thời người dân phải lắc đầu ngao ngán khi nghe tin Thanh Hóa có 94 cán bộ bổ nhiệm không đủ điều kiện; Thêm 108 cán bộ ở Sóc Trăng thiếu tiêu chuẩn nhưng vẫn làm lãnh đạo, quản lý; Tỉnh Đắk Nông cũng có cán bộ Sở bổ nhiệm không đúng và còn rất nhiều tỉnh thành khác cũng có hiện tượng tiêu cực này. Trong khi đó, Trung ương đã có nhiều quy định nêu gương, chống chạy chức, chạy quyền.

Những năm qua, Ban Tổ chức Trung ương Đảng và Đoàn công tác Trung ương đã không ngừng đi đến tận các tỉnh /thành, chỉ đạo, quán triệt thực hiện Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội 13; Chỉ thị 45 về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026. Đặc biệt là, công tác nhân sự và công tác chuẩn bị Đại hội 13. Bên cạnh đó, chỉnh bản thân ông Phạm Minh Chính cũng đã làm Trưởng đoàn công tác” của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng để làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiều địa phương.

Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ tỉnh Thừa Thiên Huế.

“Không hợp thức hoá quy định nhân sự để thực hiện ý đồ cá nhân” là chỉ đạo cho thấy sự quyết tâm chọn ra đúng người lãnh đạo mà đất nước và nhân dân cần trên tinh thần dân chủ, minh bạch, khách quan, đúng người đúng trình độ và đúng quy trình, tránh trường hợp hợp thức hóa cho đúng việc bổ nhiệm. Ở đây, chúng ta còn nhận ra rằng, trong công tác cán bộ, ngoài quy trình, nó còn phải hợp tình hợp lý, có kiểm tra giám sát thường xuyên, có báo cáo để kịp thời xử lý. Bên cạnh đó, chúng ta cũng thấy được tầm nhìn và vai trò rất lớn của Ban Tổ chức Trung ương Đảng đối các vấn đề liên quan đến công tác nhân sự, sự vận hành của bộ máy nhà nước. Nếu quy trình nhân sự diễn ra đúng, được giám sát chặt chẽ thì không chỉ ngăn chặn được tình trạng lôi bè kéo cánh, lợi ích nhóm và các vấn đề tiêu cực khác mà còn dập tắt những âm mưu, luận điệu xuyên tạc, chia rẽ nội bộ đất nước của các thế lực thù địch. Và quan trọng nhất đó là có cơ sở xây dựng lòng tin trong nhân dân.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nhấn mạnh rằng: “Công tác nhân sự là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, liên quan đến sự sống còn của Đảng, sự phát triển bền vững của đất nước. Phải làm tốt công tác nhân sự từ đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới làm tốt công tác nhân sự Đại hội 13 dưới có vững thì trên mới bền chắc được”. Chính vì vậy, công tác sàng lọc, bổ nhiệm nhân sự ở các cấp mới cần phải nghiêm ngặt như lời khuyên của Tổng Bí thư “đừng tưởng đỏ mà chín” để tránh việc lãnh đạo bên dưới hợp thức hoá quy định nhân sự thực hiện ý đồ cá nhân.

Đặng Trường 

Bài mới
Đọc nhiều