+
Aa
-
like
comment

Từ việc tự hạ bậc thi đua của một lãnh đạo thành phố!

Phạm Khoa - 06/02/2023 15:51

Tại cuộc họp về tình hình kinh tế – xã hội tháng 1, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã tự hạ bậc thi đua vì không hoàn thành chỉ tiêu giải ngân vốn đầu tư công (68% so với 95% chỉ tiêu đầu năm 2022), nêu gương cho cán bộ, công chức, viên chức thành phố về thái độ dám làm, dám chịu trách nhiệm đối với nhân dân, xã hội.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi

Ở TP.HCM, trước giờ có không ít lãnh đạo sở, ngành, địa phương né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Thực trạng này cũng là căn bệnh chung dễ nhận ra ở một số tỉnh, thành trong cả nước.

Còn nhớ năm 2019, trong kỳ họp HĐND ở Thành phố Đà Nẵng, có đại biểu đã bức xúc đưa ra câu chuyện về việc một hộ dân gửi đơn xin hợp các thửa đất rẻo nhưng lãnh đạo Sở Xây dựng và Tài nguyên Môi trường đùn đẩy cho nhau và sau nhiều tháng thì hồ sơ đã chuyển lên Bộ Xây dựng để xin ý kiến. Sự né tránh trách nhiệm của những người đứng đầu hai sở đã làm chậm trễ việc xử lý kiến nghị của người dân.

Tiếp đó, giữa năm 2022, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Mai Thị Phương Hoa cũng đã phát biểu: “Bây giờ làm gì cũng sợ sai, thậm chí không làm gì cũng có thể sai phạm” khi đề cập đến tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm, né tránh trách nhiệm, không dám nghĩ, dám làm.

Tâm lý sợ làm sai, sợ trách nhiệm này có nhiều căn nguyên, nhưng thường bắt đầu từ việc thiếu kiến thức chuyên môn, thiếu bản lĩnh chính trị của người lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức.

Trong bối cảnh đó, việc dám nhận trách nhiệm, và thẳng thắn hạ bậc thi đua của người đứng đầu Chính quyền TP.HCM là một sự việc có tính truyền cảm hứng tích cực, không riêng gì với người làm việc công, mà còn với nhân dân thành phố.

Có thể nhận thấy, dù các năm qua, thành phố đã có rất nhiều bước tiến trong phát triển kinh tế – xã hội, nhưng câu chuyện chậm giải ngân vốn đầu tư công, tình trạng các công trình trọng điểm về hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông ì ạch, giậm chân tại chỗ luôn là bức xúc của người dân, kỳ họp HĐND nào cũng bị cử tri phản ánh.

Dự án hầm chui nút giao thông Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ mới giải ngân vốn công được 4,6%.

Nhiều cuộc họp bàn nhằm mục đích tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác đầu tư công đã được thành phố phối hợp tổ chức với nhiều sở ban ngành từ địa phương đến trung ương, nhưng kết quả vẫn chưa đáng phấn khởi. Đơn cử như tuyến đường sắt đô thị số 1, số 2; đường vành đai 3, rạch Xuyên Tâm; cao tốc TP.HCM – Mộc Bài tiến độ ì ạch, do tình trạng giải ngân quá chậm. Cá biệt, có những dự án giải ngân bằng 0, như dự án xây mới Bệnh viện Nhi đồng thành phố. Đây là dự án được bố trí vốn 1000 tỷ đồng, đã được nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng 3 năm nay, nhưng đến bây giờ vẫn chưa giải ngân được đồng nào.

Chính những ví dụ đáng buồn này khiến uy tín của TP.HCM trong lĩnh vực quản lý đầu tư công giảm sút. Điều đó thể hiện qua việc Thủ tướng chỉ duyệt 142.000 tỷ đồng, chiếm 21% trong nhu cầu 672.000 tỷ đồng vốn đầu tư công mà Thành phố dự kiến cho giai đoạn 2021-2025. Việc đề xuất tăng thêm 118.000 đồng sẽ khó được Trung ương chấp thuận nếu tình trạng giải ngân vốn đầu tư công của thành phố vẫn chậm trễ như hiện tại.

Cho nên, việc Chủ tịch Phan Văn Mãi nhận khuyết điểm, tự hạ bậc thi đua, và thẳng thắn chỉ ra các thiếu sót của Sở Kế hoạch Đầu tư TP.HCM là thái độ cần thiết để nêu gương cho những người là cán bộ, công chức, viên chức ý thức rõ hơn trách nhiệm và quyền lợi của bản thân phải gắn liền với những gì làm được cho sự phát triển của thành phố, của sự nghiệp chung.

Đây có thể xem là một bứt phá cần thiết trong nhận thức về trách nhiệm của người đứng đầu Chính quyền TP.HCM. Phá vỡ tâm lý bị động, đổ thừa hoàn cảnh, thiếu dũng khí của một bộ phận cán bộ lãnh đạo thành phố nói riêng, và cả nước nói chung thời gian qua, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với chính quyền.

Tương lai gần, các luật liên quan đến việc phân cấp, phân quyền, làm rõ chức năng nhiệm vụ của từng cá nhân, tổ chức chắc chắn sẽ được kiện toàn. Được vậy, mỗi cán bộ, công chức, viên chức sẽ xác định rõ trách nhiệm và quyền lợi của mình, đứng đúng chỗ, làm đúng việc, chuyên nghiệp, hiệu quả. Qua đó, lớp cán bộ làm việc với tâm lý sợ trách nhiệm, đẩy khó khăn lại cho người dân, doanh nghiệp, thậm chí là chỉ cần đẩy khó khăn ra khỏi phòng, ban mình quản lý mới bị đào thải.

Phạm Khoa

Bài mới
Đọc nhiều