Từ 1-1-2022, người sử dụng ma túy ngoài phạt tiền còn bị giám sát trong 1 năm
Đó là quy định mới theo Luật Phòng, chống ma túy năm 2021. Theo quy định này, ngoài việc xử phạt hành chính, người sử dụng trái phép chất ma túy còn bị quản lý giám sát trong vòng một năm.
Ngày 24-12, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04, Bộ Công an) tổ chức hội nghị cung cấp thông tin về Luật Phòng, chống ma túy năm 2021. Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2022.
Đáng chú ý, ngoài việc bổ sung chặt chẽ hơn các vấn đề mà luật cũ quy định, luật mới dành riêng chương IV để quy định về việc quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy. Đây là nội dung mà trước nay chưa hề có.
Theo đó, song song với xử phạt hành chính, người sử dụng trái phép chất ma túy (áp dụng ngay từ lần đầu phát hiện) còn bị quản lý giám sát trong vòng một năm.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng C04, cho rằng pháp luật hiện hành chỉ quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 500.000 -1.000.000 triệu đồng đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy là không đủ sức răn đe, ngoài ra không có biện pháp quản lý nào khác.
“Quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy không phải là biện pháp xử lý vi phạm hành chính. Đây sẽ là biện pháp phòng ngừa giúp họ không tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy nữa, đồng thời phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật mà họ có thể gây ra” – Cục trưởng C04 cho hay.
Thông tin cụ thể hơn, Trung tá Hoàng Văn Hiều, Phó trưởng Phòng 2, Cục C04, cho biết sau khi bị xử phạt hành chính, cơ quan chức năng sẽ lập hồ sơ quản lý đối với người sử dụng trái phép chất ma túy.
Chủ tịch UBND cấp xã là người có thẩm quyền ra quyết định và tổ chức quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy cư trú tại địa phương. Tổ quản lý sẽ do công an cấp xã làm tổ trưởng, kết hợp với người có uy tín trong dòng họ của người sử dụng trái phép chất ma túy.
Tổ quản lý sẽ phân công trực tiếp cho một người làm nhiệm vụ động viên, tuyên truyền, giáo dục để người sử dụng trái phép chất ma túy nhận thức ra tác hại của ma túy; đồng thời thực hiện giám sát để kịp thời phát hiện họ có tái phạm hay không.
Trong thời gian bị quản lý, nếu người sử dụng trái phép chất ma túy tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy thì cơ quan chức năng sẽ đưa đi xác định tình trạng nghiện. Trường hợp kết luận bị nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy sẽ bị áp dụng các hình thức cai nghiện theo quy định. Trường hợp không nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy sẽ bị quản lý thêm một năm nữa, kể từ thời điểm có kết luận.
Cũng theo Trung tá Hiều, việc quản lý đối với người sử dụng trái phép chất ma túy sẽ không công khai ở địa bàn cư trú, chỉ tổ công tác quản lý và gia đình người sử dụng trái phép chất ma túy biết. Trong thời gian quản lý, họ vẫn được quyền sinh hoạt, học tập và làm việc như bình thường.
Thống kê của Bộ Công an cho thấy tình hình người sử dụng trái phép chất ma túy tại Việt Nam ngày càng gia tăng. Năm 2017, cơ quan chức năng phát hiện 128.760 người, năm 2018 phát hiện 135.117 người, năm 2019 phát hiện 143.267 người sử dụng trái phép chất ma túy.
Riêng năm 2020, do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, lực lượng chức năng dồn sức chống dịch, nhiều địa phương áp dụng giãn cách, các dịch vụ không thiết yếu như quán bar, vũ trường, karaoke, khách sạn không được hoạt động nên số lượng người sử dụng ma túy mới bị phát hiện tăng không đáng kể.
Cục trưởng C04 Nguyễn Văn Viện cho rằng nếu có thể giảm số lượng người sử dụng trái phép chất ma túy, nghĩa là giảm nguồn cầu, thì đương nhiên nguồn cung ma túy vào Việt Nam sẽ giảm theo.
Minh Ngọc