+
Aa
-
like
comment

Trung úy cảnh vệ trả lại 300 triệu bị chuyển khoản nhầm

Bích Vân - 12/04/2023 17:25

Nhận được 300 triệu đồng chuyển nhầm vào tài khoản, trung úy cảnh vệ Mai Ngọc Lâm liền báo cáo chỉ huy, rồi liên hệ người chuyển nhầm và ngân hàng để xác minh, trả lại.

Trung úy Lâm (trái) và hạ sĩ Chiến – Ảnh: Bộ Tư lệnh cảnh vệ

Ngày 12-4, đại diện Bộ tư lệnh Cảnh vệ cho biết vừa qua, một chiến sĩ trong đơn vị đã trả lại 300 triệu đồng cho một phụ nữ chuyển khoản nhầm.

Theo đó, khoảng 22h40 ngày 8-4, trung úy Mai Ngọc Lâm (Trung đoàn 375, Bộ tư lệnh Cảnh vệ) nhận được thông báo biến động số dư trong tài khoản ngân hàng cá nhân được cộng thêm 300 triệu đồng.

Nội dung chuyển khoản là “chuyển khoản lại tiền cọc nhà số 10, ngõ 19 Đông Tác” từ chủ tài khoản Trần Thị Kim T. (trú tại Hà Nội).

“Bỗng dưng nhận được số tiền lớn chuyển vào tài khoản, tôi thấy rất hoang mang, bối rối, không biết số tiền này từ đâu tới. Chưa bao giờ tài khoản của tôi có số tiền lớn như vậy.

Nghĩ người chuyển nhầm cũng đang rất lo lắng, sợ mất tiền, nên tôi đã nhanh chóng tìm cách liên hệ để trả lại cho họ”, trung úy Lâm nói với Tuổi Trẻ Online.

Anh Lâm sau đó báo cáo sự việc với chỉ huy trực, rồi liên hệ người chuyển nhầm tiền và ngân hàng để xác minh, hoàn trả.

Ngày 10-4, anh Lâm đã gặp chị Trần Thị Kim T. tại ngân hàng để làm các thủ tục trả lại tiền.

Sau khi nhận lại số tiền trên, chị T. xúc động, gửi lời cảm ơn trung úy Lâm.

Trước đó, ngày 31-3, trong khi thực hiện nhiệm vụ tại Đài tưởng niệm số 1 Bắc Sơn, hạ sĩ Ngô Quang Chiến (Trung đoàn 375) đã nhặt được một chiếc ví.

Trong ví có số tiền 7,5 triệu đồng và một số giấy tờ có tên Phạm Thị T.. Hạ sĩ Chiến đã báo cáo cán bộ phụ trách, trả lại chiếc ví cho người đánh rơi.

Chị T. rất vui mừng vì tìm lại được tài sản bị mất, đề nghị cảm ơn Chiến bằng tiền mặt nhưng hạ sĩ này từ chối nhận.

Theo quy định pháp luật, khi một người nhận được tiền do người khác chuyển nhầm vào tài khoản thì phải có nghĩa vụ hoàn trả toàn bộ số tiền này. Việc không trả lại, rút sử dụng… bị coi là chiếm giữ tài sản của người khác và sẽ bị xử lý theo quy định:

Theo điểm đ khoản 2 điều 15 nghị định 144 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội: Nếu có hành vi sử dụng, mua, bán, thế chấp, cầm cố trái phép hoặc chiếm giữ tài sản của người khác sẽ bị xử phạt hành chính từ 3-5 triệu đồng.

Điểm b khoản 4 điều 15 cũng quy định người chiếm giữ buộc trả lại tài sản do chiếm giữ trái phép: Nếu người nào sử dụng số tiền do người khác chuyển nhầm dưới 10 triệu đồng thì có thể bị xử phạt hành chính từ 3-5 triệu đồng.

Nếu sử dụng số tiền từ 10-200 triệu đồng do người khác chuyển nhầm thì bị xử phạt tiền từ 10-50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

Nếu sử dụng số tiền từ 200 triệu đồng trở lên thì có thể bị phạt tù 1-5 năm.

Bích Vân

Bài mới
Đọc nhiều