+
Aa
-
like
comment

Từ chuyện giả mạo thương hiệu đồng hồ đến chuyện thề không sống gian dối của một nghệ sĩ

Phạm Khoa - 08/02/2023 21:08

Chuyện người có tiếng (KOLs), đặc biệt là nghệ sĩ, liên kết với doanh nghiệp, hay thương nhân quảng cáo sản phẩm là chuyện quá bình thường. Nhưng, hơn một năm nay, mặt tối của những liên kết này mới thật sự làm công chúng ghê sợ, và đặt ra câu hỏi: “Phải chăng đã đến lúc pháp luật cần mạnh tay hơn với sự làm loạn xã hội của những người nổi tiếng?”.

Status của một nghệ sĩ gây phẫn nộ trong dư luận

Tiếp nối chuỗi bê bối của các nghệ sĩ nổi tiếng khi tham gia quảng cáo, bán hàng kém chất lượng trên mạng xã hội, mới đây, việc một nam ca sĩ đình đám bị dư luận phát hiện gian dối xuất xứ của thương hiệu đồng hồ trong hệ thống cửa hàng mang tên anh đã khiến công chúng thêm bức xúc. Sau sự việc, nghe đâu nghệ sĩ lên cả chùa để thề thốt không lừa dối ai, trong khi khách hàng ngậm trái đắng với những chiếc đồng hồ chẳng biết sản xuất ở xứ nào trị giá hàng chục triệu lỡ mua.

Xưa giờ, chuyện nghệ sĩ làm sai, làm lố, rồi xoa dịu dư luận bằng các hình thức “tâm linh” không hề hiếm, và đã từng được không ít khán giả thông cảm, cho qua. Nhưng với người có nhận thức đúng đắn về pháp luật và xã hội, các chiêu trò mị khán giả này thật sự vô cùng nực cười, và đáng lên án.

Còn nhớ cách đây không lâu, khi hàng loạt các nghệ sĩ, người mẫu đăng bài quảng cáo tiền điện tử, bị dư luận vạch mặt là nội dung quảng cáo có dấu hiệu lừa đảo, thì vội ẩn tin, rồi im lặng. Không ai trong số đó nói được một lời xin lỗi thành thật, và nhận trách nhiệm với những khán giả hâm mộ đã vì tin nghệ sĩ mà tiền mất tật mang.

Chưa hết, nếu thường xuyên dùng mạng xã hội, dư luận sẽ phải hoa mắt, đau đầu với mê hồn trận các status, cũng như các video clip, các buổi livestream quảng bá sản phẩm của vài gương mặt nghệ sĩ “quốc dân”. Kiểu như C.T với sữa tiểu đường, kem trị nám; K.T.L với thuốc bổ mắt, Q.L với thuốc giảm cân, thoái hóa cột sống, H.V với thuốc mọc tóc, V.A với status bán hàng phong thủy, giải hạn sặc mùi mê tín, thầy bà…Theo lời các nghệ sĩ này, những sản phẩm trên đã được chính họ dùng, và kết quả ngoài mong đợi. Vì muốn chia sẻ “bí quyết” giá trị đó cho cộng đồng, mà họ “lên sóng”.

Thông thường, khi nghe những lời có cánh đó, người tiêu dùng, mà thống kê cho thấy, phần lớn là khán giả hâm mộ nghệ sĩ, rất dễ móc hầu bao, mua sản phẩm. Người mua sản phẩm sẽ suy nghĩ kiểu như: “Người ta có danh tiếng mà, sao dám bán rẻ uy tín, nói sai được!”

Phải, nhưng danh tiếng, hay “uy tín” không hề được bán rẻ, mà bán bằng khá nhiều tiền. Xét cho cùng, những khoản tiền đôi khi không tưởng mà nghệ sĩ nhận được từ việc liên kết với các doanh nghiệp hay thương nhân chính là tiền từ túi công chúng, từ túi người dân có nhu cầu mua sản phẩm.

Nếu chỉ là trang sức, trang phục, vật ngoài thân thì hậu quả chỉ liên quan đến việc mất tiền; nhưng sản phẩm là thuốc chữa bệnh, hay thực phẩm chức năng thì hậu quả để lại lớn hơn nhiều, có thể gây hại đến sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng. Do vậy, về mặt pháp luật, những nghệ sĩ này đang có dấu hiệu vi phạm pháp luật, không chỉ là Luật Quảng cáo, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, mà còn là Bộ luật Hình sự 2015.

Thiếu hiểu biết về pháp luật, tham lam, gian dối, bất chấp danh dự nghề nghiệp, và trách nhiệm công dân, nhiều nghệ sĩ đang làm chuyện bát nháo, gây hại cho người dân, và xã hội. Câu chuyện xấu xí này cần được mổ xẻ nghiêm túc trong thời gian tới bởi các cơ quan quản lý chuyên môn, và cơ quan thừa hành pháp luật.

Không nên chỉ trông chờ vào sự tẩy chay của công chúng, mà hãy sử dụng pháp luật để chế tài. Xã hội văn minh, mọi công dân phải sống và làm việc theo pháp luật. Trả lại sự công bằng, và thái độ tôn trọng cho những nghệ sĩ chân chính, cũng như môi trường lành mạnh, văn minh cho thương mại điện tử.

Phạm Khoa

Bài mới
Đọc nhiều