Tự do báo chí không phải là sự tự do vô nguyên tắc
Tự do nhưng báo chí cũng phải hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, không được làm tổn hại đến lợi ích quốc gia và nhân dân.
Ngay từ khi khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, trong bản Tuyên ngôn độc lập, chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng, tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được. Trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. 75 năm qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn nhất quán quan điểm tôn trọng và bảo vệ các quyền tự do cơ bản của con người, trong đó có quyền tự do báo chí. Và báo chí cách mạng Việt Nam đã trở thành phương tiện thông tin, công cụ tuyên truyền, vũ khí tư tưởng quan trọng của Đảng, Nhà nước; là diễn đàn của Nhân dân và là cầu nối Việt Nam với bạn bè quốc tế. Ngoài ra báo chí cách mạng Việt Nam còn là cầu nối giữa ý Đảng, lòng dân, tạo đồng thuận xã hội, thúc đẩy công cuộc xây dựng và phát triển đất nước; là phương tiện để người dân kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật và đóng góp ý kiến phản biện đối với các chính sách pháp luật của Nhà nước, là công cụ để bảo vệ lợi ích xã hội, bảo vệ quyền của người dân.
Đời sống báo chí của Việt Nam đang phát triển sinh động, sôi nổi, đảm bảo mọi công dân đều có thể thực hiện quyền tự do, ngôn luận, tự do báo chí. Ở Việt Nam hiện đang phát triển đầy đủ các loại hình báo chí từ báo in, phát thanh, truyền hình, điện tử. Cùng với các hãng thông tấn báo chí trong nước, các hãng truyền thông báo chí nước ngoài cũng đang hoạt động tích cực tại Việt Nam. Với sự phát triển nhanh chóng của internet, mạng xã hội, các hoạt động báo chí ngày càng trở nên đa dạng.
Sự kiện Thượng định Mỹ – Triều lần thứ 2 diễn ra tại Hà Nội thu hút khoảng 3000 phóng viên quốc tế. Thời gian này, Việt Nam trở thành tâm điểm của báo chí quốc tế với vai trò nước chủ nhà. Các tờ báo lớn, các hãng thông tấn trên thế giới đều đồng loạt đăng tải trên trang nhất về công tác chuẩn bị chu đáo và để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp về một đất nước thân thiện, chuộng khách, yêu chuộng hòa bình.
Những thành tựu nổi bật mà Việt Nam đạt được trên trường quốc tế là Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc; đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020 là những khẳng định cho mọi nỗ lực mà Việt Nam cam kết với cộng đồng quốc tế, là sự tín nhiệm, công nhận của cả thế giới về một quốc gia luôn tôn trọng và đặt quyền con người là mục tiêu phát triển đầu tiên.
Hiên nay Việt Nam có hơn 19 nghìn nhà báo được cấp thẻ, làm việc ở gần 900 cơ quan, báo chí đủ các loại hình từ truyền thống đến hiện đại. Các cơ quan báo chí đều có tôn chỉ, mục đích rõ ràng, cơ sở vật chất ngày càng hiện đại và đội ngũ nhà báo luôn tâm sáng, lòng trong, bút sắc đang hàng ngày, hàng giờ truyền tải thông tin trong nước và quốc tế một cách khách quan, trung thực, đáp ứng đầy đủ nhu cầu người dân trong cuộc sống.
Tuy nhiên, bên cạnh những phóng viên, nhá báo chân chính, có đạo đức nghề nghiệp, có tâm với sự phát triển của đất nước thì vẫn còn có một vài cá nhân lợi dụng danh nghĩa phóng viên báo chí để thể hiện “quyền lực” quá trớn, với nhiều mục đích không rõ ràng. Điển hình, tại huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên, trong ngày 20/08/2020 có 02 người lạ, tự xưng là phóng viên báo Điện tử tầm nhìn, ở Hà Nội đến Khu phố Đông Hòa, Thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên đến làm phóng sự điều tra về môi trường, qua đó lôi kéo, kích động tập hợp người dân. Đáng chú ý, trong thời điểm cả nước căng mình thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19, nhưng khi chính quyền địa phương đến yêu cầu xuất trình giấy tờ tùy thân và tiến hành khai báo y tế thì 02 người này không chấp hành, 02 người này cho rằng là phóng viên đã khai báo tại sân bay thì không cần phải khai báo khi đến địa phương. Phải mất hơn 03 giờ giải thích, vận động chính quyền địa phương mới đưa được 02 người này về trụ sở UBND Thị trấn Củng Sơn để tiến hành khai báo y tế theo đúng quy định công tác phòng chống dịch Covid-19.
Qua kiểm tra được biết 02 trường hợp trên là Mai Xuân Bắc và Nguyễn Ổi, cả 02 đều không có thẻ nhà báo mà chỉ có Giấy giới thiệu của Tổng biên tập báo Điện tử tầm nhìn. Mặc dù Giấy giới thiệu đến Huyện ủy, UBND huyện nhưng ông Mai Xuân Bắc và ông Nguyễn Ổi không đến cơ quan để làm việc mà lại vào Khu phố Đông Hòa, Thị trấn Củng Sơn để kích động, lôi kéo người dân tụ tập gây mất ANTT.
Căn cứ thông báo trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Thông tin truyền thông thì tôn chỉ, mục đích của báo Điện tử tầm nhìn là: Tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực quản trị doanh nghiệp; thông tin tư vấn kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, phổ biến các kinh nghiệm làm giàu chân chính, góp phần vào sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và sự phát triển của đất nước Việt Nam. Như vậy trong mục đích hoạt động không có làm phóng sự điều tra về môi trường. Phải chăng 02 phóng viên Mai Xuân Bắc và Nguyễn Ổi đã tự cho mình cái “quyền lực” quá trớn để vì mục đích khác.
Trong bối cảnh báo chí đang chịu nhiều sự tác động của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đặt ra những thách thức lớn đối với hoạt động báo chí, đòi hỏi trách nhiệm của những người làm báo ngày càng phải nâng cao. Nhiệm vụ nặng nề và vinh quang của người chiến sỹ trên mặt trật tư tưởng càng phải được thể hiện rõ bởi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch đã, đang và sẽ tiếp tục coi báo chí là một vũ khí sắc bén tấn công nền tảng tư tưởng của Đảng.
Tự do báo chí không phải là sự tư do vô nguyên tắc để rồi trở thành công cụ phục vụ mục đích đen tối. Hệ thống pháp luật quốc tế cũng như pháp luật các quốc gia đều thừa nhận quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận của mọi tổ chức, cá nhân, nhưng đều khẳng định đó không phải là quyền tự do tuyệt đối. Bởi tự do báo chí là tự do thực hành chân lý và tuân thủ pháp luật. Mọi hành động lợi dụng tự do báo chí phục vụ cho những mưu đồ xấu vi phạm dân chủ, đạo đức và thuần phong mỹ tục, pháp luật nhất thiết phải bị nghiêm trị
Diệu Hương
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả