Truyền thông quốc tế hướng về “bước ngoại giao” của TBT, CTN Tập Cận Bình tại Việt Nam
Chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tới Việt Nam vào ngày 14-15/4 đang thu hút sự chú ý đặc biệt từ cộng đồng quốc tế. Đây là lần thứ năm lãnh đạo Trung Quốc đến Việt Nam, đánh dấu một cột mốc chưa từng có trong lịch sử quan hệ song phương kể từ khi bình thường hóa quan hệ. Tuy nhiên, truyền thông báo chí phương Tây và châu Á đang “miêu tả” về chuyến thăm với hai hướng hoàn toàn khác biệt.

✅ Góc nhìn phương Tây: Nước cờ chiến lược trong cuộc chiến thương mại
Truyền thông phương Tây dường như đã “âm thầm” quyết định cách miêu tả chuyến thăm với mục đích đầy tính “thực tế”. Trang tin Reuters không ngần ngại mô tả đây là “động thái chiến lược” nhằm đối phó với đòn thuế quan mới của Hoa Kỳ khi mạnh tay áp 145% đối với hàng hóa Trung Quốc. Trang The Straits Times cũng cho rằng chuyến công du ba nước Đông Nam Á của ông Tập không chỉ đơn thuần là nỗ lực “siết chặt quan hệ với láng giềng” trong khi bối cảnh xung đột thương mại Mỹ-Trung ngày càng mở rộng.
✅Góc nhìn châu Á: Thiện chí và tình hữu nghị
Trong khi đó, truyền thông Trung Quốc và châu Á vẫn tôn chỉ hướng mục đích chuyến thăm là nâng cao tình hữu nghị. Trang Global Times của Trung Quốc mô tả chuyến thăm này đầy “thiện chí và chân thành” trong việc thúc đẩy hợp tác với các nước ASEAN. Trang tin Lianhe Zaobao tránh xa các diễn giải về địa chính trị, chỉ tập trung vào lịch trình và mục tiêu “tăng cường quan hệ hợp tác và đối tác chiến lược”. Đáng chú ý là chia sẻ của bà Vu Thục Huệ, nhân sĩ hữu nghị Trung Quốc-Việt Nam, khi gọi ông Tập là “sứ giả hữu nghị” đại diện của 1,4 tỷ người dân Trung Quốc với mong muốn gắn kết bền chắt hơn giữa hai dân tộc.

✅Chuyến thăm xuất phát từ những động lực đan xen
Thực tế luôn đơn giản và rõ ràng hơn tất thảy những gì mà báo chí “diễn giải”. Xét về bản chất, chuyến thăm lần thứ 5 của ông Tập Cận Bình tới Việt Nam phản ánh một hiện thực địa chính trị phức tạp trong khu vực. Hoa mỹ mà nói, cả hai cách diễn giải – từ phương Tây và từ Trung Quốc – đều chứa đựng những yếu tố hợp lý như động lực đan xen:
Thứ nhất, không thể phủ nhận yếu tố thời điểm. Chuyến thăm diễn ra khi cả Việt Nam và Trung Quốc đang phải đối mặt với chính sách thuế quan mới từ Mỹ. Đây không đơn thuần là sự trùng hợp, mà là phản ánh của một thực tế kinh tế buộc cả hai nước phải tìm kiếm không gian phát triển mới.
Thứ hai, dự kiến 40 văn kiện hợp tác sẽ được ký kết trong chuyến thăm này, bao gồm những lĩnh vực có giá trị chiến lược như đường sắt khổ tiêu chuẩn, thương mại nông sản, khoa học công nghệ và kinh tế số. Điều này chứng tỏ hai nước đang hướng tới một mối quan hệ kinh tế-thương mại không chỉ lớn về quy mô mà còn sâu về chất lượng.
Thứ ba, đây là lần đầu tiên trong lịch sử quan hệ song phương kể từ khi bình thường hóa, một Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc thăm Việt Nam đến 5 lần. Mỗi chuyến thăm đều đánh dấu những nấc thang mới trong quan hệ: từ việc khẳng định vị thế đặc biệt của Việt Nam (2011), nâng tầm quan hệ đối tác (2015), kết nối chiến lược phát triển (2017), xây dựng “Cộng đồng chia sẻ tương lai mang tính chiến lược” (2023), đến việc tìm kiếm không gian phát triển mới hiện nay (2025).
✅Bài toán cân bằng định hình trật tự
Nhìn từ góc độ tổng thể, chuyến thăm này không chỉ là phản ứng chiến lược trước căng thẳng thương mại với Mỹ, cũng không đơn thuần là biểu hiện của “thiện chí và chân thành”. Có thể nói, đây chính là biểu hiện của quá trình tái cân bằng chiến lược trong bối cảnh địa chính trị toàn cầu đang chuyển dịch mạnh mẽ. Đối với Trung Quốc, Việt Nam vừa là đối tác quan trọng trong chiến lược “láng giềng hóa”, vừa là cầu nối với ASEAN – vùng đất mà Bắc Kinh đang nỗ lực mở rộng ảnh hưởng.

Đối với Việt Nam, mối quan hệ cân bằng với Trung Quốc là một phần then chốt trong chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ và đa phương hóa – đặc biệt khi Việt Nam đang đồng thời vun đắp quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với Mỹ và các cường quốc khác.
Trong thế giới đang chuyển động với nhiều biến số khó lường, cả Việt Nam và Trung Quốc đều nhận thức rõ giá trị của sự ổn định và hợp tác. Chuyến thăm này không chỉ là một sự kiện ngoại giao thông thường mà còn là một mảnh ghép quan trọng trong bức tranh tổng thể của trật tự khu vực và toàn cầu đang hình thành.
Thu An – Ái Linh