+
Aa
-
like
comment

Từ “lối mòn” bá quyền của Hải dương 8 nhìn về hệ thống phòng thủ “hai hành lang, một vành đai” của Việt Nam trên Biển Đông

12/10/2019 10:25

Cùng hành lang chủ quyền trong lãnh hải, 2 “hành lang chủ quyền” do Việt Nam kiến tạo trên thềm lục địa và quần đảo Trường Sa đã tạo nên 3 “vách sắt” cho “thành đồng trên biển”.

Từ "lối mòn" bá quyền của Hải dương 8 nhìn về hệ thống phòng thủ "hai hành lang, một vành đai" của Việt Nam trên Biển Đông

Chuỗi hoạt động khảo sát của tàu khảo sát Hải dương 8 được các tàu hải cảnh và dân quân biển Trung Quốc hộ tống liên tục xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế trên biển (EEZ) của Việt Nam từ tháng 7/2019 đã thu hút mạnh mẽ sự quan tâm của dư luận khu vực và quốc tế dù cho trên thực tế đây là cách tiếp cận vừa ít hiệu quả vừa làm giảm đi uy tín của hình ảnh “cường quốc có trách nhiệm” mà bản thân Trung Quốc đang rất cần đến.

Với tư duy “đơn phương áp đặt” luật chơi như thế, Trung Quốc không chỉ tạo thêm lý do cho các đối thủ của họ tăng cường hiện diện ở khu vực này, mà còn góp phần hoàn thiện hơn mạng lưới an ninh tập thể của các nước nhỏ Đông Nam Á, âm thầm tạo nên cục diện đa phương hoá, đa dạng hoá và cân bằng lực lượng trên Biển Đông dưới sự điều phối của ASEAN nói chung và các nước nhỏ ven biển Đông nói riêng – một kịch bản “cùng đường” cho phía Trung Quốc.

Nhìn lại “lối mòn” bá quyền trong tư duy Biển Đông của Trung Quốc

Kể từ thời điểm năm 2009, khi Trung Quốc đưa ra bản đồ “đường đứt khúc 9 đoạn” và ra công hàm bác bỏ Báo cáo chung về thềm lục địa mở rộng của Việt Nam và Malaysia, thì chiến lược Biển Đông của quốc gia này đã lộ rõ tính chất “đơn phương áp đặt”, dẫn đến định hướng ngày càng xa rời với các quy định thượng tôn pháp luật và xu hướng đàm phán hoà bình, phi quân sự hoá các xung đột trên thế giới.

Sau gần một thập kỷ, chiến lược Biển Đông của Trung Quốc ngày càng hoàn thiện với những bước triển khai thực địa có sự phối hợp đồng bộ với ba mặt trận tâm lý, pháp lý và truyền thông (còn gọi là “tam chủng chiến pháp”) với sự hậu thuẫn hùng hậu về tài chính và công nghệ của một nền kinh tế Trung Quốc đang trỗi dậy có quy mô khổng lồ. Chiến lược Biển Đông còn trở nên tinh vi hơn khi áp dụng một loạt các thủ thuật “tấn công vùng xám (greyzone tactics)” với việc sử dụng xen lẫn tàu quân sự với các lực lượng bán quân sự – paramilitary như hải cảnh, dân quân biển và dân sự như tàu cá, tàu nghiên cứu biển và các giàn khoan khai thác dầu khí.

Từ lối mòn bá quyền của Hải dương 8 nhìn về hệ thống phòng thủ hai hành lang, một vành đai của Việt Nam trên Biển Đông - Ảnh 1.

Các hoạt động “tấn công vùng xám” được triển khai linh hoạt dựa trên mạng lưới 3 lớp: (I) Ở khu vực nằm trong “đường 9 đoạn” phi pháp (nay là yêu sách Tứ Sa) nhưng không chồng lấn EEZ bất kỳ quốc gia ven biển nào: các tàu quân sự, bán quân sự và dân sự hoạt động tối đa năng lực để đơn phương áp đặt chủ quyền.

(II) Ở khu vực nằm trong “đường 9 đoạn” nhưng chồng lấn EEZ với nước khác: chỉ sử dụng lực lượng bán quân sự và dân sự để duy trì “vây lấn” từng bước trong giới hạn “xung đột dân sự” trong “các khu vực tranh chấp” chưa có sự phân định song phương.

(III) Ở khu vực nằm ngoài “đường 9 đoạn” nhưng vẫn trong phạm vi Biển Đông: duy trì các đội tàu quân sự di chuyển theo quy tắc “qua lại vô hại” (tắt radar, cất đạn vào trong và phủ bạt vũ khí trên tàu) vào lãnh hải các nước ven biển để phô trương thanh thế.

Bản chất ba vùng chiến thuật trên tuy đã được Trung Quốc dàn dựng rất khôn khéo để né tránh khả năng bị khởi kiện lần nữa do đều nằm trong các “vùng xám” theo UNCLOS 1982 (nhất là khi quốc gia này không công nhận Phán quyết của Toà Trọng tài ngày 12/7/2016), nhưng vẫn không thoát khỏi định hướng “đơn phương áp đặt” của chủ nghĩa bá quyền – một “lối mòn” về tư duy khiến Trung Quốc mất đi lợi thế so sánh về uy tín so với các cường quốc khác trên thế giới.

Đây là sự khác biệt rất lớn, chứng tỏ Trung Quốc đã sẵn sàng từ bỏ uy tín mà nước này đã gắng gượng trong giai đoạn kéo dài nguyên tắc “ẩn mình chờ thời” từ giữa thập niên 1990 cho đến đầu những năm 2000.

Cách tiếp cận đơn phương như vậy còn tạo thời cơ cho các đối thủ cạnh tranh của họ (như Mỹ, Nhật, Ấn, Úc, Nga, EU…) tiến vào Biển Đông để hỗ trợ đồng minh trong khu vực.

Càng triển khai chiến thuật trên, Trung Quốc càng tạo đường tiến cho đối thủ, càng mất uy tín trên trường quốc tế, trong khi chỉ đạt được một ít kết quả ngắn hạn nhờ vào thủ thuật “vây lấn” phi pháp các bãi cạn trong EEZ của Philippines (và thực tế Trung Quốc chưa hề kiểm soát thêm được bất kỳ đảo nổi nào trên thực địa từ năm 2009 ngoài các đảo nhân tạo tự bồi đắp từ năm 2014).

Có thể thấy chuỗi hoạt động của tàu Hải dương 8 ở vùng EEZ của Việt Nam (cũng như các tàu Shiyan – 2 và Haiyang – 4 khảo sát trong EEZ của Malaysia ) chỉ đang thể hiện sự “túng thế” buộc phải “tùng quyền” của Trung Quốc trên Biển Đông. Tuy nhiên, dù “túng thế” nhưng với cách hành xử nhất quán và đồng bộ, quyết đoán trên phạm vi ngày càng mở rộng của Trung Quốc vẫn đang tạo áp lực rất lớn cho các nước nhỏ trên Biển Đông, ảnh hưởng đến an ninh kinh tế, an ninh năng lượng và tiềm ẩn rủi ro leo thang xung đột quá tầm kiểm soát.

Cho đến sự lấn lướt của Mỹ với tư duy “quốc tế hoá”

Mười năm “đơn phương áp đặt” của Trung Quốc trên Biển Đông đã mở đường cho sự tăng cường hiện diện của Mỹ trên Biển Đông.

Trong khi Trung Quốc trầy trật để “bẻ từng chiếc đũa” trong ASEAN thông qua các gói tài chính khổng lồ để rồi chỉ giành lấy sự phản ứng ngày càng tiêu cực của dư luận khu vực, thì chính phủ Mỹ thời Tổng thống B. Obama với chính sách “tái cân bằng” lại dễ dàng củng cố vững chắc nền tảng hợp tác an ninh hàng hải Mỹ – ASEAN với Sáng kiến An ninh Hàng hải Đông Nam Á (MSI) và các chiến dịch Tuần tra Đảm bảo Tự do Hàng hải (FONOPS).

Từ lối mòn bá quyền của Hải dương 8 nhìn về hệ thống phòng thủ hai hành lang, một vành đai của Việt Nam trên Biển Đông - Ảnh 3.

Sang đến thời kỳ của Tổng thống D. Trump, với những bước mở rộng quy mô cả về chất và lượng, chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở (FOIP) đã kế thừa hoàn hảo các thành tựu hợp tác an ninh hàng hải Mỹ – ASEAN từ chiến lược “tái cân bằng” trước đó.

Về phạm vi hoạt động trên biển Đông, cách tiếp cận của phía Mỹ chỉ đơn giản làm ngược lại quan điểm của Trung Quốc khi xem 3 vùng chiến thuật trên như những cơ sở để thực hiện “nghĩa vụ quốc tế”:

(I) với toàn bộ khu vực “đường 9 đoạn” phi pháp không chồng lấn EEZ các nước (bao gồm các vùng biển nằm ngoài lãnh hải 12 hải lý của các đảo nổi) là vùng biển quốc tế cần được đảm bảo tự do hàng hải và hàng không.

(II) vùng biển nằm trong EEZ của các nước (bất kể có chồng lấn “đường 9 đoạn” hay không)

(III) các khu vực thuộc chủ quyền các quốc gia ven Biển Đông (bao gồm cả lãnh hải và nội thuỷ).

Cả hai đời chính phủ Mỹ từ 2008 đều nhất quán duy trì các cuộc tuần tra FONOPs cùng với nhiều hoạt động diễn tập hàng hải song phương và đa phương ở vùng (I), mở rộng hợp tác thăm dò, khai thác chung tuân thủ theo pháp luật của các quốc gia ven biển trong phạm vi vùng (II) và tăng cường các chuyến viếng thăm của tàu quân sự, tàu tuần duyên đi kèm các hoạt động tập huấn, hội thảo, giao lưu quốc phòng ở vùng (III) với sự đồng ý từ chính phủ các quốc gia ven biển có liên quan trực tiếp.

Ở cấp độ ngăn chặn các lực lượng bán quân sự, Hải quân Mỹ cũng lần đầu tuyên bố sẽ can thiệp vào ngăn chặn cả các lực lượng dân sự và bán quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông sau khi Tư lệnh Hải quân Mỹ John Richardson vào tháng 2/2019 kêu gọi triển khai những biện pháp cứng rắn hơn để đối phó với sự gây hấn “vùng xám” của Trung Quốc .

Đây rõ ràng là cách tiếp cận mang tính đối trọng với cách thức “xâm lấn 3 lớp” của Trung Quốc và hoàn toàn tập trung vào những nội dung có tính chất “nghĩa vụ quốc tế”, giúp Mỹ nhanh chóng mở rộng dư địa cho sự hiện diện tăng cường của hải quân và các tàu chấp pháp của Mỹ ở khắp các căn cứ quan trọng trong khu vực.

Và nền tảng “thuận nước đẩy thuyền” với “hai hành lang, một vành đai” của Việt Nam

Theo Tiến sĩ Bùi Hải Đăng (trưởng Khoa Quan hệ Quốc tế, Đại học KHXH&NV Tp.HCM), Việt Nam đã âm thầm xây dựng “hành lang chủ quyền” thứ nhất trên các đảo nổi ở quần đảo Trường Sa ngay từ thập niên 1970.

Sang đến những năm 1980, hai nhánh chủ lực của Việt Nam cùng lúc vừa mở rộng “hành lang chủ quyền” thứ nhất khi trú đóng và kiên cố hoá toàn bộ công sự ở các đảo nổi thuộc vành đai phía Tây quần đảo Trường Sa bằng chiến dịch CQ-88, vừa xây dựng hệ thống cụm Dịch vụ Kinh tế – Khoa học – Kỹ thuật DK-1 trên “hành lang chủ quyền” thứ hai ở khu vực thềm lục địa phía Nam.

Từ lối mòn bá quyền của Hải dương 8 nhìn về hệ thống phòng thủ hai hành lang, một vành đai của Việt Nam trên Biển Đông - Ảnh 4.
Đá Lát A, Trường Sa, Khánh Hoà. Ảnh: Hoàng Trường.

Các hoạt động bí mật và khẩn trương của Việt Nam đối với hai “hành lang chủ quyền” này đã củng cố thành công các “vách sắt” cho việc triển khai sớm nền tảng của “vành đai kinh tế” với các hợp đồng thăm dò và khai thác dầu khí đa phương trên Biển Đông ngay trong thập niên 1990 – nền tảng lợi ích chung về kinh tế cho sự hoàn chỉnh của một bức “thành đồng” đại diện cho mạng lưới an ninh đa phương do các nước nhỏ điều phối trong vùng biển của mình trên Biển Đông.

Cùng với hành lang chủ quyền trong khu vực lãnh hải, hai “hành lang chủ quyền” do Việt Nam kiến tạo trên khu vực thềm lục địa và quần đảo Trường Sa đã tạo nên ba “vách sắt” xương sống cho sự hình thành hệ thống “thành đồng trên biển” của riêng Việt Nam.

Trong hệ thống này, tùy thuộc vào tính chất pháp lý của từng vùng biển, Việt Nam từng bước mở rộng hợp tác quốc tế về quốc phòng, cho phép các tàu thương mại, tàu chấp pháp và tàu quân sự của các nước trên thế giới tiến hành kinh doanh, thăm viếng quân sự và hợp tác nâng cao năng lực hàng hải…

Tần suất thăm viếng quân sự ngày càng nhiều của các đội tàu chiến từ Mỹ, Nhật, Ấn, Úc, Anh, Pháp, Nga, Hàn Quốc… từ ngoài Biển Đông vào đến các cảng quân sự và cảng dân sự của Việt Nam trong thời gian qua vừa giúp gia tăng mức độ cân bằng – đối trọng về lực lượng với sự xuất hiện phi pháp của các tàu Trung Quốc trong “đường 9 đoạn”, vừa tránh được sự ràng buộc Việt Nam vào bất kỳ đồng minh quân sự nào chống lại nguyên tắc “Ba Không” truyền thống.

Việt Nam cũng tích cực hoàn thiện “vành đai kinh tế” hợp tác khai thác dầu khí ở thềm lục địa từ thập niên 1990, và đã duy trì được sự hiện diện của một số lượng các tập đoàn dầu khí khổng lồ của các nước lớn như Mỹ, Nga, Nhật Bản, Ấn Độ,… dưới sự lãnh đạo của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (PVN) Việt Nam.

Từ đó tạo nên áp lực ngoại giao từ các cường quốc liên quan đến các hoạt động “tấn công vùng xám” của Trung Quốc. Các phát ngôn từ Bộ Ngoại giao Mỹ, từ văn phòng Tổng thống Nga và từ Bộ Ngoại giao Ấn Độ khi Trung Quốc cử hải cảnh và tàu Hải dương 8 xâm phạm EEZ và thềm lục địa Việt Nam cho thấy sự hiệu quả của chiến lược đa phương hoá “vành đai kinh tế” hiện hữu.

Không chỉ vậy, Việt Nam vẫn kiên định “hoà nhập nhưng không hoà tan” khi cùng phối hợp với các quốc gia ven biển trong ASEAN củng cố mạng lưới liên lạc và hợp tác chấp pháp trên biển như việc thống nhất tránh dùng vũ lực với ngư dân giữa Việt Nam – Indonesia (06/2019) …

Từ những phân tích kể trên, có thể thấy, Việt Nam đang từng bước hoàn thành hệ thống “thành đồng, vách sắt” trên Biển Đông với sự đan cài lợi ích kinh tế giữa các cường quốc và dung hoà năng lực pháp lý và khả năng điều phối với các bên còn lại trong ASEAN. Đây chính là “điểm sáng” trong cách hành xử phi vũ lực và phù hợp với chủ trương đàm phán hoà bình, thượng tôn pháp luật cần thiết trong việc giải quyết các “điểm nóng” về tranh chấp chủ quyền trong một thế giới còn quá nhiều “vùng xám” về pháp lý.

theo Trí Thức Trẻ

Bài mới
Đọc nhiều