Trung Quốc và hành trình “vơ vét” tài nguyên thế giới
Trang SCMP phản ánh Trung Quốc đã và đang đang “vơ vét” vùng biển của nhiều quốc gia trên thế giới, đe dọa cuộc sống của nhiều người dân địa phương và gây ra mối lo ngại về an ninh hàng hải. Đặc biệt là khu vực Biển Đông và khu vực Thái Bình Dương.
Việc Trung Quốc thi hành chiến lược làm chủ nguồn cung ứng nguyên, nhiên liệu trên thế giới để phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, cải cách Trung Quốc, đã và đang có tác động lớn đến các vấn đề về chính trị, an ninh và kinh tế toàn cầu.
Trong rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thành công trong sự nghiệp cải cách – mở cửa của Trung Quốc, không thể không nhắc đến vai trò của việc khai thác nguồn tài nguyên quý báu trên thế giới. Muốn công nghiệp tăng trưởng cao, trở thành “công xưởng thế giới”, Trung Quốc cần phải dựa vào nguồn đầu tư lớn. Nguồn đầu tư đó, không phải chỉ dựa vào nguồn tài nguyên trong nước, mà phần lớn phải dựa vào nguồn tài nguyên trên thế giới.
Đặc biệt phải kể đến hành trình “vơ vét” tài nguyên biển từ Á sang Âu, đặc biệt là nguồn tài nguyên biển của các tàu cá Trung Quốc.
Hành trình “vơ vét” tài nguyên trái phép của Trung Quốc
“Những tàu cá này làm cạn kiệt nguồn thủy sản của chúng tôi nhanh khủng khiếp, chúng tôi giờ rơi vào nợ nần”, ngư dân 53 tuổi sống tại một làng chài ở Axim, Ghana, cho biết khi nói đến các tàu đánh cá trái phép của Trung Quốc ở vùng biển nước này.
Họ đi từ vùng biển được cấp phép xâm nhập đến vùng nước thuộc chủ quyền của Ghana, đánh bắt những loại cá vốn quyền khai thác chỉ dành cho ngư dân địa phương.
Theo chỉ số về đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), Trung Quốc liên tục xếp hạng chót trong 152 quốc gia có bờ biển, do vi phạm đánh bắt và để xảy ra nhiều sự cố nhất.
Tại Ghana, nhà chức trách quy định vùng nước trong phạm vi 6 hải lý từ bờ biển chỉ thuộc quyền khai thác của ngư dân địa phương, nhưng tàu cá Trung Quốc phớt lờ điều này.
Trong khi đó, ở quốc gia láng giềng Sierra Leone, nơi nghề đánh bắt thủy sản chiếm 12% nền kinh tế, người dân cho biết sản lượng khai thác của họ đang sụt giảm nhanh chóng do nạn đánh bắt cá quá mức trên quy mô lớn trong nhiều năm nay. Nhiều ngư dân ở nước này đổ lỗi cho các đội tàu nước ngoài, trong đó có Trung Quốc.
Theo SCMP, vùng biển của các nước Nam Mỹ khác cũng ghi nhận việc đánh bắt trái phép của các tàu Trung Quốc, bao gồm Peru. Đặc biệt, vào tháng 8/2020, khoảng 300 tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép gần vùng biển quanh quần đảo Galapagos của Ecuador. Nhà chức trách Ecuador thời điểm đó cho biết số tàu cá Trung Quốc nhiều chưa từng có, cáo buộc họ tắt hệ thống định vị và đổi tên tàu để che giấu danh tính.
Theo một ước tính vào năm 2021, gần 250 tàu cá nước ngoài, trong đó có 243 tàu mang cờ Trung Quốc, đã khai thác trên vùng biển này suốt 73.000 giờ đồng hồ và vơ vét hàng nghìn tấn mực, cá.
Nhiều quốc gia châu Á cũng tố tàu cá Trung Quốc đánh bắt hải sản phi pháp. Vào năm 2021, hàng trăm tàu Trung Quốc đã tiến vào vùng biển xung quanh Đường giới hạn phía Bắc, biên giới trên biển giữa Hàn Quốc và Triều Tiên ở Hoàng Hải.
Tháng 10/2020, nhà chức trách Malaysia đã bắt giữ 6 tàu cá Trung Quốc, cáo buộc các ngư dân đã xâm nhập trái phép vùng biển nước này.
Vào năm 2021, hơn 200 tàu đánh cá Trung Quốc tập trung xung quanh bãi đá ngầm đá Ba Đầu, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
“Sự việc ở đá Ba Đầu có quy mô chưa từng có và đáng chú ý: số lượng lớn nhất các tàu cá Trung Quốc tập trung tại một rạn san hô ở Trường Sa và ở đó trong vài tuần”, Samir Puri và Greg Austin, hai nghiên cứu viên cấp cao tại Viện nghiên cứu Chiến lược (IISS), cho biết vào thời điểm đó.
Âm mưu đe doạn an ninh hàng hải thế giới
Hoạt động trái phép của nhiều tàu cá Trung Quốc gây lo ngại cho nhiều quốc gia ven biển, ảnh hưởng đến sinh kế của người dân địa phương và tiềm ẩn nhiều mối nguy hại cho hệ sinh thái.
“Trong 5 năm qua, đội tàu đánh cá xa bờ của Trung Quốc đã gây ra những sự biến đổi lớn. Họ khiến các ngư trường nhỏ kiệt quệ, khai thác hết nguồn cá vốn là nguồn sống của người dân địa phương”, ông Steve Trent, đồng sáng lập quỹ bảo tồn Environmental Justice Foundation, cho biết.
Bên cạnh vấn đề về kinh tế, các nhà chức trách và chuyên gia cũng bày tỏ mối lo ngại về an ninh. Họ cho rằng đội tàu đánh cá khổng lồ là công cụ để Bắc Kinh thực hiện những yêu sách lãnh thổ phi lý của Trung Quốc, bao gồm tuyên bố chủ quyền phi pháp ở Biển Đông.
Trong khi 75% đội tàu đánh cá thuộc sở hữu tư nhân, chính phủ Trung Quốc vẫn duy trì hiện diện đáng kể trong ngành khai thác thủy sản.
Bên cạnh đó, hải quân, hải cảnh và lực lượng bán vũ trang do chính phủ quản lý cũng thường tham gia cùng đội tàu cá trong các hoạt động gây hấn ở Biển Đông.
Conor Kennedy và Andrew Erickson, hai chuyên gia hàng đầu của Mỹ, cũng đánh giá các đội tàu là “lực lượng do nhà nước (Trung Quốc) tổ chức, phát triển và kiểm soát, hoạt động theo một chuỗi chỉ huy quân sự trực tiếp, tiến hành các hoạt động do nhà nước Trung Quốc bảo trợ”.
Ông Erickson nói lực lượng dân quân đã được tích hợp với đội tàu đánh cá của Trung Quốc và đây là đội tàu lớn nhất thế giới với hơn 187.000 tàu thuyền.
Trong khi đó, nhà nghiên cứu Shuxian Luo và Jonathan Panter của Đại học Johns Hopkins từng khẳng định rằng với số lượng lớn, ngay cả khi đó là những tàu cá thuần túy không vũ trang, cũng có thể trở thành một lực lượng quân sự hiệu quả nếu hoạt động dưới sự chỉ huy của các tàu dân quân hàng hải.
“Dù chỉ được triển khai với số lượng hạn chế, các tàu đánh cá vẫn có thể kiềm chế, hoặc thậm chí là ngăn chặn hoàn toàn khả năng các tàu chiến chỉ đạo chiến tranh chống tàu ngầm và triển khai máy bay trực thăng”, ông Luo và Panter viết.
Trung Quốc vừa muốn tận thu cạn kiệt nguồn cá biển, vừa muốn xâm chiếm toàn bộ các khu vực khai thác dầu khí của các nước có biển ở châu Á – Thái Bình Dương, điều đó đã có tác động xấu đến an ninh, an toàn trong khu vực, khiến cho môi trường an ninh trong khu vực bị đe dọa nghiêm trọng, rất dễ gây ra sự phản kháng của các nước láng giềng, đe dọa nghiêm trọng đến hợp tác, an ninh, trật tự thế giới mới trong khu vực.
Bảo Trâm (Theo SCMP, Đại ký sự Biển Đông…)