+
Aa
-
like
comment

Vạch trần, đấu tranh với những biểu hiện mới của chủ nghĩa cơ hội

16/07/2020 06:15

Nhận diện, đấu tranh chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa cơ hội, “vạch mặt, chỉ tên” những thứ cơ hội đội lốt “yêu nước thương dân” là trách nhiệm không của riêng ai.

Đây cũng là cuộc đấu tranh tư tưởng giữa một bên là những người yêu nước chân chính, có tâm đức với nhân dân, thủy chung và gắn bó với vận mệnh dân tộc và đất nước với một bên là những kẻ có cái nhìn a dua, thiển cận, xu thời, thực dụng, cơ hội, tiền hậu bất nhất, đục nước béo cò, sẵn sàng bán rẻ lương tâm vì tâm địa hẹp hòi.

Những biểu hiện mới của chủ nghĩa cơ hội không thể xem thường

Chủ nghĩa cơ hội vốn không xa lạ. Nó thường che giấu bộ mặt thật của mình. Bản chất của những kẻ theo chủ nghĩa cơ hội là khi cách mạng gặp thuận lợi, phát triển thì luôn tỏ ra cấp tiến, nhưng khi đất nước gặp khó khăn thì dao động, ngả nghiêng, sẵn sàng thỏa hiệp với các đối tượng phản động và phần tử xấu để chống phá cách mạng hoặc lợi dụng những kẽ hở của chính sách, pháp luật để làm nhiều điều mờ ám, gây tổn hại đến sự nghiệp chung. Thời gian gần đây, chủ nghĩa cơ hội đã xuất hiện những biểu hiện mới không thể xem thường.

Một số ít người từng giữ cương vị lãnh đạo, quản lý lâu năm trong hệ thống chính trị các cấp, nhưng ít nhiều có biểu hiện “trở cờ” sau khi về hưu. Khi còn làm việc trong bộ máy công quyền, họ ít kêu ca, than phiền và cũng cố gắng làm tròn chức phận để vừa “giữ ghế”, vừa tận dụng cơ hội để có chức vụ cao hơn. Nhưng trong quá trình công tác, có thể có những điều gì đó làm họ không hài lòng và không đạt được mục đích như tham vọng cá nhân. Thế nên, khi trở về đời thường không còn liên quan đến việc công, họ đã giải tỏa những ức chế tâm lý và sự bức xúc cá nhân thông qua những phát ngôn trái chiều, những bài viết chủ yếu khoét sâu vào những mặt trái, tiêu cực xã hội, phê phán đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước rồi đưa lên mạng xã hội khiến dư luận hoang mang, phân tâm.

Một số người lợi dụng các đợt đóng góp ý kiến vào các dự thảo chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để đưa ra những quan niệm “mập mờ đánh lận con đen”. Số người này bề ngoài thì tỏ ra am tường, minh triết, học cao, hiểu rộng, nhưng khi viết bài, đóng góp ý kiến lại có những lời lẽ, ý tứ ngụy biện được bọc trong một cái lớp vỏ phản biện trên tinh thần khoa học. Không những thế, có ý kiến còn vẽ ra con đường này, lối dẫn nọ của nước khác để khuyến cáo, thậm chí đòi hỏi Việt Nam phải áp dụng. Thế nhưng, những “bức vẽ, lối đi” đó không màu sắc, không đường nét rõ ràng, bởi thực chất đấy chỉ là một thứ học đòi, học lỏm hay dung hòa, trộn lẫn hỗn độn bởi đủ thứ lý thuyết, học thuyết rối rắm, xa lạ, không phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện thực tế ở nước ta.

Một số người từng là cán bộ, đảng viên lâu năm đã mắc bệnh công thần chủ nghĩa, tuyệt đối hóa vai trò, cống hiến của mình trong quá khứ để phê phán quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và đề xuất những ý kiến lệch lạc. Mặc dù có ý kiến đã được cơ quan chức năng và người có trách nhiệm tiếp thu, giải trình một cách nghiêm túc, cầu thị, nhưng họ vẫn không đồng ý. Lợi dụng mạng xã hội, những người này công khai bày tỏ quan điểm thiếu thiện chí, cực đoan nhằm hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng, xuyên tạc và phủ nhận con đường dân tộc ta đang đi.

Một số ít trí thức, văn nghệ sĩ vốn là đảng viên cộng sản có những đóng góp nhất định trong lịch sử và có những công trình nghiên cứu, tác phẩm văn học nghệ thuật được khá nhiều công chúng biết đến, nhưng nay lại bày tỏ sự sám hối của mình. Trên các mạng xã hội, ngoài việc công khai “hối hận”, “mặc cảm” và cố ý chối bỏ quá khứ cống hiến đáng quý của mình, những người này còn có những ý kiến hết sức chủ quan, thiên lệch về tình hình đất nước, xã hội và đời sống nhân dân. Đáng nói hơn, có người đã liên lạc, kết nối với các phần tử thù địch ở hải ngoại để “tiền hô hậu ủng”, tạo thêm bệ đỡ cho các thế lực đó thường xuyên công kích, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN.

Một bộ phận cán bộ, đảng viên cố tình lợi dụng những kẽ hở trong hệ thống chính sách, luật pháp để làm những việc sai pháp luật, trái đạo lý. Có những người triệt để lạm dụng lúc “tranh tối tranh sáng” để thu vén lợi ích cá nhân. Xuất phát từ chủ nghĩa cơ hội mà sinh ra bao thứ phiền toái: Nịnh hót, luồn lọt, tâng bốc nhau một tấc lên trời, lôi bè kéo cánh, cục bộ địa phương, thấy sai trái không dám đấu tranh, thấy cái đúng không biết bảo vệ, bao che khuyết điểm, dung dưỡng cái xấu, thậm chí tiếp tay cho cả cái ác… Cái thứ cơ hội này tuy không dễ “bắt tận tay, day tận mặt”, nhưng cũng là kẻ thù bên trong không kém phần nguy hiểm.

Chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội

Trong những biểu hiện của chủ nghĩa cơ hội nêu trên, tuy mỗi loại có tính chất, mức độ nguy hiểm khác nhau, nhưng có đặc điểm chung là đều chĩa mũi nhọn trực tiếp hoặc gián tiếp vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta, thách thức sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, là lực cản con đường đưa nước ta hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Những biểu hiện đó của chủ nghĩa cơ hội cũng là “mảnh đất màu mỡ” để đẩy nhanh quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của một bộ phận cán bộ, đảng viên sớm thành hiện thực, là chất xúc tác thúc đẩy âm mưu “diễn biến hòa bình” ngày càng trở nên sâu sắc và nguy hiểm hơn.

Vì vậy, nhận diện và đấu tranh chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa cơ hội, “vạch mặt, chỉ tên” những thứ cơ hội đột lốt “yêu nước, thương dân” là trách nhiệm không của riêng ai. Đây là cuộc đấu tranh tư tưởng giữa một bên là những người yêu nước chân chính, có tâm đức với nhân dân, thủy chung và gắn bó với vận mệnh dân tộc, với một bên là những kẻ có cái nhìn a dua, thiển cận, xu thời, thực dụng, cơ hội, tiền hậu bất nhất, đục nước béo cò, sẵn sàng bán rẻ lương tâm vì tâm địa hẹp hòi.

Chủ động không để chủ nghĩa cơ hội len lỏi vào các tổ chức tổ đảng, bộ máy công quyền các cấp là một trong những nhiệm vụ cấp bách, quan trọng của công tác tư tưởng chính trị hiện nay. Muốn vậy, trước hết các tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị phải thường xuyên tìm hiểu, nắm chắc diễn biến tư tưởng, tình cảm, tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ cán bộ, đảng viên để kịp thời ngăn ngừa, uốn nắn những biểu hiện lệch lạc phát sinh, chủ động triệt tiêu mầm mống của chủ nghĩa cơ hội ngay từ khi manh nha. Cùng với vạch trần, tẩy chay với các loại chủ nghĩa cơ hội, thực dụng, xét lại và những biểu hiện mơ hồ, dao động về tư tưởng chính trị, cần chú trọng làm tốt công tác giáo dục, bồi đắp nâng cao niềm tin cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân vào những giá trị tốt đẹp của Đảng và của chế độ xã hội mới mà chúng ta đang xây dựng.

Một vấn đề không kém phần quan trọng là các cơ quan, đơn vị, tổ chức đảng các cấp cần chú trọng công tác quản lý nội bộ, phát huy dân chủ đi đôi với tăng cường kỷ luật Đảng, giáo dục cán bộ, đảng viên (nhất là những người làm ở những vị trí nhạy cảm, phức tạp, có quan hệ xã hội sâu rộng) phải chấp hành nghiêm kỷ luật phát ngôn, không được tự ý nói năng, phát ngôn, bày tỏ ý kiến, kiến nghị của mình hay tán phát các tài liệu trên mạng xã hội có nội dung trái quan điểm, đường lối của Đảng, pháp luật Nhà nước và không có lợi cho việc giữ vững đồng thuận xã hội, ổn định chính trị và an ninh tư tưởng-văn hóa.

Trong bối cảnh xã hội bùng nổ thông tin hiện nay, các cơ quan, đơn vị cần chủ động định hướng, hướng dẫn, giáo dục cán bộ, đảng viên nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc sử dụng mạng xã hội; động viên, khuyến khích mọi người tiếp thu có chọn lọc và làm lan tỏa những thông tin tích cực, lành mạnh trên mạng xã hội, góp phần nhân lên những giá trị tiến bộ, nhân văn trong cuộc sống. Cùng với đó phải kịp thời nhận diện, kiên quyết sàng lọc, loại bỏ những thông tin lệch lạc, sai trái, tiêu cực, không để những thông tin này có cơ hội tán phát, lây lan trên không gian mạng dễ làm vẩn đục môi trường thông tin và gây nhiễu dư luận xã hội. Làm tốt việc này cũng là một cách góp phần ngăn ngừa, phòng, chống những tư tưởng cơ hội, lợi dụng mạng xã hội để thông tin sai lệch, xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN.

BẢO NHƯ/QDND

Bài mới
Đọc nhiều