Truyền thông Nga: “Việt Nam – Ngọn cờ tiên phong của ASEAN”
Trang Infox của Nga mới đây đăng tải bài viết của tác giả Grigory Trofimchuk, chuyên gia trong lĩnh vực chính sách đối ngoại, quốc phòng và an ninh, với tiêu đề: “Việt Nam – ngọn cờ đầu của ASEAN”. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh tới vai trò lãnh đạo của Việt Nam trong khu vực.
Theo Infox, kể từ khi gia nhập ASEAN, Việt Nam đã nổi lên là một thành viên năng động và trách nhiệm, mang lại những ảnh hưởng tích cực cho cấu trúc của ASEAN. Việt Nam đã góp phần thúc đẩy hợp tác nội khối và tạo nhiều cơ hội cho đầu tư và tăng trưởng kinh tế, đóng góp quan trọng vào việc duy trì sự thống nhất, hòa bình và ổn định khu vực.
Hơn nữa, Việt Nam không chỉ là một trong những ngọn cờ đầu của ASEAN mà còn thực sự chứng tỏ vai trò lãnh đạo của mình, trở thành người chơi trung tâm và là “chìa khoá” cho các vấn đề trong khu vực..
Việt Nam là quốc gia có uy tín và vị thế ngày càng tăng trên trường quốc tế, có môi trường kinh doanh hấp dẫn, ổn định chính trị và chính sách đối ngoại có thể đoán định được.
Trong bài viết, chuyên gia Nga Grigory Trofimchuk cho rằng lập trường nhất quán và mang tính xây dựng của Việt Nam trong việc thiết lập môi trường hòa bình và ổn định trong toàn bộ khu vực, bao gồm cả tranh chấp trên Biển Đông, là yếu tố quan trọng giúp Việt Nam thích nghi với tình hình địa chính trị hiện đại.
Trước hết, phải kể tới vai trò chủ động, linh hoạt của Việt Nam trong việc dẫn dắt ASEAN vượt qua những một năm đầy thách thức, trong đó có đại dịch COVID-19. Khi dịch bệnh lan rộng và các nước phải đóng cửa biên giới hồi tháng 3/2020, Việt Nam đã có sáng kiến chủ động chuyển các sự kiện của ASEAN sang hình thức họp trực tuyến ở các cấp khác nhau. Qua đó đã giúp khắc phục những trở ngại, tiết kiệm thời gian đồng thời vẫn bảo đảm hoạt động của ASEAN và đem lại những động lực mới.
Bất chấp những thách thức to lớn và phải tổ chức các cuộc họp theo cách thức chưa từng có tiền lệ trong lịch sử của ASEAN, Việt Nam không chỉ thực hiện hết sức hiệu quả vai trò Chủ tịch ASEAN mà còn hoàn thành mọi mục tiêu theo kế hoạch đã đề ra.
Mặc dù đại dịch COVID-19 khiến các chuyên viên, đại biểu và lãnh đạo các nước không thể gặp nhau trực tiếp, Việt Nam vẫn chuẩn bị rất tốt, rất đầy đủ các nội dung, giúp cho các cuộc họp dù chỉ diễn ra theo hình thức trực tuyến nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả, đảm bảo nội dung, mục đích trong khi vẫn giữ được vai trò trung tâm của ASEAN.
Bên cạnh đó, đóng góp của Việt Nam về lĩnh vực kinh tế thương mại cũng được Infox ghi nhận và đánh giá cao. Theo đó, kể từ khi gia nhập ASEAN, Việt Nam đã bắt đầu tiến hành một số cải cách kinh tế và làm sâu sắc các mối quan hệ kinh tế của mình với phần còn lại của thế giới.
Việt Nam đã sử dụng thành công lực đòn bẩy của dòng đầu tư này vào các động cơ xuất khẩu, đặc biệt là ngành công nghiệp điện tử, giúp Việt Nam trở thành một trong những nước có tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cao nhất trong khu vực, trung bình khoảng 6,3% trong 10 năm qua. Kết quả là thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng gấp gần 10 lần, từ khoảng 277 USD năm 1995 lên 2.715 USD vào năm 2022, và giờ đây là một trong những nền kinh tế lớn nhất của ASEAN.
Theo Infox, Việt Nam đã sử dụng thành công kinh nghiệm ngoại giao của mình để thúc đẩy quan hệ ASEAN với các cường quốc, trong đó đặc biệt phải kể đến Nga và Mỹ. Không chỉ vậy, nền kinh tế Việt Nam còn bổ sung cho các nền kinh tế khác, đặc biệt là việc trao đổi nguồn lao động chất lượng cao sang Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc để tham gia mạng lưới sản xuất khu vực. Từ đó, Việt Nam đã và đang tiến lên chuỗi giá trị và gia tăng sức mạnh công nghiệp với xuất khẩu tương đương khoảng 100% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Trong suốt 27 năm qua, Việt Nam đã có những đóng góp có ý nghĩa cho sự phát triển của ASEAN, đồng thời đảm bảo nền chính trị ổn định và một nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng cao. Từ đó có nền tảng vững chắc để tạo ra những đóng góp ý nghĩa cho ASEAN.
Có thể thấy rằng những năm gần đây, ASEAN ngày càng có tiếng nói quan trọng trong khu vực và thế giới, trong đó nổi bật lên vai trò của Việt Nam với nhiều sáng kiến nhằm củng cố, phát triển sức mạnh của cả khối.
Trang Infox cũng đánh giá cao chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá của Việt Nam, cho rằng chính sách này là đúng đắn, phù hợp trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp như hiện nay.
Và cuối cùng, Việt Nam đã thể hiện trò quan trong việc ASEAN xử lý các tranh chấp ở Biển Đông giữa các thành viên và Trung Quốc. Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002.
Trước đó, trong bài viết “Biển Đông – Thực trạng và cách tiếp cận của Nga”, Tiến sỹ Lịch sử Anton Viktorovich Bredikhin – thành viên Hội đồng khoa học Trung tâm Khoa học xã hội “Các vấn đề chính trị-xã hội hình thành EAEU,” Viện Hàn lâm khoa học Nga – đã đánh giá cao chính sách nhất quán của Việt Nam trong nỗ lực tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế-xã hội, bao gồm kinh tế biển. Qua đó nhấn mạnh việc Việt Nam ủng hộ việc tăng cường đối thoại toàn cầu trong giải quyết các xung đột quốc tế, đặc biệt trong thời gian đảm đương cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021.
Lan Hoa (Theo Infox)