Từ Cách mạng tháng Tám: Kỳ vọng một cuộc “cách mạng trong thời kỳ đổi mới”!
Tất cả những thành tựu trong suốt 75 năm qua, nhất là trong hơn 30 năm đổi mới, đều bắt nguồn từ nền tảng đầu tiên là thắng lợi vĩ đại của Cách mạng tháng Tám và sự thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Việc vận dụng các bài học kinh nghiệm của lịch sử một cách mềm dẻo, linh hoạt, nhờ đó – một dân tộc đã vươn mình!
Vai trò, ảnh hưởng to lớn cũng như bài học ý nghĩa của Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã ghi dấu trong nhiều giai đoạn phát triển của cách mạng Việt Nam, không chỉ trong công cuộc thống nhất đất nước mà còn trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Nền tảng từ Cách mạng tháng Tám
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Việt Nam đã làm nên một kỳ tích đầu tiên của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX: Tiến hành thành công Cách mạng tháng Tám, lật đổ ách thống trị tàn bạo của phát xít Nhật, xóa bỏ chế độ quân chủ lỗi thời, giành quyền độc lập dân tộc, thành lập Nhà nước dân chủ cộng hòa, khôi phục nền thống nhất quốc gia, đưa dân tộc Việt Nam phát triển theo con đường cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Có lẽ, những ai đã từng là thân phận nô lệ rên xiết dưới ách thống trị của đế quốc, thực dân và chế độ phong kiến, đã từng chứng kiến cảnh nước mất, nhà tan, lầm than, đói khổ, của nỗi nhục mất nước thì mới thấm hết những giá trị cao quý của độc lập và tự do; cũng như mới đánh giá được thành quả của một quá trình đấu tranh lâu dài, kiên cường, bất khuất của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Theo đó, Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 để lại những di sản về lý luận, bài học vô cùng quý giá chứa đựng nhiều giải pháp cần được chắt lọc, phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Đó là bài học trong mọi hoàn cảnh, phải luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên trì thực hiện đường lối đổi mới. Là một trong những cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh, được thể hiện trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng, giải quyết một cách đúng đắn và xác đáng mối quan hệ chủ quyền quốc gia và lợi ích của nhân dân, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội, giữa mục tiêu trước mắt và định hướng phát triển lâu dài, phù hợp với dòng chảy của lịch sử nhân loại và đặc điểm Việt Nam.
Chính đường hướng đó đã được vận dụng và thể nghiệm trong thực tiễn Việt Nam từ khi Đảng ra đời và đã tạo nên nguồn gốc sức mạnh, đưa đến thành công rực rỡ của Cách mạng tháng Tám – 1945, nước Việt Nam hiện đại ra đời.
Đó là bài học phải củng cố và tăng cường sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc kết tụ trong Mặt trận dân tộc thống nhất do liên minh công, nông, trí thức làm nòng cốt, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Tiếp theo, là bài học phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường kết tinh trong luận điểm nổi tiếng của lãnh tụ Hồ Chí Minh “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” được áp dụng và thực thi triệt để trong Cách mạng tháng Tám.
Có thể thấy, một dân tộc đã tự giải phóng mình khỏi ách thống trị đế quốc, thực dân đưa đất nước từ thuộc địa – phong kiến trở thành nước độc lập, tự do, dân chủ; Một dân tộc đã làm nên cuộc cách mạng Tháng Tám “long trời, lở đất” không có lẽ gì không làm nên “Cách mạng Tháng Tám của thời kỳ đổi mới”.
Nhờ đó – một dân tộc đã vươn mình!
Toàn cầu hóa là xu thế tất yếu khách quan, đang lôi cuốn tất cả các quốc gia trên thế giới tham gia và tác động sâu rộng tới các lĩnh vực của đời sống xã hội, đến sự vận động, phát triển của mọi quốc gia, dân tộc. Toàn cầu hóa là một quá trình có tác động hai chiều, cả tích cực lẫn tiêu cực, đem lại cả thời cơ, vận hội phát triển lẫn thách thức, nguy cơ hiểm họa khó lường đối với các quốc gia, dân tộc.
Nhìn lại gần 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới và gần 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991, bổ sung, phát triển năm 2011, Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, toàn diện, đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử; chưa bao giờ đất nước có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay.
Thực tiễn cho thấy, khi đã có đường lối đúng thì phương châm hành động là: nghị quyết 1, quyết tâm phải 10 và tổ chức thực hiện phải 20 thì mới đem lại kết quả thắng lợi vẻ vang. Ngày nay, trong sự nghiệp đổi mới xây dựng đất nước phương châm hành động đó vẫn hoàn toàn không cũ; một số bộ, ngành, địa phương đang tích cực, quyết liệt trong khâu tổ chức thực hiện đã đem lại những kết quả rõ rệt.
Và khó khăn, thách thức ngay thời điểm hiện tại chính là dịch họa mang tên Covid-19. Hầu hết mọi quốc gia đang phải trải qua một thời kỳ thực sự khó khăn do cả thế giới phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng chưa từng có, cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ Thế chiến thứ II.
Cùng với thế giới, dịch Covid-19 tác động đến nhiều ngành, lĩnh vực của chúng ta. GDP quý I/2020 chỉ tăng 3,82%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ, thấp nhất kể từ năm 2011.
Nhiệm vụ của chúng ta là bảo đảm thực hiện nghiêm túc biện pháp, trước hết không để lây lan, sớm khống chế được dịch bệnh. Không chỉ có vậy, phải làm sao biến nguy thành cơ, sau dịch Covid-19 làm thế nào cho nền kinh tế tăng tốc, không chỉ bù đắp những tổn thất rất lớn vừa qua mà còn đạt được những tầm nhìn, những quyết tâm về một Việt Nam độc lập, tự cường và thịnh vượng.
Nhìn nhận một cách tổng thể, cho đến bây giờ có thể nói, những chính sách, đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, những giá trị truyền thống, bài học từ tinh thần Cách mạng tháng Tám đã và đang được phát huy, các tầng lớp nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, nhưng nước ta vẫn còn nghèo, vẫn thua kém nhiều mặt so với những nước có hoàn cảnh lịch sử gần giống chúng ta cũng là một điều đáng suy nghĩ.
Trong khi nước ta có những lợi thế vượt trội so với một số nước. Ví như ưu thế về địa chính trị, địa kinh tế; rồi thế mạnh của rừng, biển và khoáng sản; đặc biệt chúng ta có nguồn nhân lực dồi dào, lao động cần cù, sáng tạo và đang ở thời điểm “dân số vàng”… Những tiềm lực đó chính là sức mạnh vô cùng quan trọng để có thể làm nên “cuộc cách mạng” cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Nên có một vấn đề được đặt ra ở đây là: Liệu rằng chúng ta đã và đang bỏ sót, thiếu sót khâu nào trong quá trình thực hiện chủ trương, đường lối đổi mới, hiện đại hóa đất nước?
Vì thế, các nhà quản lý, hoạch định chính sách phải đưa ra được các cơ chế, chính sách, giải pháp cụ thể, mạnh mẽ, đúng và trúng để duy trì, phục hồi các hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm việc làm, đời sống cho nhân dân, phải biết làm sao để cho các doanh nghiệp nói riêng, nền kinh tế nói chung như một chiếc lò xo bị nén lâu ngày, phải bật ra, đuổi kịp với thời gian, đuổi kịp bạn bè quốc tế.
Đáng chú ý, ở thời điểm hiện tại và tương lai gần, chúng ta cần phải phát huy tinh thần đoàn kết, tận dụng được sức mạnh nội tại để chuyển mình đổi mới. Điều này cũng có nghĩa, Việt Nam – một đất nước với gần 100 triệu dân cần xây dựng các thị trường nội địa thực chất do các doanh nghiệp trong nước dẫn dắt, đây là một trong những chiến lược hiệu quả nhất để giúp nền kinh tế Việt Nam có khả năng chống chịu với những cú sốc bên ngoài.
Việt Nam chưa từng chùn bước trước khó khăn, luôn mạnh mẽ và đứng cao hơn thách thức nhờ vào khí chất dân tộc, sự quyết tâm, đồng thuận, trên dưới một lòng. Nhờ bài học kinh nghiệm của cuộc Cáng mạng tháng Tám, tinh thần Quốc khánh 2/9 mà một dân tộc đã chuyển mình, vươn mình.
Điều này cần được phát huy trong mọi hoàn cảnh và nhân dân đang kỳ vọng đất nước ta sẽ làm nên một cuộc “Cách mạng trong thời kỳ đổi mới”, tạo dựng sức mạnh, tự tin “sánh với cường quốc năm châu” như lời Bác Hồ mong ước.
Sông Trà
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả