Từ “lời công đạo” tại Hà Nội đến thủ đoạn phủi sạch thành quả chống dịch của Việt Nam
“Nếu Hà Nội mà bung, mà toang, hứa với các đồng chí, tôi chịu trách nhiệm”. Đó là lời hứa của ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội tại phiên họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 hồi đầu tháng 12 năm ngoái. Dĩ nhiên, cách nói “bung, toang” là thể hiện sự gần gũi, dân dã trong thời điểm đó. Tuy nhiên, nó dễ nhận được sự soi mói, châm chọc của các “chuyên gia ngôn từ”. Và thực tế, đến tận lúc này, không ít kẻ vẫn lợi dụng cách dùng từ của Chủ tịch UBND TP Hà Nội để xuyên tạc, công kích.
Không cần nói thì ai cũng biết Việt Nam đã phải trải qua những thách thức hết sức nặng nề mà dịch bệnh gây ra. Có những thời điểm chúng ta phải áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch hết sức nghiêm ngặt, hạn chế đi lại giữa các địa phương. Nói theo cách khác, mỗi gia đình, mỗi làng xóm, mỗi xã phường đã trở thành một “pháo đài” phòng, chống dịch.
Đến thời điểm hiện tại, khi dịch bệnh đã được kiểm soát, nếu đánh giá về công tác phòng, chống dịch thời điểm trước thì dĩ nhiên sẽ có nhiều điều để rút kinh nghiệm. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà chúng ta phủ nhận những kết quả đã đạt được cũng như nỗ lực của cả hệ thống chính quyền trong công tác phòng, chống dịch. Suy cho cùng, tất cả cũng chỉ là để bảo vệ tốt nhất an toàn sức khoẻ, tính mạng của người dân.
Gần đây, lợi dụng số lượng ca nhiễm Covid-19 tại Hà Nội tăng cao, các đối tượng xấu lại tiếp tục “nhai lại” những nội dung công kích công tác phòng, chống dịch của chúng ta. Những kẻ này ra sức rêu rao luận điệu cho rằng Chính phủ Việt Nam đã áp dụng những biện pháp phòng, chống dịch sai lầm. Bất chấp thực tế rằng hiện tại, Việt Nam là một trong 6 quốc gia có tỷ lệ bao phủ vaccine phòng Covid-19 cao nhất thế giới thì những chiếc “lưỡi có gai” vẫn trắng trợn phủ nhận và vu khống: “Một chính phủ thông suốt, mạnh mẽ thực sự chắc chắn sẽ có tầm nhìn xa về diễn biến dịch để quyết định mua vaccine ngay từ năm 2020, khi trên thế giới tình hình dịch bệnh đã nóng bỏng và Việt Nam không thể đóng cửa chơi một mình; sẽ kiểm tra xem xét và chuẩn bị các tình huống y tế khi có nhiều người dân bị nhiễm dịch chứ không để nước đến chân mới nhảy”.
Và rồi, từ câu chuyện phòng, chống dịch của Hà Nội, chúng tấn công sang vai trò của lãnh đạo nhà nước, tấn công Nghị quyết 128 của Chính phủ với luận điệu: “Ông Chu Ngọc Anh chỉ là Chủ tịch TP. Hà Nội nên theo đúng Nghị quyết 128, ông chỉ có quyền chủ động sáng tạo trong các giải pháp, nhưng giải pháp ấy có được chấp nhận hay không là tùy vào Bí thư Thành ủy Hà Nội và Trung ương Đảng”.
Để đánh giá về kết quả công tác phòng, chống dịch, cần có cái nhìn hết sức khách quan, toàn diện và dựa vào bối cảnh lịch sử cụ thể. Chúng ta không thể lấy số liệu của giai đoạn này để so sánh một cách khập khiễng, khô khốc với giai đoạn khác. Hà Nội đang là địa phương có số ca nhiễm cao nhất cả nước. Số ca mắc mới mỗi ngày cũng vô cùng lớn. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà có thể kết luận Hà Nội “bung”, “toang”, “vỡ trận”. Và dĩ nhiên, không thể lấy một vài số liệu để xuyên tạc chủ trương, chính sách củaNhà nước và chính quyền các địa phương trong phòng, chống dịch.
Thống kê tình hình Covid-19 trên cả nước cho thấy dù số lượng ca nhiễm mới tăng nhanh nhưng tỷ lệ diễn biến nặng và tử vong lại thấp hơn giai đoạn trước. Để có được kết quả này, chúng ta đã phải nỗ lực hết sức để triển khai thành công chiến dịch tiêm chủng vaccine thần tốc. Mặc dù “đi sau” nhưng chúng ta đã “về trước” trong việc tiêm vaccine. Hơn 197,5 triệu liều vaccine đã được tiêm tại Việt Nam. Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam, bà Rana Flowers chia sẻ: Cùng với các đối tác của chúng tôi ở Bộ Y tế và WHO, UNICEF công nhận rằng việc tiêm chủng kết hợp với thực hành phòng dịch đã chứng minh thành công trong việc giảm đáng kể số ca tử vong, cũng như số ca bệnh nặng… Hay nói cách khác, dù số ca mắc có tăng cao nhưng vẫn trong tầm kiểm soát. Cùng với đó, việc kết hợp hài hòa, hợp lý, linh hoạt, hiệu quả giữa điều trị tại cơ sở y tế và điều trị tại nhà, kiểm soát rủi ro đang phát huy hiệu quả. Đây là những kết quả đáng ghi nhận.
Không phải ngẫu nhiên mà Chính phủ ban hành Nghị quyết số Nghị quyết số 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Việc ban hành Nghị quyết là dựa trên ý kiến phân tích của các nhà khoa học, chuyên gia, ý kiến của các địa phương và đặc biệt là tình hình thực tiễn khi việc bao phủ vắc xin được đẩy mạnh, đã có thuốc điều trị giúp giảm số ca nặng, tử vong và giảm tỷ lệ mắc. Dù trong bất cứ hoàn cảnh, điều kiện nào thì mục tiêu cao nhất của Đảng, Nhà nước vẫn là bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân. Đây là nền tảng để triển khai các mục tiêu tiếp theo về khôi phục và phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Dân gian Việt Nam vẫn có câu “Yêu nhau yêu cả đường đi – Ghét nhau ghét cả tông chi họ hàng”. Với các thế lực thù địch, chống đối, tất cả những gì liên quan đến chế độ đa nguyên, đa đảng đều tươi đẹp, tích cực; ngược lại, mọi thư liên quan đến đảng cộng sản đều trở thành cái gai trong mắt. Vậy nhưng bất chấp những chiếc “lưỡi có gai” ngày đêm công kích, xuyên tạc tình hình dịch Covid-19 thì Việt Nam càng ngày càng thích ứng một cách linh hoạt với tình hình mới.
Bảo An