+
Aa
-
like
comment

“Văn hóa không nhúc nhích” và “Ai bàn lùi, nhụt chí thì đứng sang một bên”!

16/01/2020 06:04

Chỉ còn một năm nữa là tròn 5 năm của nhiệm kỳ Đại hội Đảng 12. Nếu như trong một cuộc việt dã chặng 100m, chúng ta đã đi được 80m và trước mắt, là 20m cuối cùng. Đây cũng là khoảng bứt tốc, quyết định kết quả và không cho phép mắc dù một sai lầm nhỏ.

“Văn hóa không nhúc nhích” và “Ai bàn lùi, nhụt chí thì đứng sang một bên”! - 1

Nhìn lại 4 năm của nhiệm kỳ Đại hội 12, dù chưa hẳn là hoàn hảo, song chúng ta đã vượt qua một chặng đường đầy ngoạn mục, đặc biệt là ở hai lĩnh vực: Chỉnh đốn Đảng và phát triển kinh tế.

Về công tác chỉnh đốn Đảng mà đỉnh điểm là công cuộc phòng chống tham nhũng, có thể nói đây là thời điểm quyết liệt nhất và cũng đạt hiệu quả cao nhất.

Hàng loạt các vụ đại án được đưa ra xét xử với hàng trăm bị cáo là cán bộ, công chức có chức, có quyền phải hầu tòa.

Hàng chục cán bộ, tướng lĩnh thuộc diện Trung ương quản lý bị thi hành kỉ luật, trong đó có cả những cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước nguyên và đương chức.

Hàng chục ngàn tỉ đồng tham nhũng, thất thoát được thu hồi…

Tại phiên họp Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thứ 17 Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khăng định: “Công tác phòng chống tham nhũng đã có bước tiến mạnh mẽ, với nhiều chủ trương, giải pháp đột phá, đi vào chiều sâu, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện. Tham nhũng được kiềm chế, từng bước ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm”.

Dưới sự giám sát của nhân dân và báo chí, lối sống xa dân, coi thường, hách dịch với dân… đã và đang được dần khắc phục.

Những thành tựu trên là của chung, song không thể không kể đến các bộ, ngành liên quan trực tiếp như Bộ Công an, Quốc phòng, Tòa án, Viện Kiểm sát, Thanh tra, Ban Nội chính và đặc biệt là vai trò của ủy ban Kiểm tra Trung ương – một “địa chỉ của niềm tin”.

Về lĩnh vực phát triển kinh tế, 4 năm qua là những bước phát triển khá ngoạn mục.

Trong khi tình hình kinh tế thế giới không mấy sáng sủa thì kinh tế Việt Nam vẫn phát triển vững chắc và mạnh mẽ, 2 năm liền đạt trên 7%, thuộc hàng cao nhất thế giới.

“Mây đen phủ lên toàn cầu nhưng mặt trời đang toả sáng ở Việt Nam’” là nhận xét của Ngân hàng Thế giới được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trích dẫn và “Những con số gần như 10 năm trước chúng ta không thể tưởng tượng được” như lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Đây là nỗ lực của các ngành kinh tế chủ đạo như Công thương, Nông nghiệp phát triển Nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch Đầu tư, Tài chính, Ngân hàng, Lao động Thương binh Xã hội…

Cách đây tròn 1 năm (20.1.2019), trong bài “Điểm lại những mảng sáng của các bộ, ngành năm 2018”, người viết bài này đã sơ bộ những thành tựu của một số bộ ngành. Rất phấn khởi sau 1 năm nhìn lại, những thành tố tích cực tiếp tục được phát huy, những hạn chế, yếu kém đang dần được khắc phục.

Cụ thể, với ngành Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn vẫn đà tăng trưởng mạnh trong sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, cơ cấu lại mô hình sản xuất, đặc biệt là chương trình xây dựng nông thôn mới.

Tuy phải đối phó với thiên tai, dịch bệnh, song về cơ bản, đời sống của người nông dân tiếp tục được nâng cao, bộ mặt nông thôn từng ngày thay đổi. Uy tín “tư lệnh” Nguyễn Xuân Cường tiếp tục được khẳng định.

Đối với Bộ Công Thương, từ một di sản “ảm đạm” với rất nhiều “di chứng” nặng nề trong mọi lĩnh vực, ngành đã vươn lên một cách ngoạn mục, được cử tri, các đại biểu Quốc hội và cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.

Hàng loạt các “rào cản” trong sản xuất, kinh doanh đã và đang được dỡ bỏ. Công tác tổ chức được cơ cấu lại trên tinh thần tinh gọn đã tạo nên một không khí phấn khởi không chỉ trong ngành.

Bộ Tài nguyên Môi trường đã xử lý tốt những tồn tại từ trước cùng với những chủ trương chính xác và khoa học trong quản lý đất đai, bảo vệ môi trường, đặc biệt là ở các lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu, dự báo thiên tai và xử lý ô nhiễm.

Bộ đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá là có hướng đi đúng, đóng góp quan trọng trực tiếp cho phát triển KT-XH, tạo ra những gam màu tươi sáng hơn trong bức tranh toàn cảnh.

Đối với ngành Ngân hàng, việc chỉ số lạm phát của năm 2019 chỉ tăng khoảng 2,73%, mức lạm phát thấp nhất trong 3 năm gần đây.

Có thể nói, điều hành và kinh doanh tiền tệ là lĩnh vực rất khó. Song, nhờ những chính sách hợp lý và khoa học, thị trường tiền tệ những năm qua luôn ổn định.

Thành công của phát triển kinh tế phụ thuộc khá nhiều vào nơi giữ ngân khố quốc gia bởi đổ vỡ thị trường tiền tệ sẽ là đổ vỡ của cả nền kinh tế.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cùng với thành công trong xuất khẩu lao động, tạo công ăn việc làm, chương trình xóa đói giảm nghèo, chính sách người có công, giáo dục nghề nghiệp… thì sự kiện Luật Lao động sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua với nhiều điểm mới, thể hiện tầm nhìn chiến lược quốc gia.

Có thể nói đây là bộ luật tương đối toàn diện, vừa đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động vừa chuẩn bị nhân lực cho phát triển kinh tế lâu dài.

Có một sự kiện khá đặc biệt, đó là sự ra đời của Ủy ban Quản lý vốn tại các doanh nghiệp Nhà nước với mục tiêu giúp các doanh nghiệp này hoạt động hiệu quả, tránh thất thoát, đổ vỡ đồng thời sử dụng tốt các nguồn quỹ như quỹ Bảo trì đường bộ, Quỹ bình ổn xăng dầu…

Tuy còn mới mẻ, song Ủy ban vừa giúp các tập đoàn kinh tế hoạt động thuận lợi vừa góp phần quản lý tốt những đồng tiền đóng thuế của dân.

Có được những thành tựu trên là sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Chính phủ, sự hỗ trợ của nhiều bộ, ngành như Ngoại giao, Khoa học Công nghệ, Tư pháp, Tài chính, Thông tin Truyền thông … và lực lượng vũ trang cùng nhiều ban, ngành khác.

Song, cùng với những thành tựu, vẫn còn không ít những bộ, ngành cần nỗ lực hơn nữa. Nhìn về cơ bản, bức tranh “ba bộ” đứng chót bảng trong dịp lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ của Quốc hội là Văn hóa – Thể thao – Du lịch, Giao thông Vận tải, Giáo dục & Đào tạo vẫn chưa thấy sự “bứt tốc” như mong đợi.

Nếu đại hội lần này khai mạc cũng vào thời điểm như cách đây 5 năm, thời gian nhiệm kỳ này chỉ còn tròn 1 năm nữa. Đây là thời điểm rất cần sự tăng tốc, song cũng là thời điểm rất dễ nảy sinh tư duy nhiệm kỳ với “văn hóa không nhúc nhích – Lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc”.

Vì vậy, rất mong các bộ ngành nỗ lực đồng thời Đảng, Nhà nước cũng có biện pháp để “Ai bàn lùi, nhụt chí thì đứng sang một bên” như lời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.

Dừng lại là thụt lùi. Lịch sử không cho chúng ta dừng bước!

Bùi Hoàng Tám/DT

Bài mới
Đọc nhiều