Từ Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái nghĩ về chuyện nhường ghế cho người trẻ có năng lực
Từ ngày 21-30/9, đã có 13/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành chương trình đại hội Đảng bộ. Thực hiện đúng chủ trương của Đảng và yêu cầu về công tác cán bộ trong tình hình mới, một số tỉnh, thành đã tổ chức đại hội Đảng trên tinh thần đổi mới, đột phá và nhận được sự ủng hộ của người dân. Như tại đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái mới đây, đã có 13 ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII không tái cử tham gia Ban Chấp hành khóa XIX. Đặc biệt, phải kể đến việc có người dù đủ điều kiện tái cử như ông Vũ Xuân Sáng, bà Nguyễn Thị Thu Hà đã có đơn tự nguyện không tiếp tục ứng cử tham gia Ban Chấp hành khóa XIX, tạo điều kiện để Đảng bộ đổi mới Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, đảm bảo cơ cấu, tỷ lệ theo đúng quy định.
Theo quy luật tự nhiên “tre già măng mọc”, nhưng ở một số đơn vị, địa phương, mặc dù măng đã mọc nhưng tre vẫn chưa già. Có một thực tế khách quan là, càng lên cao tỷ lệ cán bộ trẻ trúng cử cấp ủy càng thấp. Một nguyên nhân quan trọng là không ít cấp ủy, tổ chức đảng nhận thức chưa sâu sắc về tính cấp bách của chủ trương trẻ hóa đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cấp. Do vậy, thiếu chủ động tạo nguồn, quy hoạch và đào tạo cán bộ trẻ, nhất là đào tạo, bồi dưỡng theo yêu cầu, tiêu chuẩn chức danh dẫn đến tình trạng thiếu nguồn cấp ủy viên. Mặt khác, là cán bộ đi trước chưa thật tin, chưa muốn giao cho lớp trẻ, thậm chí chưa sẵn sàng nhường bước cho họ. Cũng vì vậy, những cán bộ trẻ xuất sắc dù đã thể hiện mình vẫn không được chú ý, có khi còn bị dèm pha, kèn cựa, thậm chí bị “bật” ra.
Chính vì vậy, người dân rất hoan nghênh tinh thần của ông Vũ Xuân Sáng và bà Nguyễn Thị Thu Hà, khi chủ động rút lui, “nhường ghế” cho thế hệ kế cận lên đảm nhận những nhiệm vụ quan trọng, đây cũng là cơ hội để tổ chức kiện toàn, sắp xếp lại bộ máy hoạt động, tạo luồng gió mới cho sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Thẳng thắn mà nói, việc tự nguyện rút đơn, không tiếp tục ứng cử tham gia Ban Chấp hành khóa XIX của hai cán bộ trên, nói thì dễ nhưng để làm được điều này quả thực không dễ chút nào. Rời bỏ quyền lực, danh vọng đòi hỏi người cán bộ, công chức đó phải đủ dũng cảm, chiến thắng được bản thân trước những lợi lộc từ chức vụ, quyền hạn mang lại. Thêm nữa, cán bộ như ông Sáng và bà Hà là những người có năng lực, kinh nghiệm và được sự tín nhiệm của cán bộ Đảng viên. Nếu tiếp tục ứng cử thì chắc chắn sẽ được tín nhiệm tái cử, vậy nên hành động lùi lại của hai cán bộ trên không phải là rút bỏ trách nhiệm, hay thiếu năng lực, trút bỏ gánh nặng để họ nhẹ thân mình, mà trao gánh nặng đó cho thế hệ trẻ, những người có trình độ, năng lực để tiếp tục đi xa hơn, dài hơn, còn họ có thể sẽ tiếp tục hành trình để trở thành người có ích trên phương diện khác.
Đại hội các cấp đang diễn ra và Đại hội Đảng khóa XIII đang đến gần. Nếu công tác chuẩn bị nhân sự theo cách làm cũ thì không khơi dậy được nhân tài, mặt khác không chuyển tiếp các thế hệ để bảo đảm có cán bộ có kinh nghiệm trong lãnh đạo, quản lý đất nước với số cán bộ trẻ có triển vọng vươn lên, thay thế. Trong chỉ thị 35 của Bộ Chính trị “về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng” và trong bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhấn mạnh việc phấn đấu làm thế nào để tỷ lệ nữ, người dân tộc và đặc biệt tăng cán bộ trẻ hơn khóa XII. Có thể thấy, tăng tỷ lệ cán bộ trẻ tham gia vào các cấp là một tiêu chí rất được quan tâm trong chiến lược công tác cán bộ của Đảng. Tỉnh Yên Bái đã đi đầu trong việc có ủy viên Ban Chấp hành khóa XVIII không tái cử, rút lui, nhường ghế cho lớp trẻ. Từ đây cho đến ngày 31/10/2020, các tỉnh, thành còn lại sẽ tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp, tin rằng sẽ có nhiều đột phá, sáng tạo, và cách làm hay như vậy, để đội ngũ cán bộ sẽ ngày càng trẻ hóa, có nhiều năng lượng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kì mới. Mỗi tỉnh, thành là một mảnh ghép góp phần đạt mục tiêu chung cho đất nước. Địa phương làm tốt cũng là tiền đề cho đất nước làm tốt, phát triển và đi lên.
Thế Khoa