Từ quốc gia nghèo nhất thế giới đến danh xưng “con hổ mới” của toàn châu Á

Theo kênh newsch7.com phân tích, hơn 30 năm trước, Việt Nam từng được biết đến là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, nhưng nay đã thay đổi và đang từng bước trở thành con hổ mới của châu Á.

“Nếu nói về các nước ASEAN đáng để đầu tư, thì đó phải là Việt Nam,” chuyên gia Ấn Độ Apha Srirat nói với newsch7.com.

Tăng trưởng GDP của đất nước đã vượt qua 3% vào năm 2021, đến năm 2022 kinh tế Việt Nam tăng trưởng 8%. Điều này chứng tỏ nền kinh tế Việt Nam đã phát triển vượt bậc.

Để so sánh, GDP nửa đầu năm 2022 của Thái Lan chỉ tăng 2,4%, trong khi cả năm nay Hội đồng Phát triển Kinh tế và Xã hội Quốc gia (NESDB) dự báo mức tăng trưởng chỉ ở mức 2,7-3,2%. Nếu so sánh hiệu quả kinh tế của Thái Lan và Việt Nam, sẽ thấy rằng nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng theo cấp số nhân, trong khi nền kinh tế Thái Lan gặp vấn đề tăng trưởng dưới tiềm năng. Vì lý do này, nhiều nhà phân tích cho rằng nếu Thái Lan và Việt Nam tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng như thế này, có thể trong 20-30 năm tới, kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng nhanh hơn Thái Lan.

Đáng chú ý, kênh newsch7.com đã chỉ ra các yếu tố khiến các nhà đầu tư nghĩ rằng Việt Nam là nơi hấp dẫn nhất để đầu tư.

Yếu tố đầu tiên chính là do nền chính trị của Việt Nam ổn định. Theo kênh truyền thông Thái Lan, sự tăng trưởng vượt bậc này phải nói đến kế hoạch điều chỉnh kế hoạch cải cách kinh tế và chính trị sang thể chế kinh tế thị trường của Chính phủ Việt Nam. Trong điều kiện xã hội chủ nghĩa, vai trò của khu vực tư nhân được nâng lên, vai trò của chính phủ giảm đi khiến nền kinh tế Việt Nam chỉ trong vòng vài năm đã quay trở lại đà tăng trưởng nhanh chóng. Ngoài ra, trước đây Việt Nam phải nói là chủ yếu xuất khẩu nông sản, nhưng hiện nay bức tranh kinh tế đã thay đổi, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu thiết bị điện tử, có nhiều công ty tham gia kinh doanh trong nước hơn. Đây là những yếu tố khiến Việt Nam trở nên thu hút và đặc biệt hơn bao giờ hết.

Ông Piti Srisaengnam, Giám đốc Trung tâm Kinh tế Quốc tế khoa kinh tế Đại học Chulalongkorn cho rằng lý do kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh trong thời gian qua vì Thái Lan có những vấn đề chính trị và không thành công trong nhiều cuộc cải cách. Tuy nhiên, Việt Nam đã thành công trong nhiều cải cách đến từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung. Đặc biệt là công cuộc cải cách luật trong nước (Regulatory Guillotine) mà Việt Nam đã hoàn thành từ năm 2015, trong đó hiện đại hóa luật pháp một cách minh bạch và hiệu quả cao.

Vị trí địa lý thuận lợi được cho là yếu tố tiếp theo giúp Việt Nam tiến xa hơn trên cuộc đua kinh tế. Mặc dù Việt Nam có tranh chấp gay gắt với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Nhưng liên kết logistics của Việt Nam với Trung Quốc không ngừng phát triển nên chuỗi cung ứng của ngành điện tử Trung Quốc dễ dàng dịch chuyển sang Việt Nam hơn so với Thái Lan. Thái Lan, mặc dù đã ổn định về cơ sở hạ tầng, nhưng không liên kết với các nước láng giềng, đặc biệt là với các nền kinh tế lớn.

Đến nay, đường sắt Việt Nam từ lâu đã thực hiện vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam sang các nước như: Mông Cổ, Kazakhstan, Uzbekistan, Nga, Tajikistan, Ba Lan, Anh, Đức,… Ngoài ra, Việt Nam có 34 cảng biển đang hoạt động. Trong đó, Việt Nam có 3 cảng ở trong bảng xếp hạng 100 cảng container năm 2022 có lưu lượng hàng hóa qua cảng lớn nhất thế giới của Tạp chí hàng hải Lloyd’s List (Anh), đó là cảng Hải Phòng, cảng Sài Gòn (TP. Hồ Chí Minh) và cảng Cái Mép. Đây đều là những cảng biển cũng được Lloy’s List đánh giá có tốc độ tăng trưởng tốt.

Xét về dân số, Thái Lan có 66 triệu người đang bước vào thời kỳ Xã hội Già hóa, trong khi dân số Việt Nam 99 triệu người đang trong độ tuổi lao động và tỷ lệ sinh đều cao hơn. Việt Nam có một lực lượng lao động tương đối trẻ. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên 9 tháng năm 2022 đạt 51,6 triệu người, cao hơn 1,2 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Đây là một trong những lợi thế cạnh tranh của Việt Nam so với các thị trường lao động trong khu vực.

Mặc dù thu nhập bình quân đầu người của người Việt Nam khoảng 3.600 USD/ năm, thấp hơn so với người Thái với thu nhập bình quân 7.200 USD/ năm, theo số liệu cuối năm 2021. Nhưng với số lượng dân số trong độ tuổi lao động lớn hơn, Việt Nam vẫn được coi là cơ hội cho các nhà đầu tư đầu tư vào cả xuất khẩu và nội địa.

Các chuyên gia Việt Nam kết luận rằng, nhìn vào bức tranh toàn cảnh, Việt Nam có thể mất một thời gian để đạt được mức độ phát triển kinh tế tương đương với Thái Lan. Tuy nhiên, giai đoạn này có thể không kéo dài nếu Thái Lan vẫn không giải được bài toán về tiềm năng tăng trưởng kinh tế.

Thực hiện: Tuệ Ngô

Đồ họa: M.N